“Sông bùn” chia cắt làng bản
Sáu ngày sau bão số 13, anh Đinh Văn Triết mới tìm cách ra trung tâm xã mua ít thực phẩm. Từ khu dân cư (KDC) Măng Lăng, thôn Tà Vây anh phải lội bộ băng qua “sông bùn” - nơi quả núi vùng anh ở đổ xuống mấy đêm trước.
Từ đầu đường của thôn, anh men theo bờ đất chân núi qua được đoạn hơn 100m. Để qua bên kia đường về trung tâm xã, anh phải băng qua “cánh đồng” đầy bùn sình non một km. Hàng trăm nghìn khối bùn đất vùi lấp vùng rộng lớn khiến anh lo sợ mỗi lúc qua đây.
Sau bão, mưa không ngớt, lượng bùn đất dày đặc san phẳng đường sá, ruộng nương. Sơ sẩy bước chân, anh Triết có thể bị lún chìm trong khối bùn đất non vừa bị sạt. Mỗi bước chân, anh mon men tìm điểm tựa cứng là đá, bờ đất bùn cứng để níu chân an toàn.
“Gạo mì thì vẫn còn nhưng cả tuần trước và sau bão cũng phải qua trung tâm mua ít rau, măng. Đường đi bây giờ toàn là bùn, cao cũng phải hơn một mét. Nếu đi không cẩn thận thì sụp chân, bùn nhận chìm mình dưới đó luôn”, anh Đinh Văn Triết tê tái giữa cái lạnh xứ núi và lo sợ hiểm nguy.
Mưa lớn và liên tục bão gió khiến tình trạng sạt lở núi ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều đồi núi, dãy núi bị dư chấn động đất cùng những tiếng nổ bên trong lòng rừng là sạt lở hàng loạt núi đồi.
Tại thôn Ra Pân, xã Sơn Long, vài ngày trước, sau nhiều tiếng nổ lớn trong đêm, dãy núi Ngọc Rây bị xẻ đôi. Hai phần ba dãy núi đổ ập, khoét sâu thân núi và kéo dài khoảng 800m. Hàng trăm nghìn khối đất đá đổ xuống tạo thành dòng lũ bùn từ trên cao ào xuống, san phẳng từ triền đồi qua bên kia làng.
Vùng sạt lở tan hoang cách trường học và UBND xã chưa đầy 200m. Hơn 3ha rừng, ruộng bậc thang cùng nhà cửa của người dân bị nhấn chìm trong sông bùn. Tất cả đều chìm dưới đáy bùn lầy.
Vài ngày sau trận “lũ bùn”, các tuyến đường từ trung tâm xã Sơn Long vào KDC Măng Lăng, Ha Tin (thôn Ra Pân) và thôn Tà Vây bị xóa sổ. Đất đá đổ tràn cao từ một đến ba mét, chia cắt xã và bản làng. Hơn 800 hộ dân hai thôn Ra Pân và Tà Vây bị cô lập, nhiều ngày chưa thể ra khỏi làng.
Chủ tịch UBND xã Sơn Long, Đỗ Thanh Vượt cho biết, nhiều điểm bị sạt lở ở điểm núi, vùng dân cư xã rất nặng, nhiều khu vực núi vẫn đang tiếp tục vùi lấp đường, KDC thôn.
“Hiện, chúng tôi đã sơ tán, di dời 86 hộ dân vùng sạt lở núi đến nơi an toàn. Chưa bao giờ bị sạt núi nặng như năm nay, nhiều thôn bị nguy hiểm bởi sạt liên tục. Đất đá từ núi đổ xuống quá lớn xã không thể khắc phục để thông tuyến cho người dân qua lại. Hiện, gần 1.000 hộ dân các vùng núi vẫn bị cô lập toàn phần hoặc một phần. Kéo dài thì chúng tôi cũng rất lo việc học hành, làm ăn của các cháu, bà con trong xã”, Chủ tịch UBND xã Sơn Long trao đổi.
Dân chưa thể về nhà
Sau những đợt mưa lũ, nhất là từ bão Molave đổ vào đến nay, toàn huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi có khoảng sáu điểm sạt lở nghiêm trọng. Tập trung nhiều nhất ở các xã Sơn Bua, Sơn Long, Sơn Mùa, Sơn Liên… và tuyến đường Đông Trường Sơn, tỉnh lộ 623.
Tại tuyến đường Đông Trường Sơn, đoạn qua xã Sơn Long hàng chục nghìn m3 đất đá đổ, tràn lấp hơn 700m đường từ hơn một tuần qua. Cho đến nay, ngoài các biển cảnh báo nguy hiểm, tuyến giao thông này vẫn bị chia cắt, chưa thể khôi phục, khiến việc lưu thông từ Sơn Tây đi Kon Tum bị tê liệt.
Trên tuyến tỉnh lộ 623 huyện Sơn Tây, đoạn qua xã Sơn Dung, điểm sạt lở nghiêm trọng chia đường về xã và các KDC vùng sâu. Ngay sau khi sạt lở núi, chính quyền địa phương khắc phục tạm để lưu thông đi lại, thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp cũng như bảo đảm nhu cầu lương thực từ miền xuôi lên vùng cao. Tuy nhiên, sau bão số 13, tuyến tỉnh lộ 623 thuộc địa bàn huyện Sơn Tây xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới, nguy cơ đổ sập núi vùi đường giao thông.
“Đi qua đây rất sợ vì dấu vết sạt nhiều và mới. Nếu nước xuống nữa thì lại sạt lở đất đá thôi. Không đi thì cũng không biết làm sao. Mình đi ban ngày chứ chiều thì thôi, không an toàn”, anh Đinh Văn Đần lo lắng.
Mưa bão đã qua nhưng toàn huyện Sơn Tây vẫn còn 800 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu ở xen ghép, tạm trú các nhà văn hóa, điểm dân cư an toàn. Đồng thời, khoảng 200 hộ dân di dời khỏi các làng, KDC và vùng sạt lở vẫn ở tạm, chưa bố trí được nơi định cư.
Hơn nửa tháng qua, bà Đinh Thị Lớp ở KDC Măng Lăng, thôn Ra Pân cùng năm người thân chia nhau sống tạm ở nhà bà con gần trung tâm xã. Nhà ở cạnh núi nên bà di chuyển trước khi bão lũ đến. Ở tạm kéo dài nhiều ngày khiến bà cứ mong ngóng được dời đến nơi ở mới. “Nhà cũ không về được đâu, bây giờ chờ có nhà tạm xã làm qua ở thôi. Muốn về để xem nhà bây giờ ra sao mà chưa được”, bà Đinh Thị Lớp ưu tư.
Để khắc phục tạm tuyến giao thông từ huyện về xã, bản làng, chính quyền địa phương huy động tổng lực lượng, phối hợp đơn vị thi công san ủi đất đá thông tuyến. Đồng thời, theo dõi tình hình sạt lở ở những nơi có nguy cơ cao, kịp thời có biện pháp xử lý, di dời dân khẩn cấp. Tuy nhiên, sạt lở núi bủa vây nghiêm trọng và kéo dài khiến công tác khôi phục khó khăn với chính quyền cơ sở.
“Đến hôm nay vẫn chưa thể khắc phục hết vì lở núi quá nghiêm trọng. Lo lắng nhất là việc an toàn đi lại của bà con, đồng ruộng bị vùi rất nhiều nên tái sản xuất, làm ăn của người dân cũng gặp khó khăn. Chúng tôi nỗ lực tại địa bàn và mong được hỗ trợ sớm từ ngành chức năng, giúp bà con tái phục hồi cuộc sống sau thiên tai”, ông Đinh Quang Ven, Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây chia sẻ.