Sắp xếp gắn với thực tiễn
Nằm phía tây nam tỉnh Thanh Hóa, huyện miền núi Như Xuân có 18 xã, thị trấn nhưng có tới 183 thôn, bản. Vì vậy, huyện có 55 điểm trường lẻ bậc học mầm non; 27 điểm trường tiểu học. Từ năm 2000 đến nay, học sinh mầm non, tiểu học, THCS giảm mạnh. Ở điểm trường lẻ, số học sinh giảm dần, một số khu phải chuyển mục đích sử dụng. Từ năm học 2013-2014 đến nay, huyện Như Xuân sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo hướng xây dựng điểm trường mầm non liên thôn, sáp nhập trường tiểu học và THCS ở các xã: Yên Lễ, Tân Bình, Cát Vân, Thanh Hòa thành bốn trường Tiểu học và THCS. Việc sắp xếp lại bảo đảm quy mô trường học, định mức giáo viên trên lớp; giảm 16 cán bộ quản lý, kế toán, nhân viên.
Tại huyện Quảng Xương, trong bán kính gần 2 km quanh trung tâm huyện có tới ba trường THCS, nhưng có trường chỉ có bốn lớp học. Từ năm học 2013-2014, huyện sáp nhập trường THCS thị trấn với THCS Quảng Tân, thành lập Trường THCS Lưu Vệ có quy mô hơn 450 học sinh, 13 lớp học, bình quân hơn 35 học sinh/lớp. Ngoài ra có gần 60 học sinh các lớp năng khiếu bóng đá của tỉnh theo học nên trường THCS Lưu Vệ hiện dạy hai ca trong ngày. Kết quả sau khi sáp nhập, trường luôn bảo đảm chất lượng dạy và học, đạt tập thể lao động tiên tiến, được tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua cấp huyện. Học sinh được hưởng lợi nhiều hơn từ môi trường giáo dục toàn diện, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, giáo viên được sắp xếp theo định mức công việc, phù hợp năng lực, trình độ chuyên môn, phát huy được sở trường.
Tại huyện Ðông Sơn, số lượng học sinh giảm nên huyện đã sáp nhập trường tiểu học với THCS ở các xã Ðông Khê, Ðông Anh, Ðông Phú. Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ðông Khê Lê Bá Lực cho biết: Sau khi sáp nhập, trường hoạt động nền nếp, ổn định, tập trung nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học này, trường có năm học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chất lượng giáo dục đại trà xếp thứ năm toàn huyện. Khi sáp nhập, dôi dư một số giáo viên, và số này đã được bố trí giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS khác bảo đảm số tiết giảng dạy theo quy định và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Tỉnh Thanh Hóa có diện tích tự nhiên gần 11.130 km2, số dân hơn 3,5 triệu người sinh sống ở các địa bàn miền núi, trung du, đồng bằng duyên hải. Sau nhiều năm thực hiện chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, số lượng học sinh trong độ tuổi huy động đến trường của Thanh Hóa giảm dần. Mặt khác, nhiều người dân trong tỉnh đi làm ăn xa khiến cho số dân trong tỉnh giảm cơ học. Năm học 2014-2015 toàn tỉnh có 716.936 học sinh mầm non và phổ thông theo học ở 25.078 lớp; giảm 19.965 học sinh, 1.425 lớp so với năm học 2010-2011. Trong tỉnh có 120 trường tiểu học có quy mô dưới 9 lớp học; 188 trường THCS có quy mô dưới 8 lớp học. Số trường có quy mô nhỏ tăng do số lượng học sinh ở hầu hết các trường giảm, có nơi giảm mạnh. Mạng lưới cơ sở giáo dục không còn phù hợp, nhất là vùng miền núi có nhiều điểm trường, khu lẻ tọa lạc trên diện tích đất hẹp; nhiều cơ sở giáo dục chưa đủ diện tích sử dụng theo quy định. Trong khi đó, các trường THCS đạt chuẩn quốc gia có phòng học các bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ, Tin học được trang bị thiết bị hiện đại nhưng quy mô dưới 12 lớp, thậm chí dưới 8 lớp học, cho nên chưa khai thác hết công suất, hiệu quả đầu tư, thiếu nguồn bảo dưỡng thiết bị dạy và học.
Cuối năm 2015, HÐND tỉnh Thanh Hóa thông qua đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT có nhiều cấp học. Việc sắp xếp này được triển khai theo lộ trình. Ðến nay, đã sáp nhập 18 trường tiểu học thành chín trường tiểu học; ghép sáu trường tiểu học với sáu trường THCS thành trường tiểu học và THCS.
Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng cho biết: Ðiều ghi nhận khi sắp xếp lại là mạng lưới trường lớp được bố trí hợp lý, thuận lợi cho học sinh; quy mô đủ lớn để thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong nhà trường. Công tác quản lý nhà nước, quản lý giáo dục được tăng cường, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Theo lộ trình đến năm 2020, Thanh Hóa giảm được 122 trường học và sau thời điểm này nhân lực trong ngành giáo dục giảm 1.149 người; mỗi năm tiết kiệm được gần 60 tỷ đồng kinh phí trả lương, phụ cấp và chi phí hành chính cho trường học.