Theo cảnh sát, số người thiệt mạng trong vụ sập cầu vượt ít nhất là 14 người và có tới 150 người có thể đang bị mắc kẹt trong đống đổ nát.
Nhiều người, trong đó có hành khách của một xe bus loại nhỏ, đang nằm dưới một tấm bê-tông. Tuy nhiên, xe cần cẩu được huy động tới hiện trường vụ tai nạn không thể di dời tấm bê-tông này.
Akhilesh Chaturvedi - một sĩ quan cảnh sát cấp cao có mặt tại hiện trường cho biết, 15 người bị thương nghiêm trọng đã được giải cứu.
“Phần lớn đang mất nhiều máu. Vấn đề là không ai có thể lái một xe cứu thương vào khu vực sập cầu”, ông Chaturvedi nói.
Người dân đang dùng tay để đưa những người mắc kẹt dưới đống đổ nát gồm kim loại và xi-măng ra ngoài.
Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh bày tỏ quan ngại và thông báo, các đội cứu hộ sẽ nhanh chóng tới hiện trường.
Thủ hiến bang Tây Bengal, bà Mamata Banerjee, đã nhanh chóng tới hiện trường để xem xét những thiệt hại do vụ sập cầu gây ra. Bà Banerjee đang phải đối mặt với các câu hỏi chung quanh việc ai là người chịu trách nhiệm về vụ việc.
Theo tờ The Telegraph, vào cuối năm 2015 một tờ báo đưa tin, bà Banerjee muốn dự án cầu vượt hoàn thành vào tháng 2-2016, song các kỹ sư đã bày tỏ quan ngại về hạn chót này.
Cầu vượt Vivekananda dài 2 km được khởi công từ năm 2009, tuy nhiên công trình này không đáp ứng được tiến độ thi công.
Toàn cảnh vụ sập cầu vượt tại TP Kolkata, Ấn Độ, ngày 31-3. (Ảnh: Reuters).