Có những bài nổi tiếng qua nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện như “Ru con mùa đông” (Đặng Hữu Phúc), “Đất nước lời ru” (Văn Thành Nho), “Mẹ yêu con” (Nguyễn Văn Tý), “Quê hương” (Nhạc: Giáp Văn Thạch; lời: Đỗ Trung Quân), “Huyền thoại mẹ” (Trịnh Công Sơn). Có những bài cũ nhưng hầu như không còn được biểu diễn những năm gần đây như “Tiếng ca từ mặt trời và ánh lửa” (Trần Long Ẩn), “Tìm về lời ru” (Đào Đăng Hoàn), “Khúc hát ru của người mẹ trẻ” (Nhạc: Phạm Tuyên, lời: Lâm Thị Mỹ Dạ). Cùng với đó là ca khúc mới “Điều không thể mất” của Ngọc Châu và đặc biệt là “Lời ru” của nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi viết tặng riêng cho Hồng Nhung.
Tham gia phối khí cho các bài trong album có các nhạc sĩ Đỗ Bảo, Lưu Hà An, Dương Hùng, Minh Đạo, Đức Nghĩa. Nhạc sĩ Quang Long – Phó Ban biên tập NXB Âm nhạc cho biết, tuy không mấy “rủng rỉnh”, nhưng Hồng Nhung rất kỹ tính trong khâu sản xuất. Đã có một vài bản phối – ghi âm kỳ công, mà Nhung không ưng ý, cô sẵn sàng loại ra.
Chia sẻ tại lễ ra mắt album, TS Phạm Việt Long, một trong những người thầy của cô đánh giá cao nhạc cảm tốt, nhiệt tình rèn luyện của Hồng Nhung, nhất là thái độ phục vụ tốt, sẵn sàng tham gia các cuộc biểu diễn phục vụ chiến sĩ, đồng bào vùng sâu vùng xa trên tinh thần cống hiến, không nặng về vật chất.
Ca sĩ Trần Hồng Nhung quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh, tại làng Đa Hội. Hồng Nhung lại mê ca hát từ nhỏ, được chú họ là NSƯT ca sĩ Quốc Hưng động viên, Nhung đi học trung cấp tại Học viện âm nhạc quốc gia. Miệt mài phấn đấu, hiện cô đang công tác tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam và đã đỗ thủ khoa chuyên ngành thanh nhạc hệ cao học năm vừa qua tại học viện.
Hồng Nhung cho biết, sau album “Huyền thoại lời ru”, cô sẽ bắt tay vào một dự án âm nhạc mới với những ca khúc về biển đảo quê hương và những người chiến sĩ.