Xa kênh từ độ còn... dơ
Bà Từ sống bên Bình Quới đã gần 15 năm. Trong suốt thời gian qua, bà chưa có dịp quay về thăm nơi ở cũ gần chùa Vĩnh Nghiêm, bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Một phần do không còn người thân quen ở lại nơi này, một phần do tuổi cao, bà không đi được xe máy để mà còn qua lại chốn cũ, viếng chùa xưa. Có chăng, thỉnh thoảng bà đi lên quận 1 bằng chuyến xe buýt số 44, rồi về. Với bà ngồi trên xe tầm nhìn thật khó, mọi đổi thay của thành phố giống như huyền thoại vụt qua, không phân biệt được đâu là dòng kênh, đâu là con đường quen thuộc ngày cũ. Nhắc đến dòng kênh, bà Từ nhớ lại, những năm đó bà bị bệnh phổi, suốt ngày phải hít thở không khí ô nhiễm, mặt mũi xây xẩm, mỗi bữa ăn như sóng chao, thuyền úp, muốn ói luôn khi thức ăn vừa xuống đến dạ dày. Khó ở vì ô nhiễm, bà chuyển về Bình Quới, "chạy trốn" một hiện thực không mấy thơm tho.
Cũng khó kể hết những câu chuyện của nhiều người đã sống một thời bên bờ kênh. Họ phải rời đi vì quy hoạch bờ kè mở tuyến đường dọc kênh, và một bộ phận bỏ đi vì ô nhiễm. Và họ thật cảm ơn khi trở lại nơi này. Trước kia, khu vực này lầy lội, trời nắng chuyển mưa, mùi thối vào tận mùng mền, đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang hai lớp. Nay có thể dạo chơi tâm tình, tập thể dục, chụp ảnh cưới. Hôm trước, dưới Ðức Hòa, Long An có đua ngựa phong trào. Tôi cùng vài phóng viên các báo về đó viết bài, chụp ảnh. Trên đường đi, chúng tôi tấp vào quán cà-phê. Ông chủ người TP Hồ Chí Minh về đây đã được mười năm rồi. Ông kể khi gia đình rời thành phố, được mấy tháng thì kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cải tạo. Ông cứ nhắc lại cái ngày trước đầy ngao ngán và ông cũng nói đến ngày hôm nay của dòng kênh. Tuy không còn ở lại, không được hưởng gió mát dòng kênh, ông vẫn cảm thấy hân hoan.
Nhiều câu chuyện kể của ngày trước, trẻ con sơ ý xuống kênh giẫm phải đinh, mảnh chai, mảnh sành bị nhiễm trùng, thậm chí dẫn đến tật nguyền. Nhiều người da sáng dáng đẹp về đây ở một thời gian thì mặt sám dáng khòm vì không khí ô nhiễm. Có người đi làm ở phố khác, khi tan ca, hết việc thì không muốn trở về nhà... Nay, dòng nước bẩn đã được thay, bờ lún sụt đã được kè cạp chắn đỡ, lối đi thông thoáng, cảm xúc cho những ý thơ.
Khúc biến tấu Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Hai con đường mang tên hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Hoàng Sa và Trường Sa chạy dài theo con kênh. Ðiểm bắt đầu của đường Trường Sa từ sông Sài Gòn, điểm cuối đường bắt vào đường Út Tịch, đường Hoàng Sa bắt vào đường Lên Bình. Ngã tư của bốn con đường cũng là điểm cuối của con kênh. Cũng từ giao lộ này, khoảng cách của dòng kênh theo mật độ giao thông có những cây cầu xinh xinh, hoa hai bên lan can soi bóng. Cầu được đánh số từ một đến chín, chen giữa cây cầu số này là những cây cầu có tên gọi: cầu Ông Tạ, cầu Bà Xép, cầu San, cầu Trần Quang Diệu. Và đến những cây cầu đi vào sử sách truyền tụng một thời: cầu Công Lý, cầu Thị Nghè. Cầu Công Lý nhắc nhở chiến công thời chống Mỹ, cứu nước, cầu Thị Nghè nhắc nhở con đường học vấn của một người vợ bắc cầu cho chồng qua sông dùi mài kinh sử.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không rộng, cầu không lớn nhưng rất có sức quyến rũ. Mười năm sau ngày con kênh được cải tạo, vẻ đẹp đôi bờ đã truyền cảm hứng cho Trung tâm áo cưới Mi-lan, diễn đàn nhiếp ảnh Phô-tô-lang-thang tổ chức cuộc thi ảnh "Khúc biến tấu Nhiêu Lộc - Thị Nghè" tại bờ kênh, thể hiện tình yêu môi trường. Chủ nhiệm câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Sang cho biết, chỗ này có hàng hoa sứ, bên kia kênh có chùa Vạn Thọ, dòng kênh quanh co tạo cảm hứng tuyệt vời cho các tay máy. Câu lạc bộ nhiếp ảnh này đã tổ chức ba cuộc thi ảnh tại những khúc cua của dòng kênh.
Người dân ở đây kể lại, tháng ba năm trước, trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn từ cầu Trần Khánh Dư đến cầu Kiệu, lần đầu tiên họ được chứng kiến, hàng nghìn con cá nổi lên mặt nước. Càng về trưa đàn cá nổi càng nhiều, người dân đổ xô đi xem cá "diễu hành". Người thì bỡ ngỡ về đàn cá. Cá thì bỡ ngỡ về dòng kênh. Chuyện lạ nhưng không hề lạ, đó là sự giao hòa của thiên nhiên cũng như con người là hay thì ở, dở thì đi.
![]() |
Người dân tập thể dục tại công viên và thảm cây xanh ven bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Nhiều bạn trẻ rủ nhau đến bờ kè Nhiêu Lộc - Thị Nghè chơi, chụp hình. Nhiều người tri kỷ, tâm giao cũng rủ nhau qua bờ kè này để chuyện trò, tâm sự. Cánh văn nghệ sĩ, nhà báo cũng rủ nhau qua uống cà-phê bờ kè hòng làm mới, lấy lại phong độ cho suy nghĩ của mình. Bờ kè Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang hình thành, đang tạo nên nguồn cảm hứng cho nhiều người thành phố.
Sau mười năm cải tạo, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bật lên vẻ đẹp mới - vẻ đẹp hiện đại từ bàn tay lao động của con người. Nếu như ở đoạn gặp của kênh và sông Sài Gòn vẫn mang hình bóng cũ của cái thời cải tạo đầu tiên từa tựa công trình thời bao cấp, thì đoạn kênh phía quận 3, Phú Nhuận gần những cây cầu, ụ đất nhỏ cỏ mượt, đá dựng, vạn tuế, hàng liễu bay phất phơ trong gió. Phối cảnh, tạo hình căn cứ trên khúc lượn của dòng sông. Ðôi bờ trong chiều mờ nhòa, dòng kênh hóa huyền ảo như bức tranh thủy mặc.
Những năm tháng khó khăn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như cô gái lọ lem, nay "nàng" kênh như cô gái đi thi nhan sắc và đoạt ngôi vị hoa khôi. Dòng chảy đang viết câu chuyện mới, một cách kể mới cho bản thân mình. Dòng kênh là một điểm nhấn mới mẻ cho thành phố và một ngày không xa, người dân nơi đây cũng chẳng nhớ đến quá khứ của dòng kênh. Quá khứ ấy đã ngủ êm trong tiếng gió ru rặng liễu, và của những cánh hoa bật lên khoe sắc bên bờ kênh trong mỗi nắng mai.