Sáng tạo và tận dụng thời cơ đưa cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân đến thắng lợi

Trong những cuộc đấu tranh lịch sử của nhân dân cho tự do, chống ách áp bức giai cấp hay dân tộc đã xuất hiện lý luận khoa học về khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng. Trong lý luận đó, vấn đề thời cơ chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng.

Trong kho tàng trí tuệ đánh giặc của người Việt Nam xưa, chúng ta đã thấy một sự tổng kết tài tình  được diễn đạt một cách hết sức độc đáo của Nguyễn Trãi: "Thời, thời, thời, thực không nên bỏ lỡ". Khi thời cơ đến phải biết phát động quần chúng đứng lên khởi nghĩa; một khi đã khởi nghĩa thì phải tiến công, tiến công mãnh liệt và không ngừng, phòng ngự là sự tự sát của khởi nghĩa. Lenin đã đánh giá cao khẩu hiệu của đại cách mạng Pháp và muốn cuộc cách mạng vô sản Tháng Mười Nga áp dụng khẩu hiệu đó: Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa.

Kế thừa và phát triển những tinh hoa nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền của ông cha ta trong những điều kiện lịch sử mới, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong đó có việc sáng tạo thời cơ và tận dụng thời cơ như là một nhân tố có ý nghĩa hàng đầu. Với Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã sáng tạo ra một mẫu mực kinh điển của cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản, một sự kiện nổi bật của thế kỷ 20 tiếp theo Cách mạng Tháng Mười Nga.

Thông thường, thời cơ thuộc về những nhân tố khách quan độc lập với ý muốn và lực lượng chủ quan của cách mạng. Vì vậy, phải đợi thời! Biết kiên nhẫn đợi thời cơ, không nôn nóng dẫn đến hỏng việc lớn cũng là một phẩm chất của người lãnh đạo cách mạng tài ba. Thế nhưng không chờ đợi một cách thụ động tiêu cực, không "há miệng chờ sung" mà chờ đợi một cách tích cực, chủ động. Tinh thần tiến công trong khởi nghĩa vũ trang đã phải được thể hiện ngay từ trước khởi nghĩa, từ trong quá trình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, quá trình sáng tạo ra thời cơ.

Có hai phương thức sáng tạo ra thời cơ. Thứ nhất, thúc đẩy nhanh sự chín muồi của thời cơ, làm cho thời cơ đến nhanh hơn bằng cách tác động vào các mâu thuẫn làm phát sinh thời cơ; cách này là cách của các lực lượng cách mạng vốn đã mạnh có thể trực tiếp làm suy yếu thế lực kẻ thù, có thể đẩy kẻ thù phạm sai lầm. Thứ hai, trong thúc đẩy thời cơ, tập trung nỗ lực vào việc tích lũy, tăng cường thực lực cách mạng, người lãnh đạo biết tìm ra những hình thức tổ chức và đấu tranh thích hợp khi thời kỳ hòa bình phát triển cách mạng đã qua nhưng thời kỳ tổng khởi nghĩa chưa tới để đến khi thời cơ tới, cách mạng đủ sức tận dụng thời cơ, không bỏ phí thời cơ. Ðó là cách tạo thời cơ của các lực lượng cách mạng vốn không mạnh, phải đợi thời nhưng đợi thời theo tinh thần tiến công.

Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam là sự kiện gắn liền với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai giữa phe đồng minh, do Liên Xô đứng đầu, với chủ nghĩa phát-xít. Ðảng ta từ đầu đã dự kiến rằng cuộc chiến tranh đó sẽ được kết thúc với thắng lợi của phe đồng minh, với sự thất bại của chủ nghĩa phát-xít và đó sẽ là thời cơ thuận lợi để Ðảng phát động nhân dân ta đứng lên khởi nghĩa. Ðứng vững trên lập trường, thế giới quan, phương pháp luận của Chủ nghĩa Marx-Lenin, phân tích một cách cụ thể các thế lực đồng minh, Ðảng ta hiểu rằng đó không phải là một thế lực thuần nhất.

Bên cạnh Liên Xô và các lực lượng tiến bộ chống phát-xít là đồng minh đáng tin cậy, chúng ta còn có những đồng minh, đồng minh tạm thời và đồng minh có điều kiện. Vì vậy, Ðảng ta mà đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng giáo dục cho nhân dân tinh thần tự lực tự cường, tự mình vươn lên đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, rũ bỏ tư tưởng nô lệ ươn hèn, những ảo tưởng trông chờ vào thiện chí và sự ban phát độc lập tự do của các thế lực bên ngoài. Chính là dựa vào những luận cứ như vậy, Ðảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta sáng tạo ra thời cơ cách mạng. Lực lượng cách mạng Việt Nam lúc đó tuy còn rất nhỏ bé, sau thất bại của những cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Ðô Lương nhưng đã thực hiện sự liên minh chiến đấu với quân đồng minh, góp phần nhỏ bé của mình vào việc làm suy yếu phát-xít Nhật và Pháp tại Việt Nam. Ðiều quan trọng là đã động viên và tổ chức toàn dân tích cực chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang đang đến, tăng cường thực lực cách mạng nhanh chóng để tận dụng thời cơ khi thời cơ đến.

Tháng 5-1941, Hội nghị T.Ư Ðảng đã họp tại Pắc Bó, Cao Bằng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Tiếp theo Nghị quyết Hội nghị T.Ư tháng 11-1939, Hội nghị lần này xác định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc; chủ trương sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật, sẽ thành lập chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; xác định hình thái của cuộc khởi nghĩa vũ trang ở nước ta là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa; khẳng định chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Ðảng, toàn dân. Hội nghị đã có những quyết định mới về tổ chức đội quân chính trị, thay tên các hội phản đế thành hội cứu quốc, lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh công tác xây dựng Ðảng, chủ trương gấp rút đào tạo cán bộ: cán bộ lãnh đạo, cán bộ công vận, nông vận, binh vận, cán bộ quân sự...

Mùa thu năm 1944, từ Trung Quốc về tới Pắc Bó, Bác Hồ đã quyết định hoãn chủ trương của Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng phát động chiến tranh du kích trong liên tỉnh vì điều kiện chưa chín muồi. Người đề ra chủ trương thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, cho rằng hình thức vũ trang tuyên truyền, xây dựng các cơ sở cách mạng nhanh mạnh là hình thức tổ chức và đấu tranh phù hợp với một thời kỳ mà cách mạng phát triển trong hòa bình đã qua nhưng thời kỳ đứng lên khởi nghĩa chưa tới. Ði theo đường hướng đó, lực lượng cách mạng Việt Nam trong mấy năm đã có những bước phát triển vượt bậc, cả về số lượng và chất lượng.

Bước vào năm 1945, tình thế cuộc chiến tranh thế giới và khu vực Thái Bình Dương đã dẫn Nhật đến chỗ phải hất cẳng Pháp, độc chiếm Ðông Dương. Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp 9-3, Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã xác định rằng sau đảo chính, phát-xít Nhật đã trở thành kẻ thù chính, trực tiếp trước mắt của nhân dân Ðông Dương, thay khẩu hiệu "Ðánh đuổi phát-xít Nhật-Pháp" bằng khẩu hiệu "Ðánh đuổi phát-xít Nhật". Hội nghị chủ trương phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ tiến tới tổng khởi nghĩa. Các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cần phải thay đổi cho thích hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa: tuyên truyền xung phong, biểu tình tuần hành, bãi công chính trị, biểu tình phá kho thóc của Nhật chia cho người nghèo, tổ chức các đội tự vệ cứu quốc, lập căn cứ địa mới, thống nhất các chiến khu và thành lập Việt Nam giải phóng quân; thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng ở những vùng quân du kích hoạt động; sẵn sàng chuyển sang tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện. Toàn bộ nội dung chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam trong thời kỳ trực tiếp đi tới tổng khởi nghĩa đó được trình bày một cách sáng rõ trong Chỉ thị nổi tiếng của Ban Thường vụ T.Ư Ðảng "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" (12- 3-1945). Toàn thể dân tộc ta đã muôn người như một đi theo Ðảng, đã thật sự chủ động sáng tạo ra thời cơ và khi thời cơ đến đã biết tận dụng thời cơ đưa cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân đến thắng lợi rực rỡ.

Cách mạng Tháng Tám 1945 là một kỳ tích trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Một cuộc khởi nghĩa của toàn dân, diễn ra trên toàn quốc, về cơ bản trong cùng một thời gian, làm ra "10 ngày rung chuyển thế giới" theo cách của mình, thúc đẩy thế giới của chủ nghĩa đế quốc thực dân đi đến suy tàn và sụp đổ. Về cơ bản, Cách mạng Tháng Tám nếu mở đầu ngày 19 tại Hà Nội thì kết thúc ngày 28 tại Hà Tiên. Cách mạng Việt Nam đã tạo ra được một sự đồng đều về không gian và thời gian của cuộc khởi nghĩa trong điều kiện một nước nông nghiệp, lạc hậu, giao thông liên lạc khó khăn.

Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" đã nâng cao tinh thần chủ động sáng tạo của toàn Ðảng, toàn dân khi thời cơ cách mạng đến, nâng cao trình độ năng lực lãnh đạo và sự thống nhất hành động của các đảng bộ địa phương. Lịch sử cách mạng, lịch sử Ðảng ta chứng tỏ rằng, Cách mạng Tháng Tám có thể diễn ra như vậy là do từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước và xa hơn là từ khi Ðảng ta ra đời đã hướng cách mạng vào mục tiêu giải phóng dân tộc, quán triệt quan điểm bạo lực cách mạng, xây dựng thực lực cách mạng ngày càng lớn mạnh, rèn giũa bản lĩnh cách mạng từ trong các cuộc khởi nghĩa thất bại và bị khủng bố tàn bạo, biết chờ đợi và vận dụng, thúc đẩy thời cơ khởi nghĩa vũ trang toàn dân và biết tận dụng một cách triệt để thời cơ để khi thời cơ đến, tạo nên dòng thác cách mạng mà không một thế lực phản động nào có thể cản được. Ðó là một quá trình tích lũy năng lượng của các tổ chức cách mạng, từ đội tiên phong cho đến các tổ chức chính trị quần chúng. Ðội tiên phong chiến đấu là Ðảng ta, lúc đó chỉ có 5.000 đồng chí, những chiến sĩ cách mạng kiên cường, mưu trí thực hiện sự tiên phong và đội quân chính trị hùng mạnh là toàn dân tộc không phân biệt giai cấp, tầng lớp, già trẻ, gái trai... nhất tề đứng lên giành lấy độc lập, tự do. Năng lượng ấy đã được tung ra đúng lúc không sớm hơn mà cũng không muộn hơn. Ðó là khi các thế lực thống trị Ðông Dương đã mất ý chí thống trị, chỉ còn chờ quân đồng minh vào để giao nộp vũ khí, hồi hương còn quân đồng minh thì chưa kịp vào tiếp quản sự đầu hàng đó, chưa kịp dựng nên một chính quyền tay sai của chúng để cai quản nước ta.

Liệu những bài học về sáng tạo và vận dụng thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám có thể áp dụng vào công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta hôm nay không? Cần phải trả lời câu hỏi bằng sự khẳng định! Ðương nhiên, tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và xây dựng một xã hội là những mặt trận khác nhau, có những quy luật không giống nhau. Tuy nhiên, xét đến cùng, cả hai sự nghiệp đó đều phải lấy gốc rễ từ việc bồi dưỡng thực lực của chính mình, biết sáng tạo ra thời cơ và tận dụng thời cơ mà trên mặt trận xây dựng, thời cơ có thể không chỉ đến một lần mà có thể đến nhiều lần, "thực không nên bỏ lỡ"!.

Trung tướng, Giáo sư
TRẦN XUÂN TRƯỜNG