Sáng tạo trong thay đổi không gian trường, lớp học

Hòa Bình là địa phương có tới hơn 80% số trường học nằm ở vùng khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Bằng sự tâm huyết, sáng tạo, đội ngũ cán bộ, giáo viên của tỉnh nỗ lực đổi mới, sáng tạo, từng bước thay đổi không gian trường, lớp học theo hướng xanh, an toàn, giúp học sinh yêu thích đến trường và hứng thú hơn trong học tập.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học tại không gian văn hóa Mường, Trường tiểu học và trung học cơ sở A Đú Sáng (Kim Bôi, Hòa Bình).
Giờ học tại không gian văn hóa Mường, Trường tiểu học và trung học cơ sở A Đú Sáng (Kim Bôi, Hòa Bình).

Từ một số trường thí điểm hiệu quả ban đầu vào năm 2020, đến nay, tất cả trường mầm non, tiểu học của tỉnh Hòa Bình đã triển khai mô hình xây dựng trường, lớp học xanh, an toàn, sáng tạo, hiệu quả.

Phát huy tính sáng tạo của giáo viên

Năm học 2023-2024 là năm thứ hai Trường mầm non Đông Phong (huyện Cao Phong) thực hiện mô hình xây dựng môi trường học tập xanh, an toàn, hiệu quả. Hiệu trưởng Bùi Thị Hoa dẫn chúng tôi đi thăm một số góc học tập do chính tay các cô giáo tự làm. Điều ấn tượng là các đồ dùng, đồ chơi tự tạo của giáo viên đều được tận dụng, tái chế từ giấy báo, bìa các-tông, những mẩu tre, mảnh gỗ để đưa vào lớp học một cách hài hòa, phù hợp, có tính giáo dục cao.

Đặc biệt, sau khi cải tạo lại các khu vực chơi có sẵn và bổ sung thêm các khu vực chơi mới thì không gian chơi ngoài trời của trẻ được hình thành thêm một số khu: Khu phát triển vận động, khu bé khám phá thiên nhiên, nhà sàn không gian văn hóa Mường, khu chợ quê, vườn hoa, vườn rau cho trẻ chăm sóc… Trong lớp học, mỗi năm nhà trường khuyến khích giáo viên làm thêm các đồ dùng, đồ chơi bổ sung vào các góc chơi để trẻ hứng thú hơn trong học tập.

Những ngày đầu thực hiện, cán bộ nhà trường phối hợp cùng làm đồ dùng, đồ chơi với giáo viên. Sau đó, lựa chọn những lớp làm tốt để nêu gương cho các lớp khác học theo. Trên cơ sở đó, giáo viên trang trí, sắp xếp lớp học không lòe loẹt, hình thức; bày biện đồ dùng, đồ chơi ở các góc ngăn nắp, khoa học, dễ lấy, dễ cất. Các lớp không rập khuôn, mỗi lớp có đặc điểm riêng phù hợp độ tuổi và tâm sinh lý của trẻ.

Trực tiếp tham gia làm các đồ dùng, đồ chơi, cô giáo Bùi Thị Phượng cho biết, đã chủ động phối hợp cha mẹ học sinh để huy động các nguyên vật liệu và ngày công lao động. Sau khi hoàn thiện mô hình, các khu vực chơi được sắp xếp khoa học, thuận tiện, có sự liên thông giữa các khu vực chơi. Qua đó, giáo viên có thêm nhiều lựa chọn để xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động ngoài trời, tăng trải nghiệm cho học sinh, qua đó chất lượng giáo dục trên lớp, ngoài trời nâng lên một cách rõ rệt. Từ khi xây dựng mô hình, cô Phượng nhận thấy trẻ mạnh dạn hơn trong phối hợp tập thể, có kỹ năng chơi, biết tìm tòi, sáng tạo thông qua các đồ dùng, đồ chơi.

Ở huyện Kim Bôi, Trường tiểu học và trung học cơ sở A Đú Sáng với hơn 95% số học sinh là người Mường, điều kiện còn khó khăn nhưng thực hiện khá hiệu quả mô hình trường, lớp học xanh, an toàn, sáng tạo, hiệu quả.

Thầy giáo Lê Văn Mạnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, để thực hiện được mô hình này trước hết nhờ sự đồng thuận cao của Ban Giám hiệu và toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, sự chung tay, giúp sức từ ngày công lao động và các nguyên vật liệu của cha mẹ học sinh.

Tuy nhiên, để đáp ứng từng tiêu chí cụ thể của mỗi nội dung về trường, lớp học an toàn, sáng tạo và hiệu quả là cả một thử thách lớn đối với giáo viên nhà trường. Tháng 8/2022, giáo viên cùng cha mẹ học sinh bắt tay cải tạo khu trồng rau, trồng hoa với mong muốn học sinh sớm có không gian ngập tràn màu sắc, nơi các con có thể thỏa sức chơi đùa sau những giờ học căng thẳng.

Không gian trong lớp học cũng được thầy, cô giáo, học sinh và cha mẹ thiết kế phục vụ hoạt động học tập, rèn luyện bằng các đồ dùng, vật liệu dễ kiếm, dễ tìm, dễ làm, gần gũi, thân thiện với môi trường. Ở gầm cầu thang, các thầy, cô giáo vẽ, trang trí, làm nơi để các em được thỏa sức sáng tạo các sản phẩm STEM phong phú và đặc sắc. Cầu thang được vẽ trang trí sinh động, hài hòa, pha lẫn với kiến thức tiếng Anh, Toán giúp các em có thêm điều kiện ghi nhớ kiến thức.

Trong nhiều góc học tập được thiết kế sáng tạo phải kể đến nhà trải nghiệm cộng đồng. Nhà trải nghiệm cộng đồng được trang trí với các nội dung: Góc dân gian, góc mỹ thuật, góc cộng đồng gắn liền với lịch sử văn hóa địa phương, như lễ hội của người Mường, các trò chơi dân gian, các điệu múa dân ca, các sản phẩm, những bức tranh, các nông cụ trong sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, trang phục dân tộc, tất cả được thể hiện hòa quyện trong không gian trường, lớp mang đậm bản sắc văn hóa. Mảnh đất trống của trường được thầy, cô giáo, học sinh và cha mẹ thiết kế, cải tạo, vun trồng thành những luống rau, vườn thuốc nam xanh tốt, giúp các em biết về tác dụng của các cây thuốc quanh ta và thêm quý trọng những thành quả từ công sức lao động của mình tạo ra.

Tạo sức lan tỏa trong toàn ngành giáo dục

Để thống nhất cách làm và tạo sức lan tỏa, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình đã ban hành bộ tiêu chí thực hiện mô hình trường, lớp học xanh, an toàn, sáng tạo, hiệu quả đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học. Các tiêu chí là trường được trồng nhiều cây xanh, cây bóng mát, trồng hoa phủ xanh các khoảng đất trống; có hệ thống thùng rác có nắp đậy, được đặt tại các vị trí hợp lý thuận tiện bảo đảm mỹ quan; thiết kế các bảng biểu, áp-phích mang ý nghĩa giáo dục nhắc nhở học sinh có ý thức bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, không gian trong và ngoài lớp học (lớp học, cổng trường, cầu thang, hành lang, nhà vệ sinh, các phòng chức năng, sân chơi, sân tập…) được trang trí đẹp mắt, thể hiện rõ ý tưởng chủ đề cụ thể, trong đó có ít nhất một chủ đề gắn với thực tiễn bản sắc địa phương phù hợp điều kiện, mục tiêu thiết thực của từng lớp, từng trường. Các phòng học, phòng chức năng trang trí với nội dung trong sáng, phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh, trình bày, sắp đặt đơn giản nhưng bảo đảm tính thẩm mỹ, tính giáo dục, hài hòa, thân thiện, gần gũi, thu hút tạo sự hứng thú, say mê học tập, tăng hiệu quả giờ học. Lớp học được trang trí, sắp xếp theo sự sáng tạo của giáo viên và học sinh, cha mẹ học sinh có tính tương tác, hỗ trợ quá trình học tập của học sinh…

Theo Trưởng phòng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình) Nguyễn Thị Hồng Diễm, trước thực trạng khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình mong muốn khai thác hiệu quả cơ sở vật chất vào các hoạt động giáo dục, bắt đầu thực hiện từ năm 2020 và đến nay được nhân rộng đến tất cả trường mầm non, tiểu học.

Trước thực trạng khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình mong muốn khai thác hiệu quả cơ sở vật chất vào các hoạt động giáo dục, bắt đầu thực hiện từ năm 2020 và đến nay được nhân rộng đến tất cả trường mầm non, tiểu học.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học Nguyễn Thị Hồng Diễm

Qua đánh giá, các thầy, cô giáo, có nhiều ý tưởng hay, sáng tạo trong việc thiết kế không gian trường, lớp phù hợp điều kiện thực tế. Mô hình bước đầu thúc đẩy được sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên trong việc xây dựng không gian trường, lớp và khai thác tối đa cơ sở vật chất hiện có vào các hoạt động giáo dục.

Sáng tạo trong thay đổi không gian trường, lớp học ảnh 1

Giáo viên Trường mầm non Đông Phong (Cao Phong, Hòa Bình) tự làm đồ dùng, đồ chơi giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, việc đầu tư ngân sách nhà nước cải tạo cơ sở vật chất tại các trường ở Hòa Bình còn hạn chế. Ngành giáo dục tỉnh “buộc” phải sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; kêu gọi đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân dân cùng chung tay cải tạo môi trường lớp học, cảnh quan sư phạm để tạo môi trường xanh, sạch đẹp, an toàn, bảo đảm yếu tố hiệu quả.

Hiệu quả thu được trong thực hiện mô hình tác động tích cực vào hoạt động giáo dục. Thống kê năm học 2023-2024 cho thấy, ngành giáo dục đã huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt gần 80% (tăng 1,8% so với năm học trước). Kết quả chăm sóc nuôi dưỡng trẻ tiếp tục được nâng cao, 99% số trẻ được tổ chức ăn bán trú tại trường; tất cả trẻ được học 2 buổi/ngày. Với giáo dục phổ thông, toàn bộ trường phổ thông dân tộc nội trú tổ chức dạy học 2 buổi/ngày...