Trở về sau cuộc thi, hai em Nguyễn Khánh Trang và Ðào Hoàng Quỳnh Như, học sinh lớp 8B Trường THCS thị trấn Quy Ðạt, huyện Minh Hóa trò chuyện với bạn bè, thầy, cô giáo về những trải nghiệm khi tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Chia sẻ về lý do chọn đề tài này, em Nguyễn Khánh Trang cho biết, những năm gần đây ở huyện Minh Hóa thường xuyên xảy ra mưa lũ lớn, trong đó có những vùng ngập sâu đến vài mét nước như ở “rốn lũ” Tân Hóa, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ðặc biệt, do địa hình nhiều khe, suối chia cắt hình thành nhiều đoạn đường có các ngầm, tràn ngập nước sâu, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Mỗi lần như vậy, chính quyền địa phương phải đặt các biển báo tạm bợ, cử người canh gác các điểm nguy hiểm để cảnh báo cho người đi đường nhưng hiệu quả không phải bao giờ cũng đạt như mong muốn. Ðã có nhiều trường hợp, sự cố đau lòng xảy ra tại các đoạn ngầm, tràn trong các mùa mưa lũ. Qua tìm hiểu trên báo chí, các em cũng biết đã có nhiều mô hình sáng kiến cảnh báo lũ trên các đoạn đường ngập lụt nhưng giá thành cao mà chưa hẳn phù hợp địa hình nhiều đồi núi, khe suối như Minh Hóa. Hai em trò chuyện, bàn với nhau về ý tưởng rồi đến gặp thầy giáo Cao Ngọc Giang nhờ hướng dẫn. Khi nghe hai nữ học sinh của mình trình bày, thầy Giang khá ngạc nhiên và mới đầu nghĩ chắc là ý tưởng thoáng qua nên lắng nghe mà chưa có ý kiến gì. Vài hôm sau, các em lại đến gặp thầy, trình bày mô hình và cách làm khá cụ thể trong sự háo hức, vì thế thầy Cao Ngọc Giang đánh giá cao dự án và nhiệt tình hướng dẫn các em.
Theo em Ðào Hoàng Quỳnh Như, từ ý tưởng đến hoàn thiện dự án “Thiết bị cảnh báo mực nước thông minh”, ba thầy trò phải mất hơn một năm nghiên cứu, mày mò lắp đặt. Có những công việc không phù hợp lắm với nữ sinh như hàn các mối nối của ống thép làm cột đo, sơn cột đo nước… đều nhờ thầy Giang hỗ trợ. Phía trên đỉnh cột có lắp bảng điện pin mặt trời, bên dưới là chiếc hộp “đầu não” của thiết bị cảnh báo, sử dụng mã nguồn mở ngôn ngữ lập trình Arduino. Arduino không khác gì một máy tính thu nhỏ, cho phép người dùng có thể lập trình và thực hiện các dự án điện tử mà không cần phải có các công cụ chuyên biệt, để phục vụ việc nạp mã. Phía trước hộp có lắp bảng led để thông báo các chỉ số mực nước cho người dân biết. Thầy Cao Ngọc Giang cho biết thêm, ưu điểm của thiết bị này là chi phí lắp đặt rẻ, chỉ cần hơn ba triệu đồng là có một thiết bị cảnh báo mực nước thông minh. Kích thước thiết bị gọn nhẹ, dễ dàng vận chuyển, lắp đặt, chỉ cần hướng dẫn 20 phút là dùng được. Thiết bị cảnh báo mực nước thông minh này lắp đặt tại các ngầm, tràn trên các tuyến đường thường xuyên ngập lụt để thông báo và cảnh báo cho người dân biết mực nước ngập cũng như mức độ nguy hiểm của lũ qua bảng led. Thiết bị có ưu điểm nữa là có cảnh báo bằng giọng nói giúp cho người ở xa không nhìn được bảng led thì cũng nghe được lời cảnh báo để chủ động tránh lũ. Thiết bị còn lưu lại dữ liệu giúp các địa phương làm cơ sở báo cáo thực trạng lũ lụt hằng năm, qua đó đề ra các biện pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả.
Thầy giáo Phan Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Quy Ðạt, huyện Minh Hóa cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường khuyến khích học sinh sáng tạo những đề tài hay và hướng các em thực hiện để tham gia hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do ngành phát động. Khi nghe hai học sinh và thầy giáo hướng dẫn báo cáo đề tài “Thiết bị cảnh báo mực nước thông minh”, chúng tôi rất vui và nếu thành công thì sẽ có tính thực tiễn cao. Vì thế, cùng với việc thường xuyên động viên các học sinh, lãnh đạo trường tạo điều kiện tốt nhất để nhóm thầy trò nghiên cứu, thực hiện sản phẩm. Kết quả nỗ lực rất đáng khen ngợi đó của nhóm nghiên cứu đã mang lại giải nhất tại hội thi cấp huyện, rồi được lựa chọn dự thi và các em tiếp tục đoạt giải nhất cấp tỉnh, mang về niềm tự hào cho trường và cho ngành giáo dục huyện Minh Hóa.
Chia sẻ niềm vui cùng với hai học sinh sáng dạ của mình, thầy Cao Ngọc Giang nói, hai em Như và Trang rất thông minh, chăm chỉ và sáng tạo. Các em mang đến hội thi tâm thế chủ động của người sáng tạo thiết bị chứ không dựa nhiều vào thầy giáo hướng dẫn. Trong quá trình lắp đặt thiết bị, nhóm nghiên cứu đã xử lý những lỗi nhỏ nhất để cho ra một sản phẩm hoàn thiện, vì vậy những câu hỏi mà ban giám khảo đưa ra được các em đều trả lời một cách thuyết phục. Tôi mong có cơ quan, đơn vị nào đó đầu tư thỏa đáng thì đề tài này có tính ứng dụng thực tiễn cao, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Quảng Bình năm học 2020 - 2021 có 116 dự án của học sinh các trường THCS, THPT trong toàn tỉnh. Kết quả, ban giám khảo trao giải cho 73 dự án, trong đó hai giải nhất đều thuộc về học sinh huyện miền núi Minh Hóa. Ðó là dự án “Thiết bị cảnh báo mực nước thông minh” của hai học sinh Nguyễn Khánh Trang và Ðào Hoàng Quỳnh Như (Trường THCS Quy Ðạt) và dự án “Giải pháp sử dụng bình nước năng lượng mặt trời ở những vùng thời tiết không ổn định” của hai học sinh Ðinh Thị Kim Oanh và Cao Hùng Cường (Trường THCS và THPT Trung Hóa).