Sáng nay, thí sinh dự thi môn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp

NDO - Sáng 28/6, thí sinh cả nước tham dự buổi thi môn Ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút. Đây là bài thi đầu tiên mở đầu cho kỳ thi, cũng là bài thi duy nhất theo hình thức tự luận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
0:00 / 0:00
0:00
Thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Ngữ văn là bài thi thực hiện theo hình thức tự luận, các thí sinh có thời gian làm bài trong 120 phút, giờ phát đề lúc 7 giờ 30. Các em có 5 phút để kiểm tra đề thi, sau đó, 7 giờ 35 phút bắt đầu tính thời gian làm bài.

Năm nay, từ tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi minh họa các môn của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2013 để học sinh, giáo viên tham khảo, xây dựng định hướng ôn tập tốt hơn.

Căn cứ vào đề thi minh hoạ môn Ngữ văn, các giáo viên nhận xét rằng cấu trúc đề thi không thay đổi, tương tự những năm trước với 2 phần: Phần thứ nhất là Đọc hiểu, phần thứ hai là Làm văn với 2 câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Để làm tốt bài thi, theo TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục Học mãi, thí sinh cần lưu ý một số kỹ năng đối với mỗi phần.

Ở phần Đọc hiểu, với ngữ liệu có thể là thơ hay văn xuôi, các em cần đặc biệt quan tâm đến việc nhận diện các mức độ nhận thức được phân loại ở bốn câu hỏi theo các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Căn cứ vào sự nhận diện ấy, thí sinh sẽ có phương án trả lời một cách phù hợp nhất.

Với phần làm văn về viết đoạn văn nghị luận xã hội, thí sinh cần lưu ý, khi nhận đề hãy ngay lập tức xác định bình diện khía cạnh của vấn đề mà các em cần nghị luận trong đoạn văn nghị luận xã hội, và đặc biệt, chú ý độ dài, là khoảng 200 chữ thôi.

“Đây là viết một đoạn văn nghị luận xã hội nên sẽ chỉ yêu cầu luận, và các em cũng chỉ luận về một bình diện hoặc một khía cạnh nào đó của vấn đề lớn, như là biểu hiện, ý nghĩa, hậu quả, nguyên nhân, giải pháp hay là bài học, …” – TS Trịnh Thu Tuyết nói.

Theo cô giáo, không biến đoạn văn nghị luận xã hội thành bài văn thu nhỏ với tất cả mục triển khai. Bởi viết như thế sẽ thiếu phần cơ bản nhất theo yêu cầu câu lệnh ở trong đề, trong khi lại thừa những yếu tố không cần thiết, và như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quỹ điểm thí sinh có được.

Ở phần nghị luận văn học, theo TS Trịnh Thu Tuyết, thí sinh cần nắm được cả kiến thức và kỹ năng. Về kiến thức, trong quá trình ôn tập các em có thể lập sơ đồ tư duy để tóm tắt, hệ thống kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm.

Về mặt kỹ năng, điều các em cần quan tâm đến là biết cách phân tích hay là cảm nhận thơ hoặc là văn xuôi trữ tình, văn xuôi tự sự, mỗi loại có đặc trưng khác nhau như thế nào. Điều này các em đã được thầy cô cung cấp và luyện tập đầy đủ, chi tiết trong quá trình học tại trường.

Một kỹ năng làm bài nữa mà các thí sinh cần nắm được, đó là cách phân bổ thời gian.

“Khi vào bài, bắt đầu tính giờ, các em rất cần phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu”, theo tư vấn của cô giáo Trịnh Thu Tuyết, các em nên dành thời gian cho câu đọc hiểu từ 15 đến 17 phút, câu nghị luận xã hội khoảng từ 17 đến 20 phút, còn lại khoảng 75 phút là ít nhất, hoặc có thể là 80-85 phút dành cho câu nghị luận văn học. Đây là câu mà các thí sinh sẽ có thể lấy được số điểm cao nhất.

Và để thực hiện bài thi thành công nhất, cùng với những kiến thức đã ôn tập và kỹ năng đã được rèn luyện, một yếu tố cần thiết nữa là khi đã bước vào phòng thi, các em cần gạt bỏ mọi lo lắng, giữ cho mình một tâm lý vững vàng, bình tĩnh, tự tin, tập trung vào bài làm.