Sáng kiến Xanh Trung Đông

Tại Hội nghị cấp cao “Sáng kiến Xanh Trung Đông” (MGI) năm 2022 diễn ra bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi nhận định, việc nhiều quốc gia tham gia Sáng kiến từ khi diễn đàn được khởi động vào năm 2021 phản ánh cách tiếp cận rất nghiêm túc của các nước Arab trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Ai Cập nắp đặt nhiều hệ thống năng lượng mặt trời. (Ảnh: Alantic Council)
Ai Cập nắp đặt nhiều hệ thống năng lượng mặt trời. (Ảnh: Alantic Council)

Với các mục tiêu đầy tham vọng cho một tương lai toàn cầu xanh hơn, “Sáng kiến Xanh Trung Đông” là nền tảng khu vực đầu tiên nhằm thúc đẩy hành động thống nhất về khí hậu.

Hội nghị MGI lần đầu diễn ra vào tháng 10/2021 tại thành phố Riyadh (Saudi Arabia) đã tạo điều kiện cho nền tảng đầu tiên của khu vực liên quan hành động vì khí hậu, với sự thống nhất phối hợp chung của hơn 20 quốc gia. Các sáng kiến của MGI bao gồm trồng 50 tỷ cây xanh trên toàn bộ khu vực, khôi phục diện tích đất bị thoái hóa tương đương 200 triệu héc-ta. Các sáng kiến này sẽ hỗ trợ các nước trong khu vực giảm và loại bỏ khí thải CO2, tương đương 10% lượng phát thải trên toàn cầu.

MGI sẽ giúp giảm hơn 60% lượng khí thải CO2 từ sản xuất hydrocarbon trong khu vực bằng cách tạo điều kiện cho các quan hệ đối tác và hành động tập thể bền chặt. Hội nghị MGI lần này được tổ chức trùng với COP27 diễn ra tại thành phố nghỉ mát Sharm El Sheikh của Ai Cập nhằm nêu bật những thách thức khí hậu chính mà khu vực đang phải đối mặt, cập nhật tiến trình thực hiện các kế hoạch của MGI và công bố các chương trình mới thúc đẩy hành động vì khí hậu trong khu vực.

Sau khi tham gia MGI, các quốc gia Arab triển khai nhiều nỗ lực, tập trung giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đạt được quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, cũng như thực hiện tất cả biện pháp nhằm thúc đẩy giảm thiểu và thích ứng để giải quyết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Theo Tổng thống Ai Cập Sisi, việc Ai Cập đăng cai COP27 trong năm nay và việc tổ chức COP28 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào năm sau là những minh chứng cho vai trò quan trọng của các quốc gia Arab trong việc thúc đẩy hành động vì khí hậu toàn cầu và cam kết tôn trọng tất cả các nghĩa vụ và cam kết có liên quan trong lĩnh vực này.

Là một trong những quốc gia thuộc khối Arab đi đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu, tại COP27, Ai Cập công bố chiến lược quốc gia về sản xuất hydro xanh. Chính phủ Ai Cập cho biết, chiến lược này sẽ được thực hiện với sự hợp tác của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Liên minh Arab về Phát triển Bền vững và Môi trường (AUSDE), nhằm giúp Ai Cập đóng góp khoảng 8% thị phần của thị trường hydro toàn cầu.

Chiến lược này sẽ giúp tăng GDP của Ai Cập thêm 10-18 tỷ USD vào năm 2025, tạo ra hơn 100.000 cơ hội việc làm, góp phần giảm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ, từ đó giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ai Cập đã ký một số biên bản ghi nhớ về sản xuất hydro và amoniac xanh với các đối tác quốc tế, một trong những nỗ lực của nước này nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất hydro xanh, hướng tới đưa quốc gia Bắc Phi trở thành trạm trung chuyển năng lượng sạch đến châu Âu. Tổng thống Sisi khẳng định, Ai Cập đã thực hiện các bước quan trọng để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, năng lượng gió hoặc hydro xanh.

Theo Bloomberg New Energy Finance (BNEF), công ty tư vấn năng lượng có trụ sở ở New York (Mỹ), tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Trung Đông đã tăng gấp bảy lần trong một thập kỷ, từ 960 triệu USD năm 2011 lên 6,9 tỷ USD vào năm 2021. Trong đó, năm ngoái, Saudi Arabia đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào năng lượng mặt trời. UAE đã đầu tư gần 9 tỷ USD vào công nghệ này kể từ năm 2017.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) từ năm 2020, khu vực này hiện sản xuất dưới 4% điện năng từ các nguồn tái tạo, trong khi trung bình trên toàn thế giới con số này là 28%.