Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ở Ðồng Nai

Thời gian gần đây, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại Ðồng Nai ngày càng thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng cây sầu riêng ba gốc tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ.
Mô hình trồng cây sầu riêng ba gốc tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ.

Đến ấp 7, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, hầu như ai cũng biết đến vườn sầu riêng ba gốc độc đáo rộng khoảng 3ha của gia đình ông Trần Văn Ðức. Thay vì mỗi cây một gốc như các vườn sầu riêng thông thường ở địa phương, cây ở vườn này có đến ba gốc. Ông Ðức chia sẻ, để giảm chi phí cây giống, thời gian chăm sóc cũng như giúp cây phát triển tốt hơn, ông đã ghép ba gốc lại với nhau và áp dụng sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ, không sử dụng hóa học. Sau một thời gian trồng thử nghiệm cho năng suất, hiệu quả cao, hiện trong số diện tích 3ha trồng sầu riêng ghép ba gốc, có hơn 7 sào đang cho thu hoạch, sản lượng vụ này ước đạt khoảng 19 tấn quả, cao gấp gần 1,5 lần so với trồng thông thường. Mùa sầu riêng năm nay, sau khi trừ các chi phí, ông Ðức thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Ngoài ra, với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Chính Ðức (xã Sông Ray) với 23 thành viên, sản xuất trên diện tích hơn 40ha, ông Ðức thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, nhiệt tình hướng dẫn các hộ khác làm sầu riêng ba gốc và sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện nay, ngành chức năng huyện Cẩm Mỹ đang làm thủ tục công nhận tổ hợp tác sầu riêng này đạt chuẩn VietGAP, sau đó đề xuất cấp mã số vùng trồng để có thể xuất khẩu chính ngạch sang một số nước. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sông Ray Bùi Thị Liên cho biết, trên địa bàn có nhiều hộ đã chuyển đổi sang phát triển cây sầu riêng. So với các loại cây ăn quả khác, cây sầu riêng có lợi nhuận hơn hẳn. Tuy nhiên, để đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cũng như có đầu ra ổn định, địa phương vận động, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch theo quy trình sạch, hữu cơ.

Là huyện có thế mạnh về trồng trọt và chăn nuôi của tỉnh Ðồng Nai, Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Từ Nam Thành cho biết, địa phương đang chuyển dần sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững. Ðể thực hiện mục tiêu này, các ngành chức năng huyện Cẩm Mỹ đang phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (Công ty Quế Lâm) thí điểm mô hình nuôi lợn hữu cơ; xây dựng cánh đồng lúa hữu cơ khoảng 100ha tại xã Sông Ray; mô hình trồng sầu riêng, hồ tiêu hữu cơ tại xã Lâm San. Các mô hình này nếu thành công sẽ nhân rộng ra nhiều xã khác trong huyện. "Triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy Ðồng Nai về phát triển nông nghiệp bền vững. Chúng tôi đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp để người nông dân phải giàu lên trên chính mảnh đất của mình", Bí thư Huyện ủy Từ Nam Thành nói.

Tại huyện Ðịnh Quán, chính quyền địa phương đang phối hợp với Công ty Quế Lâm triển khai hai mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ tại xã Ngọc Ðịnh, với 20 con lợn nái và 400 con lợn thịt. Hiện nay, cả hai mô hình này đang thực hiện chăn nuôi theo quy trình hữu cơ do Công ty Quế Lâm hướng dẫn. Trong quá trình nuôi, hai mô hình này đều sử dụng đệm lót sinh học và thức ăn có trộn men vi sinh. Nhờ vậy giảm mùi hôi từ chất thải chăn nuôi, đồng thời ức chế được sự xâm nhập và phát triển của một số vi sinh vật gây hại trên vật nuôi. Phần nước thải chăn nuôi sẽ chảy theo hệ thống vào hố thu gom và được xử lý bảo đảm không thải trực tiếp ra môi trường. Thêm vào đó, chuồng nuôi có hệ thống phun sương định kỳ bổ sung men vi sinh để khử trùng, góp phần giảm mối nguy về mầm bệnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết, phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong những nhiệm vụ đột phá đã được đề ra tại Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Ðồng Nai lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai đến năm 2025". Tuy nhiên, thực tế hiện nay dù sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang tính an toàn và bền vững, nhưng đây là hướng đi mới so với trồng trọt, chăn nuôi truyền thống, do đó, trong quá trình triển khai thực hiện bước đầu còn gặp một số khó khăn. Về thị trường tiêu thụ, hiện sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn rất hạn chế, hầu hết người tiêu dùng còn ít biết đến. Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế về số lượng và quy mô. Cùng với đó, thời gian chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ kéo dài hơn so với thông thường nên năng suất, sản lượng, thu nhập có nguy cơ giảm nếu người tiêu dùng không nhận thức đúng giá trị của sản phẩm hữu cơ.

Tỉnh Ðồng Nai phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích đất nông nghiệp, tương đương với khoảng 33 nghìn ha. Ðể thực hiện mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang phối hợp với các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.

Theo ông Cao Tiến Sỹ, để phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới, tỉnh Ðồng Nai sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động để người sản xuất và người tiêu dùng hiểu được ý nghĩa của sản xuất hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích trước mắt về kinh tế mà còn là vấn đề sức khỏe con người, môi trường sinh thái. Việc hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người dân sản xuất hữu cơ, xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ cũng sẽ được ưu tiên thực hiện. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ địa phương xác định các vùng bảo đảm điều kiện sản xuất hữu cơ, liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu ■