Sai sót trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Thái Bình: Học thật, thi thật, không trông chờ vào “may mắn”

NDO - Thời gian qua, dư luận xã hội trên cả nước bàn luận xôn xao về sai sót trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 ở tỉnh Thái Bình. Chính quyền địa phương đã tổ chức Họp báo thông tin chi tiết về sự cố này, đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình đã công khai xin lỗi các bậc cha mẹ học sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình Đặng Xuân Phong thay mặt đơn vị công khai xin lỗi phụ huynh học sinh về sai sót đáng tiếc vừa qua tại kỳ tuyển sinh lớp 10.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình Đặng Xuân Phong thay mặt đơn vị công khai xin lỗi phụ huynh học sinh về sai sót đáng tiếc vừa qua tại kỳ tuyển sinh lớp 10.

Chung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm nêu rõ, kết luận thanh tra đã khẳng định việc sai điểm là do Giám đốc Sở và Ban Thư ký đã triển khai không đúng quy định trong quá trình thực hiện việc “hồi phách bài thi tự luận” (hay còn gọi là ráp phách, khớp phách).

Hiểu nôm na, tại Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2024-2025, trong quá trình ráp phách đã có sự nhầm lẫn “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Đây là nguyên nhân dẫn đến có 2.997 bài thi bị lệch phách; tổng số bài tự luận bị sai điểm là 2.769 bài.

Từ đây, có 1.589 thí sinh bị sai tổng điểm xét tuyển và có 4/12 lớp chuyên cùng 11/19 Hội đồng tuyển sinh các trường Trung học phổ thông đại trà bị sai điểm chuẩn.

Trao đổi với Báo Nhân Dân, cô T.T.H, giáo viên trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Bình (đã nghỉ hưu) chia sẻ: Với tư cách là một giáo viên đã từng có nhiều năm làm thi cô mong muốn mọi người có cái nhìn khách quan, đúng mực chung quanh sự việc này.

Cô H. phân tích, sự cố này không thể do tiêu cực bởi nếu tiêu cực thì chỉ nâng điểm bài thi lên, chứ không bao giờ hạ điểm bài thi xuống như tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua ở tỉnh Thái Bình.

Cũng theo cô H., không thể có sai sót ở khâu chấm thi vì chắc chắn không thể chấm sai nhiều như thế. Ở đây, chắc chắn sai sót xảy ra ở khâu hồi phách hay còn gọi là khớp phách lên điểm bị lệch.

Trước kia, việc khớp phách lên điểm thủ công. Cụ thể, người đọc điểm trực tiếp ghép phách vào bài cho người ghi điểm ghi vào danh sách thí sinh trên giấy. Sau tiến bộ hơn, vẫn trực tiếp ghép phách vào bài và nhập điểm vào máy tính, sau đó in ra.

Sai sót trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Thái Bình: Học thật, thi thật, không trông chờ vào “may mắn” ảnh 2

Tỉnh Thái Bình tiếp tục đình chỉ công tác Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Viết Hiển để phục vụ việc thanh tra công tác tuyển sinh lớp 10.

Nhưng từ năm 2000, việc vào điểm đã không còn trực tiếp ghép phách vào bài nữa, mà lên điểm theo mã phách. Với cách làm này, bộ phận lên điểm không thể biết mình đang vào điểm cho trường nào, cho thí sinh nào.

"Sau khi nhập điểm trên máy tính xong, dữ liệu sẽ được copy gửi về bộ phận ráp phách. Điểm đã được vào theo mã phách sẽ được ghép vào danh sách thí sinh tương ứng nhờ một phần mềm. Và sự cố vừa rồi của tuyển sinh lớp 10 ở Thái Bình là ở khâu này", cô H. chia sẻ.

Phần mềm có thể lỗi dẫn đến việc râu "ông nọ cắm cằm bà kia" nhiều như vậy! Điều đáng tiếc là tỷ lệ kiểm tra (khớp phách bằng tay cho các bài thi tự luận) quá thấp (0,71% so với quy định là 20%).

Bên cạnh đó, khi phát hiện sai sót (một số bài thi bị lệch phách), Ban Thư ký không lập biên bản mà chỉ ghi lại thông tin những thí sinh có sai sót và chuyển cho Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi.

Đáng tiếc hơn nữa, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi không xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục sai sót qua kiểm tra việc khớp phách của Ban Thư ký. Đây là việc làm không đúng quy định và được biết Đoàn thanh tra của tỉnh đang làm sáng tỏ những vấn đề này.

Sau hậu thanh tra, hiện nay đã xác định có 243 thí sinh từ đỗ thành trượt. Về vấn đề này, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Toàn hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là nhà trường và giáo viên chủ nhiệm phải tuyên truyền, phân tích cho học sinh và phụ huynh học sinh thấy rõ, hiểu rõ bản chất vấn đề.

Việc các thí sinh từ đỗ thành trượt đã phản ánh chính xác năng lực học tập, trả lại sự công bằng cho tất cả các thí sinh dự thi. Thành công đến với các con nếu bản thân nỗ lực phấn đấu, không thể trông chờ vào “may mắn” được.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình khẳng định: “Tỉnh tiếp tục chỉ đạo đoàn Thanh tra làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh lớp 10, sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai sót. Quan điểm xuyên suốt của địa phương là học thật, thi thật và được phản ánh bằng kết quả thật”.