Chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,1% xuống còn 29.260,81 điểm. Như vậy, chỉ số này đã giảm khoảng 20,5% so với mức cao nhất ghi nhận ngày 4/1. Chỉ số S&P 500 mất 1,03% và đóng cửa ở mức 3.655,04 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,6% xuống còn 10.802,92 điểm. Trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, có tới 10 lĩnh vực đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó dẫn đầu là bất động sản và năng lượng với mức giảm lần lượt 2,63% và 2,57%. Riêng mặt hàng tiêu dùng chủ lực tăng 0,01%.
Việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ khiến giới đầu tư ngày càng lo ngại nền kinh tế đầu tàu thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái. Ông Michael Landsberg, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản tư nhân Landsberg Bennett nhận định một số nhà đầu tư đã lạc quan quá mức khi cho rằng FED đã hoàn tất việc tăng lãi suất và có thể chuyển sang giai đoạn cắt giảm.
Tuy nhiên, giờ đây, mọi người đã nhận ra rằng điều này sẽ không nhanh chóng kết thúc. Nhiều nhà đầu tư hiện đang tìm kiếm một số lối thoát và định vị lại danh mục đầu tư để tránh rủi ro.
Trong khi đó, giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 26/9 dưới sức ép từ đồng USD mạnh. Cụ thể, trên thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11/2022 giảm 2,03 USD, hay 2,6%, xuống 76,71 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 2,09 USD, hay 2,4%, xuống 84,06 USD/thùng.
Giá dầu giảm trong bối cảnh đồng USD duy trì động lực lên giá sau khi FED tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, dao động trong biên độ từ 3,0-3,25%. Chỉ số USD (đo giá trị của đồng tiền này so với 6 đồng tiền mạnh khác) tăng 0,81%, lên 114,103 vào cuối phiên này, sau khi tăng 1,65% trong phiên trước.