Nổi bật là lễ hội hoa hồng với sự tham gia của hơn 400 nghệ nhân các dân tộc bản địa của Sa Pa và huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu), với nhiều hoạt động đặc sắc như: biểu diễn đua ngựa tại Thung lũng hoa hồng Fansipan; diễu hành đường phố với các xe kết từ 40 nghìn bông hồng tươi từ Thung lũng hoa hồng Fansipan đến Trung tâm thị xã Sa Pa; biểu diễn nghệ thuật, múa sạp, múa xòe tại Không gian Văn hóa Tây Bắc và Sân khấu Vườn hồng; trải nghiệm chân thực cuộc sống của đồng bào H’Mông, Dao, Giáy, Tày, Xa Phó tại Không gian Văn hóa Tây Bắc.
Lễ hội đường phố của người dân tộc Dao ở Sa Pa hấp dẫn du khách. |
Chương trình Ngày hội khám phá di sản văn hóa dân tộc Dao cũng thu hút sự chú ý của khách du lịch, với sự tham gia của gần 200 nghệ nhân và nhân dân thuộc 5 nhóm ngành dân tộc Dao đến từ các tỉnh miền núi phía bắc.
Chương trình gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sắc dân tộc Dao các tỉnh miền núi phía bắc; trải nghiệm các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của người Dao ở Sa Pa và sản phẩm du lịch đặc sắc của Tả Phìn; tham dự tiệc chào mừng giới thiệu các món ăn ẩm thực truyền thống dân tộc Dao ở Lào Cai; giao lưu văn nghệ và thưởng thức màn trình diễn giới thiệu nét đẹp của trang phục truyền thống các nhóm Dao khu vực miền núi phía bắc. Các chương trình, sự kiện nói trên đã mang lại cho khách du lịch những trải nghiệm vô cùng đặc sắc.
Trong dịp nghỉ lễ, hầu hết các cơ sở lưu trú đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và giá dịch vụ vẫn giữ nguyên so với ngày thường không có tình trạng tăng giá, ép giá dịch vụ.
Tỷ lệ khách thuê buồng, phòng từ ngày 29/4 đến 1/5 đạt 95%, tập trung chủ yếu ở phân khu trung, cao cấp tại khu vực trung tâm. Riêng các điểm du lịch cộng đồng, công suất bình quân đạt 65%, trong đó tập trung đông nhất tại xã Tả Van và xã Mường Hoa.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt công suất 80%, thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, không xảy ra trường hợp bị ngộ độc thực phẩm hay tình trình trạng tăng giá, ép giá.
Trong kỳ nghỉ lễ, lượng phương tiện giao thông đến với Sa Pa rất đông, cao điểm từ ngày 29/4 đến 1/5. Lực lượng cảnh sát giao thông đã bố trí lực lượng trực, điều tiết và phân luồng tại các điểm nghẽn vì vậy đã góp phần giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông trên địa bàn.
Theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa, có 3 nguyên nhân thu hút du khách đến Sa Pa, đó là: Chiến lược truyền thông của thị xã được triển khai hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cáp treo Sa Pa và sự quan tâm, đồng hành của các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh; các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ tích cực tuyên truyền quảng bá cho các chương trình sự kiện; Môi trường du lịch của Sa Pa được bảo đảm, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch đều kinh doanh lành mạnh và có ý thức trong việc bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và công tác phòng chống dịch, an ninh trật tự và việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết theo quy định; Các sự kiện được chuẩn bị tốt, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa và tự nhiên của Sa Pa, vì vậy đã tạo được điểm nhấn thu hút khách đến với Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Tổng lượt khách đến Sa Pa từ ngày 29/4 đến 2/5 ước đạt hơn 95.000 lượt, với tổng doanh thu ước đạt 327,6 tỷ đồng.
Lễ hội hoa hồng là điểm nhấn của du lịch Sa Pa trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay. |
Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp, có mưa to làm ngập cục bộ một số tuyến phố vào đêm 29/4 và nạn bán hàng rong, nhất là hiện tượng lợi dụng trẻ em trục lợi vẫn tiếp diễn tại các khu vực tập trung khách, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng phục vụ du khách ở Sa Pa.