81 năm Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam (6/6/1941-6/6/2022)

Rường cột nước nhà

Có lẽ, Việt Nam là một dân tộc có truyền thống coi trọng nguồn gốc, kính trọng người cao tuổi và các vị tiền bối vào bậc nhất thế giới. Ðiều ấy thể hiện ở tục thờ cúng tổ tiên, ở sự gắn kết gia đình, ở hiện tượng chung sống nhiều thế hệ, ở lời mở đầu của gia phả mọi dòng họ: "Cây có cội, nước có nguồn; cội vững cành xanh, nguồn xa dòng mạnh".

Ảnh minh họa: Minh Duy.
Ảnh minh họa: Minh Duy.

Một truyền thống quý báu của dân tộc

Truyền thống coi trọng nguồn gốc, kính trọng người cao tuổi và các bậc tiền bối của dân tộc ta thể hiện ở ca dao, tục ngữ, ở ứng xử hàng ngày: Chim có tổ, người có tông; Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Yêu trẻ, trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho; Thứ nhất phải có ông bà/Thứ hai kế đến chính là mẹ cha; Ngó lên nuộc lạt mái nhà/Bao nhiêu nuộc lạt thương ông bà bấy nhiêu; Mạch trong nước chảy ra trong/Thế nào đi nữa còn dòng cũng hơn…

…Thậm chí, cả lời cảnh báo: Cá không ăn muối cá ươn/Con không nghe cha mẹ trăm đường con hư; Trẻ không nghe già, xắt làm ba mảnh…

Vì sao vậy? Vì từ nghìn đời nay, người Việt lớp cha trước lớp con sau phải cố kết trong gian lao để dựng nước và giữ nước. Ông bà, bố mẹ luôn hy sinh cho tương lai con cháu: Nước mắt chảy xuôi; À ơi cháu ngủ cho ngoan/Tiếng bà ru cháu chứa chan tình người/Bà thương cháu nhất đời/Sẵn sàng vì cháu thiệt thòi bản thân…

Vì lớp người cao tuổi là lớp có nhiều kinh nghiệm sống, là nơi lưu giữ sức mạnh tinh thần và nguyên khí của dân tộc. Hội nghị bô lão Diên Hồng thời Trần, khi các cụ hô quyết đánh, dân tộc ta đã đánh và đánh thắng quân Nguyên Mông là kẻ thù hung bạo nhất bấy giờ.

Ðó là một minh chứng lịch sử sinh động.

Ngày 6/6/1941, ngay khi mới về nước, nhằm xây dựng khối Ðại đoàn kết dân tộc, chuẩn bị cho Tổng Khởi nghĩa, Bác Hồ đã đánh giá cao vai trò "dẫn đường" của phụ lão: "Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Ðất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Ðất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Ðất nước bị mất phụ lão cứu. Ðất nước suy sụp phụ lão phủ trì… Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo". Ngày Bác ra lời hiệu triệu này, được lấy làm Ngày Truyền thống của Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Phát huy vai trò rường cột của người cao tuổi

Phát biểu tại buổi gặp mặt các đại biểu dự Ðại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Hiện nay, lực lượng người cao tuổi ngày càng nhiều hơn, đông hơn, đó là phúc lớn của dân tộc.

Hiện tại cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm gần 12% số dân; trong đó 9,7 triệu người đã được tập hợp trong Hội Người cao tuổi.

Ðã có những thời kỳ, các hoạt động của Hội cũng như quan niệm của xã hội thiên về bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi mà chưa thấy hết đây là nguồn lực cho phát triển của đất nước.

Cả nước hiện có gần 12 nghìn giáo sư, phó giáo sư; 72.800 giảng viên đại học, trong đó hơn 16.500 tiến sĩ, 43.127 thạc sĩ; rất nhiều nhà khoa học, giảng viên là người cao tuổi. Người cao tuổi tri thức với bề dày trải nghiệm cuộc sống, tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn, lớp người cao tuổi được coi là của quý vô giá của dân tộc.

Theo thống kê mới nhất từ cơ sở, hiện cả nước có 665 nghìn người cao tuổi giữ chức vụ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận..., cùng với những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước, là hạt nhân của hệ thống chính trị, nắm giữ vai trò hưng suy, tồn vong của đất nước.

Trên lĩnh vực kinh tế, hiện có 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất, trong đó có 358 nghìn gương làm kinh tế giỏi. Chỉ tính riêng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người cao tuổi đã góp hơn 3.000 tỷ đồng, hiến 24,4 triệu mét vuông đất, tạo ra một hình ảnh mới mẻ đẹp của làng quê Việt Nam thân yêu, tạo ra nơi ở của mình là nơi đáng sống, đem sức ta mà làm đẹp đời ta.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", các cấp Hội và hội viên, người cao tuổi đều hăng hái đồng lòng cùng với Ðảng, Nhà nước và nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp, tùy theo sức của mình, góp phần đẩy lùi dịch Covid-19.

Với thực tế ấy, nhận thức lớn từ Ðại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam đang tạo ra một chuyển biến mạnh mẽ trong các cấp hội, trong các cấp ủy đảng và chính quyền. Triệt để xóa bỏ tư tưởng "ốm tha, già thải", xem nhẹ người cao tuổi và công tác Hội Người cao tuổi.

Cùng với việc làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi, Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đang nỗ lực hết mình, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành và các địa phương trong việc đề nghị các cơ chế, quy chế chặt chẽ và thiết thực, động viên hội viên tập trung cho việc "phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình" như Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đề ra và chỉ dặn của Tổng Bí thư: Nâng cao chất lượng công tác tổ chức, công tác cán bộ và phát triển hội viên; phát huy mạnh mẽ vai trò của người cao tuổi trong việc tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Người cao tuổi mãi mãi là cây cao bóng cả, đã, đang và sẽ mãi mãi là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam.