- Chiếc Boeing 737-800 chở 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn
- Máy bay mất liên lạc và đột ngột giảm độ cao, trước khi rơi xuống vùng núi ở tỉnh Quảng Tây khoảng 1 giờ sau khi cất cánh
- Chưa rõ con số thương vong cùng nguyên nhân tai nạn
- Các đội cứu hộ không tìm thấy dấu hiệu của người sống sót
Kích hoạt cơ chế khẩn cấp
Trước đó, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) và hãng China Eastern Airlines xác nhận, chiếc máy bay xấu số đã gặp nạn khi đang trong hành trình từ thành phố Côn Minh đến Quảng Châu.
Trong thông báo phát đi trên trang chủ, CAAC cho biết, chiếc Boeing 737 của China Eastern Airlines mang số hiệu MU5735 đã mất liên lạc trên bầu trời thành phố Ngô Châu, thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Trên khoang có 132 người, bao gồm 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn.
"CAAC đã kích hoạt cơ chế khẩn cấp và cử 1 nhóm công tác đến hiện trường", cơ quan này cho biết trong thông báo.
Tân Hoa Xã dẫn thông tin từ ban quản lý các tình huống khẩn cấp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cho biết, chiếc máy bay Boeing 737 đã rơi tại huyện Đằng, thành phố Ngô Châu và gây ra 1 vụ cháy lớn trên núi.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, hiện vẫn chưa xác định được con số thương vong cụ thể cũng như nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.
Trong khi đó, China Eastern Airlines trong 1 tuyên bố đưa ra cùng ngày cũng xác nhận máy bay đã bị rơi, đồng thời cung cấp chi tiết về đường dây nóng cho thân nhân của những hành khách trên máy bay.
"China Eastern Airlines đã kích hoạt cơ chế khẩn cấp, cử 1 nhóm công tác đến hiện trường và mở 1 đường dây đặc biệt để hỗ trợ khẩn cấp cho thành viên gia đình các hành khách bị nạn", hãng này thông báo trên tài khoản Weibo.
Gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của những nạn nhân trên chuyến bay, hãng China Eastern đã chuyển giao diện trang web của mình thành màu đen trắng, đồng thời cho biết đã thành lập 9 nhóm công tác đặc biệt để xử lý các công việc liên quan. Hãng này cũng nhấn mạnh nguyên nhân vụ tai nạn sẽ được điều tra đầy đủ.
Các sân bay Côn Minh và Quảng Châu cũng đã bắt đầu cung cấp các hỗ trợ cho thân nhân gia đình người bị nạn đang chờ đợi thông tin người thân ở 2 sân bay trên.
Khẩn trương tiến hành công tác cứu hộ
Tờ Nhân dân Nhật báo dẫn lời 1 quan chức phòng cháy chữa cháy địa phương cho biết, không có dấu hiệu của người sống sót giữa các mảnh vỡ rải rác.
Lực lượng cứu hỏa Ngô Châu đã cử 117 lính cứu hỏa cùng 23 xe cứu hỏa đến hiện trường. Hơn 538 lính cứu hỏa từ các khu vực khác của Quảng Tây cũng được điều động để tham gia công tác cứu hộ.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Đông lân cận cũng cử hơn 500 lính cứu hỏa và 97 phương tiện để hỗ trợ, trong khi hơn 90 nhân viên y tế và 36 xe cứu thương từ Ủy ban Y tế Quảng Tây và Cơ quan Y tế thành phố Ngô Châu cũng đã tới hiện trường.
Giám đốc trung tâm chỉ huy khẩn cấp của Cục quản lý khẩn cấp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cho biết, phản ứng khẩn cấp cấp độ 1 đã được kích hoạt. Lực lượng cứu hộ tại địa phương đã đến hiện trường vụ tai nạn và dập tắt đám cháy. Công tác tìm kiếm cứu nạn đang được tiến hành khẩn trương.
Máy bay đột ngột giảm độ cao
Theo hệ thống theo dõi chuyến bay quốc tế Flightradar24, chuyến bay khởi hành từ thành phố Côn Minh lúc 1 giờ 11 phút chiều nay (theo giờ địa phương, tức 5 giờ 11 phút theo giờ GMT). Máy bay dự kiến hạ cánh ở Quảng Châu lúc 3 giờ 5 phút chiều cùng ngày (7 giờ 5 phút giờ GMT).
Dữ liệu của FlightRadar24 cho thấy, chiếc Boeing 737-800 6 năm tuổi đang bay ở độ cao hơn 8.800 m lúc 6 giờ 20 phút giờ GMT. Chỉ hơn 2 phút sau, máy bay đã giảm xuống độ cao hơn 2.700 m. Trong 20 giây tiếp theo, độ cao được ghi nhận cuối cùng của máy bay là 982 m, cho thấy máy bay đã lao xuống theo phương thẳng đứng với tốc độ 9.448 m mỗi phút.
Dữ liệu thời tiết trực tuyến cho thấy điều kiện thời tiết ở Ngô Châu vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn có mây 1 phần với tầm nhìn tốt.
Người phát ngôn của hãng Boeing cho biết, đã nắm được thông tin ban đầu từ các phương tiện truyền thông và đang làm việc để thu thập thêm dữ liệu.
Sự cố trong giai đoạn máy bay đã đạt độ cao đã định tương đối hiếm, mặc dù giai đoạn này chiếm phần lớn thời gian bay.
Hãng Boeing trong 1 báo cáo năm ngoái cho biết, chỉ 13% các vụ tai nạn máy bay thương mại gây thương vong trên toàn cầu từ năm 2011 đến năm 2020 xảy ra trong giai đoạn này, trong khi 28% các vụ tai nạn gây chết người xảy ra trong giai đoạn tiếp cận cuối cùng và 26% khi hạ cánh.
Li Xiaojin, 1 chuyên gia hàng không Trung Quốc cho biết: "Thông thường máy bay sẽ được đặt chế độ tự hành trong giai đoạn hành trình khi đạt độ cao đã định. Vì vậy, rất khó để xác định điều gì đã xảy ra".
Theo truyền thông Trung Quốc, China Eastern đã dừng hoạt động đội bay 737-800 sau vụ tai nạn. Hãng này có 109 chiếc Boeing 737-800 trong đội bay của mình, theo FlightRadar24.
Các nhà điều tra sẽ tập trung tìm kiếm hộp đen của máy bay và máy ghi âm buồng lái để giúp làm sáng tỏ nguyên nhân vụ tai nạn.
Cục Hàng không Mỹ cho biết sẵn sàng hỗ trợ điều tra nếu nhận được yêu cầu từ phía Trung Quốc.
Lịch sử bay an toàn
Theo 1 quan chức của CAAC, các hãng hàng không Trung Quốc đã ghi nhận hơn 100 triệu giờ bay an toàn liên tục tính đến ngày 19/2 năm nay.
Năm 2015, hãng China Eastern Airlines cũng đã nhận “Giải thưởng Kim cương về An toàn bay” từ CAAC cho thành tích đã bay an toàn hơn 10 triệu giờ.
Thông tin từ Mạng lưới An toàn hàng không (ASN) cho biết, vụ tai nạn máy bay gây thương vong gần nhất ở Trung Quốc là vào năm 2010, khi 1 chiếc máy bay Embraer E-190 của hãng hàng không Henan gặp nạn trong lúc hạ cánh ở sân bay Y Xuân, tỉnh Hắc Long Giang trong điều kiện tầm nhìn kém, khiến 44 người trong số 96 hành khách trên khoang thiệt mạng.
Mẫu 737-800 gặp nạn chiều nay có lịch sử bay an toàn khá tốt và là tiền thân của mẫu 737 Max đã dừng bay tại Trung Quốc hơn 3 năm qua, theo sau các vụ tai nạn thảm khốc vào các năm 2018 ở Indonesia và 2019 ở Ethiopia.
Trước đó, vào năm 1994, 1 chiếc Tupolev Tu-154 của hãng hàng không China Northwest Airlines bay từ Tây An đến Quảng Châu đã gặp nạn sau khi cất cánh, khiến tất cả 160 người trên khoang thiệt mạng. Đây được xem là thảm họa hàng không tồi tệ nhất tại Trung Quốc, theo ASN.