Điểm chuẩn ngành sư phạm thấp:

Rất khó đào tạo một thí sinh điểm kém thành giáo viên giỏi

NDO -

NDĐT - Trong giáo dục, có thể đào tạo người khá thành người giỏi, người trung bình thành người khá. Còn việc "biến" một người rất kém trở thành giỏi thì rất khó, nếu có chỉ là trường hợp cá biệt chứ không phổ biến. Điểm chuẩn ngành sư phạm thấp là tình huống khi xây dựng phương án tuyển sinh “hai trong một” Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể ngờ đến.

Giáo viên là ngành đặc thù nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách tuyển sinh hợp lý.
Giáo viên là ngành đặc thù nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách tuyển sinh hợp lý.

Đó là một số ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo về thực trạng nhiều trường ĐH, CĐ sư phạm đang tuyển sinh ở mức điểm quá thấp, thậm chí có trường cao đẳng trung bình chỉ 3 điểm mỗi môn thi.

PGS, TS Nguyễn Văn Khánh, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội:

Cần điều chỉnh chính sách vĩ mô cho ngành sư phạm

Rất khó đào tạo một thí sinh điểm kém thành giáo viên giỏi ảnh 1

Năm nay, điểm thi THPT quốc gia cao hơn hẳn các năm trước. Với mức điểm năm nay, nếu điểm đầu vào tổng ba môn chỉ 9 điểm mà đỗ vào ngành sư phạm thì là quá thấp, không đủ năng lực trở thành người giáo viên được.

Nhìn chung, điểm đầu vào cao thì thí sinh có năng lực tốt hơn và đạt kết quả học tốt hơn. Trong giáo dục, có thể biến người khá thành người giỏi, người trung bình thành người khá. Còn việc biến một người rất kém trở thành giỏi thì rất khó, nếu có chỉ là trường hợp cá biệt chứ không phổ biến.

Thực tế là hiện nay, hai trường đại học sư phạm lớn là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh điểm tuyển sinh vẫn cao. Điểm chuẩn vào khoa Toán ĐH Sư phạm Hà Nội có ngành lấy đến 27,75. Đây là những địa chỉ đào tạo giáo viên có uy tín được xã hội thừa nhận.

Việc tuyển đầu vào sư phạm thấp, theo tôi có nhiều nguyên nhân, song có thể kể đến thực trạng là sinh viên sư phạm ra trường hiện đang rất khó tìm được chỗ làm việc, đây là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến việc chọn trường. Người học hiện nay thực tế hơn thế hệ trước (như lứa chúng tôi chẳng hạn), đi học là sau này để có việc làm, mà nếu không giải quyết được công ăn việc làm thì sức hấp dẫn của nghề giáo kém đi.

Có một thực trạng đang tồn tại là quá nhiều trường đào tạo giáo viên. Trong số này, có không ít những cơ sở đào tạo giáo viên chưa đủ tầm về cả nhân lực và vật lực. Số lượng trường đào tạo giáo viên quá nhiều nên số lượng sinh viên tốt nghiệp sư phạm quá nhiều. Trong khi đó, công ăn việc làm ít, nên sư phạm không hấp dẫn người học, trừ một vài trường lớn như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Nếu bạn mở một doanh nghiệp thì sản phẩm bạn sản xuất ra phải tiêu thụ được bạn mới mong doanh nghiệp của mình phát triển được. Nhưng một cơ sở đào tạo thu tiền học phí đào tạo sinh viên xong rồi, họ có phải lo nơi làm việc cho sinh viên đâu, nghĩa là có “sản phẩm” rồi thì họ không phải “bán” mà cứ đẩy ra ngoài để xã hội phải lo.

Những thực trạng này cần phải có chính sách tầm vĩ mô của Nhà nước. Theo tôi, để thay đổi thì các trường ĐH không thể làm nổi, vì nó phụ thuộc vào chính sách Nhà nước. Nhà nước phải điều tiết, có những chính sách thu hút người vào học ngành sư phạm. Đơn giản nhất là sau khi học xong, họ phải có công ăn việc làm, phải nuôi sống được bản thân. Nếu họ cảm thấy học xong xin việc quá khó khăn thì ngành sư phạm kém hấp dẫn là điều dễ hiểu. Nếu bạn tìm hiểu những ngành đang lấy điểm chuẩn rất cao bạn sẽ thấy đó là những ngành mà, đa phần là sẽ có hy vọng tìm được việc làm mang lại thu nhập khá!

PGS, TS, NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam( IPD):

Đây là tình huống không thể ngờ khi tuyển sinh “hai trong một”

Rất khó đào tạo một thí sinh điểm kém thành giáo viên giỏi ảnh 2

Thực ra điểm năm nay thấp là vì tất cả các điểm cao vào các ngành khác người ta đã vào hết cho nên sư phạm chỉ còn lại những điểm thấp. Đây là một tín hiệu rất đáng buồn của ngành sư phạm. Nếu như đào tạo vào ngành làm thầy mà lại thấp như vậy thì rất đáng lo ngại.

Tôi được biết có những em nộp nguyện vọng vào ngành sư phạm toán nhưng điểm toán lại chỉ được có 3,5 điểm thì rất bất cập và không thể đào tạo ra được hệ thống học sinh giỏi được. Thường để học sinh giỏi thì từ xưa truyền thống của ngành sư phạm thì phải có được thầy giỏi, nên đây là sự rất bất bình thường trong đào tạo.

Tại sao điểm thấp như vậy? Vì theo phương thức tổ chức thi mới, học sinh đạt điểm cao được điều chỉnh nguyện vọng đi vào các ngành có điểm cao. Thậm chí có những người điểm cao cũng không vào được một số trường như trường y hay trường quốc phòng, an ninh.

Từ xưa người ta đã có một câu: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Đó là cái nhận thức sai của xã hội, của gia đình cũng như của các em học sinh. Nhưng nhận thức đó nó có cái lý của nó, bởi hiện nay cách đối xử với ngành sư phạm chưa được bình đẳng, tôn trọng. Thậm chí sinh viên ra trường không có chỗ để dạy học, từ dạy phổ thông đưa xuống để dạy mầm non. Trong khi đó, quy hoạch về đào tạo không ổn định. Cơ chế về tuyển dụng khi ra trường cũng như đầu vào không ổn định nên tạo ra hiện tượng bất thường trong năm nay.

Có thể nói đây là thảm họa đáng báo động cho ngành giáo dục Việt Nam, bởi vì ngành sư phạm là ngành đầu tiên, tri thức đầu tiên của con trẻ thì đầu vào kém như vậy làm sao gửi gắm được con em mình vào những người thầy đó được. Như vậy tương lai người ta sẽ tìm cách để đưa con đi học ở những môi trường khác có đào tạo tốt hơn, thí dụ như đi học nước ngoài hay bỏ tiền đầu tư vào các trường khác chứ không phải là các thầy giáo được đào tạo trong lò này ra. Vì vậy đội ngũ sư phạm tới đây đào tao ra chưa chắc đã được sử dụng cũng là một trong những vấn đề đáng quan ngại cho lứa tuyển sinh này.

Yêu cầu của người học sư phạm thì trước hết là phải yêu nghề sư phạm bởi khi họ yêu nghề thì dù trong hoàn cảnh nào người ta cũng cố gắng để vươn lên học tập tốt để trở thành người thầy giáo thực thụ. Còn đối với những học sinh học kém không đỗ vào đâu, trong khi đó được tuyển thẳng vào sư phạm thì những em đó chỉ vì điểm số mà vào sư phạm chứ không yêu gì ngành này nên rất khó để trở thành người giáo viên giỏi trong tương lai.

Phương án trước mắt rất khó bởi năm nay rất bị động cả cho các cơ sở đào tạo và các em học sinh. Các cơ sở đào tạo không thể không tuyển sinh và học sinh thì cũng không thể không được học nên vẫn phải tuyển các em vào trường. Nếu như các trường chỉ tuyển các em học sinh có điểm cao như hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì không khả thi và nhiều trường năm nay sẽ phải đóng cửa. Tôi nghĩ đây là tình huống khó khăn cho năm học này mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra quan điểm để điều chỉnh.

Về phương án lâu dài, theo tôi trước hết phải xem lại các cách ra đề thi để bảo đảm chất lượng đầu vào. Thứ hai, nên có một kỳ thi riêng vào đại học chứ không phải là chung vào THPT. Các kỳ thi đại học phải do các trường tổ chức thì mới có thể bảo đảm được yêu cầu chỉ tiêu và chất lượng.

Sáng kiến gộp hai kỳ thi làm một cũng rất được hoan nghênh vì nó giảm tải được, nhưng sáng kiến này lại dẫn đến một hậu quả là điểm cao ngất ngưởng, các em điểm cao vẫn không vào được đại học, còn các em điểm thấp thì lại vào được trường cao đẳng, đại học. Có thể khi xây dựng phương án “hai trong một”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa ngờ được nó có thể xảy ra tình huống đó.

Cao đẳng sư phạm xét tuyển nguyện vọng bổ sung từ 9 điểm

Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh thông báo điểm sàn nhận hồ sơ trúng tuyển đợt hai của các ngành Sư phạm Toán học, Ngữ văn, Tiếng Anh là 9 điểm, bằng mức trúng tuyển đợt một.

Phương thức xét tuyển đợt hai của trường này theo công thức: 50% chỉ tiêu theo kết quả học tập THPT - xét học bạ; 50% theo kết quả thi THPT quốc gia 2017.

ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cũng thông báo tuyển nguyện vọng đợt hai ngành sư phạm, nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm chuẩn đợt một là 12,75.

Mức điểm 12,75 của ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tương ứng điểm sàn 15,5, được tính theo công thức sau: Điểm môn chính nhân đôi, cộng với điểm hai môn còn lại rồi chia 4 và nhân 3. Sau đó, điểm này được cộng với điểm ưu tiên.

Tổng chỉ tiêu cho mức điểm xét hồ sơ 12,75 là 224 ở các ngành Sư phạm Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Tương tự, ĐH Sư phạm Vinh công bố mức nộp hồ sơ nguyện vọng 2 vào tất cả ngành (trừ Ngôn ngữ Anh) là 15,5.

Save

Save