Rất cần Luật phòng chống tội phạm công nghệ cao

Tính hai mặt, không biên giới của Internet đang là thách thức trong điều chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm công nghệ cao, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp...

Đây là vấn đề đặt ra tại Hội thảo xây dựng Luật An toàn thông tin, do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 27-6.

Hội thảo có dự tham dự của đại diện các sở TT&TT, các Hội, Hiệp hội và doanh nghiệp khu vực miền Trung, đại diện các cơ quan báo chí tại TP Đà Nẵng.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh, thời gian gần đây, vấn đề an toàn thông tin trên mạng internet đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu với diễn biến ngày càng quan ngại, tập trung vào các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, tài chính, ngân hàng và các vấn đề quan trọng khác.

Thực tiễn cho thấy, lĩnh vực này tại Việt Nam cũng như trên thế giới còn nhiều bất cập và chưa theo kịp với tốc độ phát triển công nghệ thông tin.

Để sớm ban hành các văn bản pháp luật thống nhất, toàn diện trong điều chỉnh hoạt động an toàn thông tin, Quốc hội đã giao cho Bộ TT&TT tổ chức xây dựng, hoàn chỉnh Dự thảo Luật An toàn thông tin, đang xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội, các Bộ, ngành.

Dự thảo Luật An toàn thông tin gồm 9 chương, 55 điều được xây dựng trên nguyên tắc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về an toàn thông tin; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay để hội nhập kinh tế quốc tế.

Các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội... đã đưa ra nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn khi chưa có Luật để bảo vệ an toàn thông tin . Việc phân loại và bảo vệ các hệ thống tin chưa bảo đảm yêu cầu. Môi trường, thực tiễn kỹ thuật, sự dễ tổn thương của hệ thống do những hoạt động xâm phạm, ác ý, độc hại, phá hoại trong không gian thông tin.

Những tổn hại do tội phạm công nghệ cao mang lại, những bi kịch tiềm ẩn của xung đột thông tin, xung đột mạng, khung pháp lý xử lý đối với các đối tượng vi phạm, trách nhiệm bảo vệ thông tin của các nhà quản trị mạng... là những vấn đề các đại biểu quan tâm và đề nghị Dự luật phải thật cụ thể khung pháp lý để điều chỉnh và xử lý nghiêm khắc.