Vào tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi điện cho Marcus Rashford. Trước khi thông báo về gói hỗ trợ từ Chính phủ trị giá 400 triệu bảng để mang tới những bữa ăn miễn phí cho trẻ em nghèo theo lời kêu gọi của Rashford, ông đã hỏi anh có vừa ghi bàn trong trận đấu với Everton hay không.
Rashford, cầu thủ bóng đá thứ hai nhận được giải thưởng Nhân cách thể thao kể từ sau Bobby Moore năm 1966, bẽn lẽn trả lời, anh chỉ có một pha kiến tạo và mẹ anh vẫn trêu chọc vì tình huống đánh đầu hụt.
Nếu đêm thứ Bảy vừa rồi, Johnson lại gọi điện tới, Rashford sẽ có rất nhiều điều để khoe. Gặp Leicester, tiền đạo 23 tuổi đã bỏ lỡ cơ hội đáng tiếc khi lại có pha đánh đầu vọt xà từ khoảng cách chỉ 6 m ngay phút thứ 2. Tuy nhiên, anh sửa sai ngay sau đó với cú dứt điểm chính xác phút 23 từ đường chuyền của Bruno Fernandes.
Đó là một bàn thắng rất đặc biệt, đưa Rashford vào lịch sử. Ở độ tuổi 23 + 56 ngày, anh là cầu thủ trẻ thứ ba của MU cán mốc 50 bàn thắng ở Premier League, sau Wayne Rooney (22 tuổi 157 ngày) và Cristiano Ronaldo (22 tuổi 341 ngày).
Khi còn là một đứa trẻ, chơi bóng trên bãi cỏ trong khu phố cũ ở Wythenshawe, Rashford đã luôn giả làm Ronaldo. Anh đã phải chịu đựng cái đói triền miên bởi bà mẹ vừa làm thu ngân cho một hãng cá cược vừa làm thêm hai công việc lau dọn ở siêu thị và nhà hàng cũng không đủ nuôi năm đứa con nheo nhóc.
Như trong bức thư ngỏ gửi tới các nghị sĩ hồi tháng 9, Rashford viết rằng anh không thể quên tiếng mẹ khóc mỗi tối vì đã làm 14 tiếng mỗi ngày mà vẫn không đủ sống, rằng bà luôn nói mẹ đã ăn rồi để các con không bị đói, và rằng có những ngày trong nhà không có nổi mẩu bánh mỳ.
Rashford đã gia nhập Học viện và vào ký túc sớm hơn quy định một năm. Đó là vì anh muốn giảm tải gánh nặng cho mẹ. Anh buộc phải cạnh tranh với những đứa trẻ lớn hơn, với cái bụng đói mà không dám kể cho đồng đội hay HLV biết.
Nhưng thay vì nản chí rồi bỏ cuộc, những khó khăn càng thôi thúc Rashford thành công. Điều khác biệt là anh không suy nghĩ theo kiểu “liệu có trở thành cầu thủ và khoác áo MU hay không”, mà là “sẽ tốt đến đâu”. Đây là cách để chàng trai có xuất phát điểm khiêm tốn ở Wythenshawe vươn lên thành một ngôi sao. Và sau đó, giúp đỡ gia đình và những người khác.
Khi nhận tháng lương đầu từ bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên, anh giúp mẹ trả khoản vay thế chấp ngôi nhà. Rồi gia đình anh sớm có một căn nhà khác đẹp hơn, dĩ nhiên cũng từ tiền của Rashford. Cũng không dừng lại ở những hoạt động từ thiện nhỏ lẽ, anh phát động chiến dịch tạo ra những bữa ăn miễn phí cho trẻ em có điều kiện sống thấp - giống như anh trước đây.
Tương tự cách vươn lên trong sự nghiệp, Rashford không chùn bước, sẵn sàng đối đầu với những quan chức chính phủ nhằm cải thiện chính sách. Kết quả, anh là người chiến thắng. Và như đã biết, Thủ tướng Boris Johnson đã gọi cho Rashford và cam kết hỗ trợ cuộc chiến chống đói nghèo.
Nhưng Rashford không quên rằng, anh vẫn là một cầu thủ. Vì vậy, sự thăng tiến trên sân cỏ vẫn tiếp diễn. Mùa trước anh ghi 22 bàn ở mọi đấu trường, cao nhất sự nghiệp. Mùa này, khi mùa giải chưa trôi qua nửa chặng đường, anh đã có 13 pha lập công.
Tính ở mọi đấu trường, Rashford đã ghi 80 bàn cho MU kể từ khi ra mắt năm 2016. Thành tích này tốt hơn cả Dwight Yorke (66), Van Persie (58) và Dimitar Berbatov (56). Chỉ cần thêm ba bàn nữa anh sẽ vượt qua Eric Cantona (82), 20 bàn nữa để lọt vào tốp 21 cầu thủ từng cán mốc 100 bàn cho Quỷ đỏ.
Tất cả không được quên Rashford mới 23 tuổi. Anh còn rất nhiều thời gian để chinh phục các cột mốc vĩ đại ở MU để trở thành một huyền thoại, cả trong lẫn ngoài sân cỏ.