Chiều 28/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 17, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Phương án phân bổ số vốn còn lại của các Chương trình mục tiêu quốc gia
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc phân bổ 7.942,139 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, các Quyết định Thủ tướng Chính phủ quyết định nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025…
Về nội dung cụ thể, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ 2.138,811 tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho: Ủy ban Dân tộc để thực hiện việc đầu tư cơ sở vật chất cho 5 trường đào tạo chuyên ngành về công tác dân tộc; Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện việc đầu tư cơ sở vật chất cho 2 trường đại học nằm trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc đầu tư xây dựng bảo tàng sinh thái tại các tỉnh Thái Nguyên, Kon Tum và một số địa phương khác; Liên minh Hợp tác xã thực hiện việc đầu tư xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ. (Ảnh: DUY LINH) |
Đồng thời, phân bổ 358,921 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện Nội dung số 2 “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý” thuộc Tiểu dự án 2 Dự án 3 của Chương trình; Nội dung “Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh trật tự” thuộc Tiểu dự án 2 Dự án 10 của Chương trình.
Ngoài ra, chưa phân bổ 444,407 tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình, dự kiến để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất cho 2 trường: Trường Hữu nghị T78 và Trường Hữu nghị 80.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chính phủ trình phân bổ 2.000 tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 để thực hiện đầu tư một số công trình giao thông liên xã.
Đối với 3.000 tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chính phủ trình phân bổ 2.050 tỷ đồng cho 45 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; 300 tỷ đồng cho 30 tỉnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025; 650 tỷ đồng cho các tỉnh để thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong quá trình triển khai Chương trình.
Về nội dung đề xuất bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc bổ sung 88,6 triệu USD vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chương trình để có thêm nguồn lực thực hiện mục tiêu đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khoản vốn này sẽ được sử dụng để xây mới 294 trạm y tế xã và sửa chữa, nâng cấp 260 trạm y tế xã thuộc 16 tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp các nhiệm vụ chi
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với các nguyên tắc bố trí kế hoạch vốn ngân sách trung ương cho giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia như Tờ trình của Chính phủ.
Theo ông Cường, việc phân bổ vốn cần bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, tránh lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Ngoài ra, cần bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp các nhiệm vụ chi; bảo đảm cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên một cách hợp lý; và không vượt quá mức vốn Quốc hội đã quyết nghị tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Nghị quyết số 34/2021/QH15 và Nghị quyết số 40/2021/QH15.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục rà soát, sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả; khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ số vốn đầu tư phát triển của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vốn chưa phân bổ (444,407 tỷ đồng) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định.
Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng nhất trí kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bố trí kế hoạch vốn nước ngoài 88,6 triệu USD (tương đương 2.050 tỷ đồng) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Thống nhất phương án phân bổ chi tiết số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn nước ngoài của ngân sách trung ương là 2.050 tỷ đồng cho các địa phương theo đề xuất của Chính phủ.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về thẩm quyền quyết định, căn cứ pháp lý, về mục tiêu phân bổ vốn. Đa số ý kiến thống nhất cho rằng việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đúng thẩm quyền đã được Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết Quốc hội; đồng thời bày tỏ cơ bản nhất trí với các phương án như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách đã nêu.