Rà soát cơ sở vật chất trường học để thực hiện chương trình giáo dục mới

NDO -

NDĐT - Để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, đề nghị rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Khuôn viên trường THCS Diễn Hải (Diễn Châu, Nghệ An). (Ảnh minh họa: LÊ HÀ)
Khuôn viên trường THCS Diễn Hải (Diễn Châu, Nghệ An). (Ảnh minh họa: LÊ HÀ)

Bộ GD-ĐT đề nghị các tỉnh, thành tổ chức rà soát và đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đến từng cơ sở giáo dục và theo các cấp học. Trên cơ sở rà soát thực trạng, các địa phương xây dựng báo cáo xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kiên cố hóa, mua sắm bổ sung các hạng mục, cải tạo, sửa chữa để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình và dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của các giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025…

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị báo cáo về thực trạng công tác dồn ghép điểm trường lẻ của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông: về mạng lưới các điểm trường lẻ, những chủ trương của tỉnh về việc dồn ghép các điểm trường lẻ, các kết quả đạt được, giải pháp, kinh nghiệm của địa phương và đề xuất, kiến nghị. Công tác rà soát trên sẽ hoàn tất trước ngày 15-3.

Đánh giá tổng kết năm học 2016-2017, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông vẫn còn gặp nhiều hạn chế, trang thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu, lạc hậu. Ở một số địa phương, nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, trường, lớp còn hạn hẹp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Một số địa phương thực hiện việc rà soát các thiết bị dạy học chưa tốt, chưa quan tâm đầu tư nguồn lực tương xứng để phát triển giáo dục đào tạo của địa phương. Các quy định liên quan đến bảo quản và sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông còn thiếu, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, một số nơi sử dụng thiết bị chưa hiệu quả.

Thống kê đối với cấp học mầm non và phổ thông, tỷ lệ lớp/phòng học bình quân chung của cả nước là 1,11 lớp/phòng học, từng bước đáp ứng nhu cầu học hai buổi/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ phòng học kiên cố /lớp khá thấp, chỉ đạt bình quân khoảng 0,68. Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì trong thời gian tới cần xây dựng thêm nhiều phòng học.

Theo các chuyên gia giáo dục, một trong những biện pháp để xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông là cần phải đánh giá được thực trạng cơ sở vật chất hiện có của các trường mầm non, giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó xác định nhu cầu xây mới, sửa chữa, cải tạo với mục tiêu ưu tiên cho các hạng mục công trình: phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú, học sinh bán trú và đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.