Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), hai cơ quan này đã xây dựng và phát hành cuốn “Sổ tay về điều kiện sống và làm việc tại CHLB Đức”.
Sổ tay cung cấp thông tin cần thiết về quy định pháp luật, thị trường lao động, những điều cần biết đối với lao động cũng như một số địa chỉ cung cấp thông tin và tư vấn cho người lao động có nhu cầu đi làm việc tại CHLB Đức. Đối tượng hướng tới của Sổ tay là những lao động di cư tiềm năng và cán bộ tư vấn di cư tại Việt Nam.
Sổ tay này hướng tới cung cấp cho người lao động và các cá nhân một số thông tin về những vấn đề mà bạn quan tâm. Sách gồm hai phần với những thông tin cụ thể.
Phần một đề cập các công việc cần chuẩn bị cho chuyến đi sang Đức thành công. Trong đó, nội dung của phần này cung cấp cho người lao động các địa chỉ tư vấn ở Việt Nam, nơi có thể nhận được tư vấn về các vấn đề liên quan đến di cư và hòa nhập với cuộc sống ở Đức. Cùng với đó là vấn đề ngôn ngữ và các kỹ năng tiếng Đức cần thiết; những thay đổi chính của Luật Nhập cư lao động có tay nghề của CHLB Đức đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2020, những cơ hội nhập cư mà Luật đưa ra, đồng thời những điều kiện mà người lao động phải đáp ứng để có thể nhập cư thành công.
Ngoài ra, phần một còn đề cập tới tổng quan các đặc điểm của thị trường lao động Đức, cảnh báo về các cơ sở môi giới tư nhân thiếu trách nhiệm cùng các đặc điểm để có thể nhận biết và phòng tránh, giải thích thủ tục xin thị thực nhập cảnh, một số vấn đề liên quan đến chủ đề nhà ở…
Phần hai dành riêng cho các chủ đề quan trọng đối với người lao động khi đến nước Đức. Trong đó, cung cấp một số địa chỉ dịch vụ tư vấn, bao gồm cả dịch vụ tư vấn bằng tiếng Việt; các thông tin về các văn phòng và cơ quan có thẩm quyền phải đến đăng ký nơi cư trú cũng như các cơ quan có thẩm quyền để nộp đơn xin giấy phép cư trú. Thêm vào đó là các vấn đề về quản lý tài chính, bảo hiểm, giao thông, đi lại…
Sổ tay này là sản phẩm hợp tác giữa Chương trình Di cư và ngoại kiều thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) được ủy thác bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ) và Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Hiện nay, một số đơn vị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang triển khai các chương trình đưa lao động đi làm việc tại Đức.
Cụ thể, Cục Quản lý lao động ngoài nước triển khai dự án “Triple Win Nurses - Tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại CHLB Đức”.
Dự án Triple Win được thực hiện trên cơ sở ký kết thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước, GIZ và Trung tâm Giới thiệu Việc làm và Nhân lực Ngoài nước (ZAV) thuộc Cơ quan Lao động Liên bang (BA) tại Đức. Bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ giữa năm 2019, dự án đã được gia hạn thực hiện tới năm 2025.
Bên cạnh đó, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng triển khai chương trình “Hand in hand for international talent” thí điểm tuyển chọn lao động Việt Nam sang làm việc tại CHLB Đức. Đối tượng là người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên, có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm trong bốn ngành đã được đào tạo, gồm: công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng, khách sạn.
Đây là chương trình tuyển chọn lao động có tay nghề được đào tạo, có kinh nghiệm của Việt Nam đi làm việc tại CHLB Đức, giai đoạn 2022-2023.
Đây là chương trình phi lợi nhuận, người lao động không phải nộp các khoản chi phí khi tham gia. Bên cạnh đó, họ được phía Đức đài thọ chi phí học tiếng Đức tại Việt Nam tới trình độ B1, lệ phí xin thị thực, hỗ trợ chi phí công nhận văn bằng bởi các cơ quan có thẩm quyền tại CHLB Đức, được bố trí việc làm theo ngành tuyển dụng với mức lương lên tới 3.500 euro/tháng, hưởng phúc lợi như người Đức tại cùng một vị trí làm việc và được làm việc lâu dài tại CHLB Đức.
Trước đó, từ năm 2015, Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp Công ty TNHH Vivantes - Diễn đàn cho người cao tuổi - đã phái cử gần 1.000 điều dưỡng viên sang học tập, làm việc tại CHLB Đức. Qua đó, góp phần vào kết quả hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức trong việc giao lưu phát triển nguồn nhân lực.