Đức giải bài toán thiếu hụt lao động

Ðang đẩy mạnh lĩnh vực chuyển đổi số và hướng tới các mục tiêu khí hậu mới, một thách thức đặt ra với Ðức là sự thiếu hụt trầm trọng lao động có tay nghề cao. Chính phủ Ðức đang triển khai các biện pháp, trong đó có kế hoạch cải cách luật nhập cư, nhằm sớm giải bài toán về nhân lực.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô-tô ở thành phố Sindelfingen của Ðức.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô-tô ở thành phố Sindelfingen của Ðức.

Đức đang xem xét nới lỏng quy định với sinh viên nước ngoài mới tốt nghiệp đại học để họ có thể làm việc hợp pháp tại nước này với tấm thẻ xanh, cũng như nâng cao hiệu quả thực thi Ðạo luật nhập cư cho người có chuyên môn cao, vốn có hiệu lực từ cách đây hai năm. Phó Giám đốc điều hành Phòng Công nghiệp và Thương mại Ðức Achim Dercks cho biết, cần phải đơn giản hóa quy định để cho phép những lao động trình độ cao có thể tới Ðức làm việc và bổ sung dần các yêu cầu về bằng cấp hay chứng chỉ còn thiếu.

Ngoài ra, thủ tục xét duyệt kéo dài và sự thiếu hợp tác giữa các cơ quan chức năng như sở ngoại kiều, sở lao động, cơ quan chứng nhận bằng cấp tương đương hay các đại sứ quán cũng là nguyên nhân khiến việc tuyển dụng lao động nước ngoài có tay nghề cao tới Ðức luôn bị chậm. Tính đến cuối năm 2021, số lao động nước ngoài có giấy phép cư trú tạm thời tại Ðức là khoảng 295.000 người, tăng gấp ba lần chỉ sau 10 năm. Phần lớn những người này mang quốc tịch Ấn Ðộ hoặc các nước vùng Balkan.

Nhu cầu về lao động lành nghề tại Ðức ngày càng gia tăng. Cuộc khảo sát mới đây do Viện Nghiên cứu kinh tế Ðức (Ifo) tiến hành cho biết, gần 50% các công ty đang thiếu nhân công, thậm chí phải thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh do không có đủ lao động. Cụ thể, 49,7% số công ty được khảo sát tại Ðức đang thiếu lao động lành nghề, cao hơn mức kỷ lục được ghi nhận trước đó là 43,6% vào hồi tháng 4/2022.

Viện Kinh tế Ðức (IW) cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao, nhất là tại những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, tăng lên nhanh chóng. Nguyên nhân của sự thiếu hụt trước hết là do nền kinh tế Ðức đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chuyển đổi số và hướng tới các mục tiêu khí hậu mới. Cùng với đó, tình trạng già hóa dân số tại Ðức cũng khoét rộng thêm “lỗ hổng” nhân lực trẻ, trình độ cao.

IW ước tính rằng, trong năm 2022, lực lượng lao động của Ðức sẽ giảm hơn 300.000 người do số lượng người lao động lớn tuổi nghỉ hưu vượt quá số lượng những người trẻ tuổi tham gia thị trường lao động. Theo một nghiên cứu do nhóm nghị sĩ đảng Xanh trong Quốc hội Liên bang Ðức tổ chức, đến năm 2030, Ðức cần khoảng 450.000 lao động lành nghề chỉ để đảm nhiệm các công việc liên quan đến trung hòa khí hậu trong các ngành kinh tế chính.

Trước những thách thức từ thị trường lao động, giới nghiên cứu khuyến nghị rằng các công ty tuyển dụng nên hỗ trợ nhiều hơn cho thực tập sinh về phương tiện đi lại và nhà ở để thu hút nhân lực cho các vị trí việc làm đang còn trống. IW nhận định, việc khai thác tiềm năng của lực lượng trẻ nhằm lấp đầy chỗ trống trên thị trường lao động hiện nay là rất cần thiết.

Bộ Lao động và Các vấn đề xã hội Ðức nhấn mạnh, để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động tay nghề cao, đào tạo và giáo dục sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự của bộ. Cải cách luật nhập cư cũng là một bước đi quan trọng nhằm bù đắp lỗ hổng nhân lực trẻ, trình độ cao, từng bước gỡ bỏ rào cản trên chặng đường phục hồi và phát triển kinh tế của nước Ðức.