Có thể thấy, hiện tất cả các thủ tục hành chính của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều được thực hiện trên không gian số, giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội; giúp cho doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, dễ dàng kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Ðể triển khai hiệu quả Quyết định số 06/QÐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Ðề án số 06) của Chính phủ, thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư mọi nguồn lực tối ưu thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Ðề án số 06.
Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Nguyễn Hoàng Phương cho biết: Ðể triển khai thí điểm công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh, nâng cấp phần mềm phục vụ tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đồng bộ số căn cước công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu người tham gia bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý.
Tính đến 17/10/2022, toàn quốc đã có 11.634 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt 91% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc), với 3.832.242 lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Ðồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại Hội nghị sơ kết sáu tháng triển khai Ðề án số 06, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp và trên dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Ðến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai nâng cấp, điều chỉnh Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống Giám định bảo hiểm y tế để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc; phối hợp Cục C06 (Bộ Công an), các Nhà cung cấp phần mềm quản lý bệnh viện để chuẩn bị cho việc triển khai thí điểm tại một số cơ sở khám, chữa bệnh...
Chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện
Thời gian qua, việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, đã tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để phục vụ người dân, doanh nghiệp; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng, chống gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Thực hiện Quyết định số 749/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 942/QÐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đánh giá mục tiêu đến năm 2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra.
Nhận thức rõ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay tác động rất lớn đến các mặt công tác của ngành, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm; hướng tới mục tiêu hoàn thiện ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam số, đem lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Ðể thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Ðề án tổng thể về Chuyển đổi số của ngành; hình thành ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam số, với nguồn nhân lực số chất lượng cao; tiếp tục nâng cấp, hiệu chỉnh, hoàn thiện các phần mềm để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ, bảo đảm 100% phần mềm được liên thông theo quy định; hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh để giám sát, điều hành hoạt động trong toàn ngành; tiếp tục bổ sung năng lực, hoàn thiện các trung tâm dữ liệu của ngành, ưu tiên ứng dụng các công nghệ (như: AI, BigData, Cloud Computing...) làm nền tảng cho phát triển ứng dụng, dịch vụ mới để mang lại hiệu quả trong quản lý, xây dựng thành công ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức và cá nhân, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Theo thống kê, Hệ thống Giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ (chưa tính số lượng hồ sơ tiếp nhận và xử lý trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế trung bình mỗi năm khoảng 170 triệu hồ sơ). Tính từ ngày 1/1/2022 đến 17/10/2022, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận và xử lý 74.764.901 hồ sơ giao dịch điện tử (chiếm khoảng 85% tổng số hồ sơ).