Về tài sản hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia: Tổng công ty hiện đang được Nhà nước giao quản lý hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt có tổng chiều dài 3.143km, 297 khu ga và tiếp nhận mới 6 khu ga (gồm 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố từ bắc đến nam), có 5 tuyến chính, trong đó có 2 tuyến liên vận quốc tế kết nối với đường sắt Trung Quốc và hệ thống cầu, hầm, thông tin tín hiệu đường sắt.
Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023: Tổng công ty hợp nhất: Doanh thu 8.503,8 tỷ đồng đạt 101,7% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế: 94,8 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 111,9 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch; thu nhập bình quân người lao động là 9,5 triệu đồng/người/tháng đạt 105,2% so với cùng kỳ.
Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: doanh thu 6.247 tỷ đồng bằng 113,2% so với cùng kỳ và đạt 96,0% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao; lợi nhuận sau thuế: 4,5 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng) tương đương 150% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban giao; hoàn thành nhiệm vụ công ích về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt được kiểm soát giảm trên cả 3 tiêu chí (205 số vụ tai nạn, giảm 11 vụ (-5,1%); 81 người chết, giảm 5 người (-5,8%); bị thương 119 người, giảm 7 người (-5,6%).
Thủ tướng Phạm Minh Chính với nhân viên Ga Hà Nội. |
Sản lượng vận tải: về vận chuyển hàng hóa: Tấn xếp 4,6 triệu tấn, bằng 81,8% cùng kỳ; tấn km: 3.679,7 triệu tấn km, bằng 79,2% cùng kỳ; vận chuyển hành khách: 6,1 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 135,1% cùng kỳ; hành khách km: 2.209,3 triệu hành khách km, bằng 135,4% cùng kỳ; doanh thu trực tiếp từ vận tải: 3.973,4 tỷ đồng, bằng 107,0% cùng kỳ.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: năm 2024, toàn Tổng công ty quyết tâm hoàn thành kế hoạch được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao, phấn đấu duy trì đà tăng trưởng của các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của Người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.
Tiếp tục kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt, phấn đấu giảm so với năm 2023 ít nhất là 5% trên cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Đối với riêng Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Phấn đấu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng bằng 100,18% so với cùng kỳ, trong đó tăng sản lượng vận tải khoảng 7,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra cơ sở vật chất của Ga Hà Nội. |
Chiến lược phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035:
Ngày 19/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định đường sắt là một chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn; phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài. Tập trung khai thác tối đa năng lực mạng đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại kết nối cảng biển cửa ngõ, các trung tâm kinh tế lớn,...
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thành tựu chung của cả nước, Thủ tướng đánh giá cao những việc mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đổi mới sáng tạo, làm được thời gian qua. Qua khảo sát thực tế tại Ga Hà Nội, Thủ tướng vui mừng khi hành khách đánh giá ngành Đường sắt Việt Nam đã cải thiện chất lượng dịch vụ, nỗ lực đổi mới cơ sở vật chất nhà ga, toa xe… Thời gian qua, ngành đường sắt Việt Nam nói chung và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói riêng đã vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc, đạt được một số thành tựu đáng trân trọng, tự hào như báo cáo của Tổng công ty.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. |
Năm 2023, là năm đầu tiên sau 3 năm hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (2020, 2021, 2022) ghi nhận đạt lợi nhuận, cụ thể: doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 101,7% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 115% kế hoạch, thu nhập bình quân người lao động đạt 105,2% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 150% kế hoạch, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt giảm cả 3 tiêu chí. Thủ tướng ấn tượng việc xây dựng Đường tàu đường hoa; mỗi cung đường là một vườn hoa, mỗi nhà ga là một điểm đến.
Thủ tướng cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong năm 2023; lưu ý Tổng công ty không được lơ là, chủ quan, không say sưa với thắng lợi vì đây mới chỉ là bước đầu. Thủ tướng cho rằng nếu chúng ta quyết tâm làm thì sẽ làm được; cũng với tài sản đó, con người đó nhưng ý thức con người, hiệu quả đã thay đổi. Với nền tảng này, chúng ta quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn thì sẽ có kết quả cao hơn.
Chúng ta không thể bó tay, khuất phục; khi có cơ chế đúng thì sẽ tạo hiệu quả. Chúng ta phải đi tìm nguồn vốn, nguồn lực để nâng cấp. Quá trình thực hiện thì sẽ quyết định giữ nguyên hay làm mới, các nhà khoa học, quản lý phải chứng minh lựa chọn nào hiệu quả nhất, ai làm hiệu quả nhất chúng ta giao, khi nào hiệu quả thì chúng ta bắt đầu. “Chúng ta bàn chuyện mới thì phải có đột phá chứ không phải sửa mấy đoàn tàu, nâng cấp mấy nhà ga”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chúng ta không thể bó tay, khuất phục; khi có cơ chế đúng thì sẽ tạo hiệu quả. Chúng ta phải đi tìm nguồn vốn, nguồn lực để nâng cấp. Quá trình thực hiện thì sẽ quyết định giữ nguyên hay làm mới hệ thống đường sắt hiện nay, các nhà khoa học, quản lý phải chứng minh lựa chọn nào hiệu quả nhất, ai làm hiệu quả nhất chúng ta giao, khi nào hiệu quả thì chúng ta bắt đầu. “Chúng ta bàn chuyện mới thì phải có đột phá chứ không phải sửa mấy đoàn tàu, nâng cấp mấy nhà ga”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Thủ tướng bày tỏ muốn đưa động lực mới là sự phát triển đột phá của ngành Đường sắt Việt Nam với tư tưởng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao. Chúng ta phải quyết tâm làm và sẽ làm được. Nếu có đột phá về tư duy, tầm nhìn chiến lược, biết cách thay đổi, hành động quyết liệt, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, huy động nguồn lực thì sẽ làm được. Chúng ta không làm không được vì đây là sự vận động phát triển.
Ngành Đường sắt Việt Nam phải đặt trong sự vận động phát triển “đi sau nhưng về trước” tận dụng lợi thế của người đi sau nhanh và bền vững hơn. Muốn vậy ngành phải có tư duy phải đổi mới, tầm nhìn chiến lược; tư duy mang lại nguồn lực; nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; tầm nhìn chiến lược vừa giải quyết khâu trước mắt vừa bảo đảm lâu dài, vừa nhanh và bền vững. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải có tư tưởng mới, quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới, năng lượng mới với mục tiêu phải hình thành hệ thống đường sắt tốc độ cao.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Về nguồn lực, phải cố gắng hoàn thiện thể chế, cho ngành đường sắt phù hợp sự phát triển đất nước, yêu cầu của phát triển mới, xu thế của thời đại, công nghệ hiện đại; thể chế đi liền với cơ chế, chính sách; nguồn lực bắt nguồn từ đất đai, thiên nhiên, con người.
Nguồn lực phải bắt nguồn từ tư duy, thể chế, cơ chế, chính sách, từ con người, cơ sở hạ tầng đường sắt sẵn có, bằng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, bản sắc văn hoá; tăng cường hợp tác công tư để khai thác nguồn lực, học tập kinh nghiệm các nước; đoàn kết thống nhất, quyết tâm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành.
Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát huy khí thế, Bộ Giao thông vận tải cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết tâm trình để được phê duyệt dự án đường sắt tốc độ cao, có thể chia thành các dự án từ Lào Cai-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ... Muốn làm được phải có đoàn kết, thống nhất. Người đứng đầu phải dám chịu trách nhiệm, bản lĩnh.
Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác phối hợp giữa các ngành với nhau, như Đường sắt Việt Nam phối hợp tốt với ngành hóa chất, du lịch… để giúp đỡ, thúc đẩy phát triển giữa các đối tác; có sự ủng hộ của các cấp trong quá trình phát triển như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải…; trong đó Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cơ cấu lại Tổng công ty theo hướng phát triển nhanh và bền vững; chú trọng phát huy lợi thế, tiềm năng của ngành, nhất là phát triển các ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hạn chế ô nhiễm ngay từ trong nhà ga, trên tàu…; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, giảm tối đa thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của các cấp; hạn chế cơ chế “xin-cho” vì dễ phát sinh tiêu cực, dẫn tới phải xử lý kỷ luật. Càng khó khăn thì càng phải nỗ lực vượt khó.
Hạn chế cơ chế “xin-cho” vì dễ phát sinh tiêu cực, dẫn tới phải xử lý kỷ luật. Càng khó khăn thì càng phải nỗ lực vượt khó.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Theo Thủ tướng, phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực vì tương lai sẽ phát triển đường sắt tốc độ cao; phát huy tính tự lực, tự cường, đi lên từ “bàn tay khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển”, “biến không thành có, biến không thể thành có thể”; phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ nghĩa anh hùng, nhân văn là tài sản vô giá của dân tộc.
Về những vấn đề cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu “Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế bắc-nam, các hành lang vận tải chính đông-tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn”.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh phát biểu. |
Đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: tiếp tục thực hiện hiệu quả sứ mệnh, vai trò nòng cốt trong quản lý, sử dụng khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Chú trọng xây dựng nền tảng phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại; khẩn trương triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…
Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng Tổng công ty quản trị hiện đại phù hợp điều kiện Việt Nam, chức năng cảu Tổng công ty; cơ cấu lại tài sản, tài chính mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện đang có bảo đảm hiệu quả, phù hợp hơn, có lợi nhất, mang lại giá trị gia tăng cao hơn, tạo thuận lợi cho sự phát triển trước mắt và lâu dài. Tái cơ cấu vận hành và tổ chức bộ máy phù hợp cơ chế kinh tế thị trường, cùng với đó tái cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức, giảm số lượng, tăng chất lượng; sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế nhưng phải nâng cao chất lượng.
Thủ tướng mong các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; tìm khách hàng mới, tăng cường hợp tác quốc tế; mở rộng các nhà ga có liên kết quốc tế. Các bộ, ngành, địa phương phải cùng Tổng công ty phối hợp chặt chẽ để cùng thực hiện các công tác này; nhấn mạnh chúng ta cần làm mới lại các động lực cũ, bổ sung các động lực mới, bằng các ngành mới nổi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khôi phục lại các nhà ga…; xây dựng các chương trình, kế hoạch mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến 2025 theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường giám sát, kiểm tra, xây dựng chính sách ưu tiên. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu quy định chính sách quản lý đất đai; Bộ Công thương chủ trì cùng Bộ Giao thông vận tải phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ để không phụ thuộc bên ngoài, phải có công nghiệp nền, có vật liệu phù hợp, các nhà máy sản xuất đầu máy, toa xe…; tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ. Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị của ngành Đường sắt Việt Nam với tinh thần vướng ở đâu ở đó tháo gỡ, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết.
Với tinh thần trách nhiệm cao, với khí thế và niềm tin mạnh mẽ về bề dày lịch sử và truyền thống hào hùng của ngành Đường sắt Việt Nam, kết quả đạt được của năm 2023 và các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo và tập thể người lao động Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đã quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt thành tích năm 2024 cao hơn năm 2023.