Quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong triển khai Đề án 06

Chiều 21/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban.

Trong năm 2022, năm 2023, Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, thể hiện bằng 6 Chỉ thị, 21 Nghị quyết, 4 công điện. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 5 Hội nghị trực tuyến toàn quốc; ban hành văn bản 452 chỉ đạo tháo gỡ những “điểm nghẽn” về Đề án 06. Các đồng chí Phó Thủ tướng được phân công phụ trách trực tiếp giao ban 28 buổi định kỳ, đột xuất với Tổ Công tác và các bộ, ngành để chỉ đạo giải quyết từng nhiệm vụ cụ thể theo chuyên đề và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tổ Công tác triển khai Đề án của Chính phủ phát huy vai trò thường trực, duy trì giao ban hàng tháng và trực tiếp làm việc với từng bộ, ngành để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh an toàn, bảo mật, kinh phí triển khai; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; làm việc với Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để thúc đẩy chuyển đổi số tại 19 tập đoàn, Tổng Công ty; làm việc với các 26 địa phương để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện Đề án.

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong triển khai Đề án 06 ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Kết quả cụ thể, về hoàn thiện thể chế: đến nay, đã hoàn thành 5/5 văn bản pháp luật theo lộ trình Đề án 06, gồm: 1 Luật căn cước; 2 Nghị định (Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân), 2 Thông tư (Quy định về kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư). Ngoài ra, các bộ, ngành đã tham mưu ban hành Luật Giao dịch điện tử; Nghị định 104 sửa đổi, bổ sung một số điều của 19 Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng... tạo hành lang pháp lý để triển khai các nhiệm vụ quan trọng của Đề án 06.

Đã hoàn thành, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án số 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg, ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu đã được thực hiện toàn trình. Năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến các địa phương đạt 58,2% (cao hơn chỉ tiêu 40%); tại các bộ, ngành đạt 31,7% (chưa đạt chỉ tiêu 40%), riêng Bộ Công an đạt 75%. Nhiều thủ tục hành chính có tỷ lệ người dân trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú (97%); Đăng ký cấp biển số xe ô tô lần đầu (80,5%); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (75,6%); Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (73%); Đăng ký tạm trú (87,3 3%); cấp hộ chiếu phổ thông (90,28%)...

Việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu hàng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước 2.505 tỷ đồng... Thu hút người dân tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, các bộ, ngành, địa phương đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, cung cấp các công cụ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; đồng thời, thực hiện các chính sách miễn,giảm phí, lệ phí phù hợp. Trong đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 63, ngày 16/10/2023, có hiệu lực từ ngày 1/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025 với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%. Đã có 53/63 địa phương tham mưu với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí. Riêng Thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 07, ngày 4/7/2023 quy định thu phí, lệ phí với mức thu 0 đồng đến hết ngày 31/12/2025 để khuyến khích người dân tham gia thực hiện.

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong triển khai Đề án 06 ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là công việc khó, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó đạt được.

Có thể nói, một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06; chúng ta đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đến năm 2025, phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ, phải khẩn trương triển khai; có những việc chúng ta nhìn thấy “nguy cơ” khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.

Nhằm thực hiện thành công Đề án 06, Thủ tướng đề nghị các đồng chí cùng nhau thảo luận, phân tích những nội dung:

Một là, đánh giá thực chất tình hình, trung thực, khách quan, có minh chứng bằng số liệu cụ thể những kết quả đạt được trong 2 năm qua. Đồng thời, các đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương mình.

Hai là, thẳng thắn chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ (Đơn vị nào chậm? Nguyên nhân là gì, cả khách quan và chủ quan?); những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện.

Ba là, đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới (chỉ rõ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từng bộ, ngành cần phải làm gì? Ở địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phải làm gì?); cũng như các quan điểm mới trong triển khai Đề án 06.

Thủ tướng nêu rõ, người dân là trung tâm, chủ thể, lấy người dân là thước đo hiệu quả của cải cách hành chính. Vấn đề là chúng ta phải quyết tâm, cái gì vướng mắc thì phải cùng nhau tháo gỡ. Chúng ta cần đánh giá xem tỉnh, ngành nào làm tốt thì khen thưởng, tỉnh, ngành nào không làm tốt thì phải bị xử lý theo quy định.

Nhân dịp này, Hội nghị đã công bố danh sách 26 tập thể của Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương được vinh dự tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì thành tích trong triển khai Đề án 06.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, kết quả đạt được thời gian qua cho thấy, việc triển khai Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn, đã mang lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương và hoạt động kinh tế, xã hội của người dân, doanh nghiệp; qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, quản trị thông minh, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng trân trọng cảm ơn, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các đồng chí, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, sự quyết liệt, sâu sát của Bộ trưởng Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, còn nhiều tồn tại, hạn chế, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức rõ để khắc phục thời gian tới.

Thủ tướng gợi ý Chủ đề của năm 2024 là: “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa, dữ liệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp”. Thủ tướng đề nghị để bảo đảm triển khai Đề án 06 thuận lợi thì không được để vùng lõm về sóng và điện, không để ai bị bỏ lại phía sau; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan thực hiện tốt công tác bảo đảm hạ tầng này.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, phải quyết tâm cao hơn nữa, xác định quyết tâm chỉ đạo quyết liệt trong triển khai Đề án 06, tập trung các nhóm nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, triển khai các nhiệm vụ cấp bách từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024: về chi trả an sinh xã hội: Yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân 12 địa phương (Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Đắk Lắk, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Trị, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc) sớm triển khai chi trả chế độ an sinh xã hội qua hình thức không dùng tiền mặt theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Về Phiếu lý lịch tư pháp: Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Thừa Thiên Huế trong quý I/2024 để hoàn thiện nhân rộng trên toàn quốc.

Về Sổ sức khỏe điện tử: Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, hoàn thành trong tháng 1/2024.

Về tiếp cận tín dụng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Công an triển khai giải pháp chấm điểm khả tín để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, hiệu quả; triển khai thí điểm tại Ngân hàng Vietcombank trước ngày 15/1/2024.

Hai là, các bộ, ngành khẩn trương, tập trung giải quyết 10 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình Đề án 06 và 17 nhiệm vụ chậm tiến độ theo các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về cán bộ, công chức, viên chức, kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về dân cư. Hoàn thành trong tháng 1/2024; Bộ Tư pháp đề xuất các phương án xử lý đối với 558 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo các Nghị quyết của Chính phủ, báo cáo trước 31/12/2023. Uỷ ban nhân dân 15 địa phương (An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Hải Phòng, Kiên Giang, Phú Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Trà Vinh) trình HĐND cùng cấp có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; hoàn thành trước tháng 6/2024.

Ba là, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình của Đề án 06 năm 2024, cụ thể: xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2024, trong đó đề ra lộ trình chi tiết để hoàn thành 9 nhóm chỉ tiêu cơ bản về giải quyết thủ tục hành chính… Bộ Công an nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, hoàn thành trong năm 2024; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác CSDLQG về dân cư, đảm bảo đúng mục đích, chống lộ lọt dữ liệu, hoàn thành trong quý II/2024. Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện các quy định liên quan; nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn mới về dữ liệu và hướng dẫn việc tổ chức tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng lại dữ liệu, hoàn thành trong quý I/2024.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử giữa các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong quý I/2024; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp; hoàn thành trong quý I/2024.

Thủ tướng giao 9 Bộ, cơ quan (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Lao động Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) sớm cung cấp 15/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại trên Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm cắt giảm giấy tờ, thời gian đi lại và chi phí thực hiện.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến. Đẩy mạnh cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID (quản lý xã hội như tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…; người dân như dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, tiện ích cho đối tượng yếu thế…); giao Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng “Tài khoản an sinh xã hội” để mỗi người dân Việt Nam có tài khoản an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID.

Bộ Công an phối hợp Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế giám sát theo dõi, đánh giá việc triển khai Đề án 06 để đôn đốc trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương liên quan bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để triển khai hiệu quả Đề án 06 cho năm 2024 và các năm tiếp theo…