Về yêu cầu kỹ thuật, xe ba gác không đủ điều kiện tham gia giao thông. Về người sử dụng, chỉ một phần nhỏ là thương binh thật, nhiều xe gắn lô-gô giả hoặc thuê của các doanh nghiệp do thương binh đứng tên để hoạt động. Nhiều năm qua, những chiếc xe ba gác là hung thần, nỗi khiếp sợ đối với người và phương tiện tham gia giao thông. Mặc dù năm nào lực lượng chức năng cũng tổ chức kiểm tra, xử phạt nhưng chỉ được một thời gian ngắn, những hung thần đường phố này lại tiếp tục lộng hành.
Trong thời gian ngắn sau khi tổ chức kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm; tạm dừng lưu thông đối với hàng chục xe không đủ điều kiện; lập nhiều chốt, cắm biển cấm tại các cửa ngõ và đường nội đô, phố trung tâm. Chỉ tính riêng 4 ngày từ 15-18/3, lực lượng chức năng đã xử lý 45 trường hợp xe ba gác tự chế. Gần như ngay lập tức, số lượng xe ba gác xuất hiện ở địa bàn các quận trung tâm, các huyện vùng ven giảm hẳn; số xe lưu thông trong giờ cao điểm ở các tuyến đường, tuyến phố rất nghiêm chỉnh, tuân thủ quy định về chở hàng… Những đối tượng không phải thương binh, hoặc giả mạo thương binh, hoặc sử dụng lô-gô giả mạo doanh nghiệp của thương binh cũng không còn. Ùn tắc và tai nạn giao thông cũng nhờ đó mà giảm đáng kể.
Ðợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý xe ba gác, xe tự chế của TP Hà Nội đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của người dân. Tuy vậy, vẫn còn vài ý kiến cho rằng đợt cao điểm này chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề, đó là: Chỉ xử lý xe ba gác chở hàng quá tải, quá khổ, cồng kềnh; chỉ xử lý đối với xe thương binh giả hoặc không có giấy tờ hợp lệ mà vẫn cho xe do thương binh thật được phép hoạt động; chỉ xử phạt bằng tiền mà không có phương án xử lý đối với xe không đủ điều kiện lưu thông trên đường… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan chưa có phương án hữu hiệu bảo đảm cuộc sống, đào tạo nghề và tạo việc làm đối với thương binh, người khuyết tật còn đủ sức khỏe để làm việc nhưng không có việc làm ổn định. Ngoài ra, do đặc thù giao thông ở nước ta, hiện chưa có phương tiện hợp chuẩn nào có khả năng cơ động, đa dụng và chi phí thấp như xe ba gác.
Không phải chúng ta không có các bài học về xử lý các vấn đề khó liên quan đời sống của người dân, thí dụ như loại bỏ xe công nông, xe gắn máy không đủ điều kiện tham gia giao thông và thay thế bằng các loại xe phù hợp; đưa người xin ăn, lang thang vào các trung tâm nuôi dưỡng; đào tạo, tạo việc làm cho đối tượng chính sách và người khuyết tật… Mặt khác, chúng ta cũng không thiếu những bài học về việc xử lý thiếu quyết liệt, không đồng bộ, dẫn đến tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", xử lý nghiêm được một thời gian rồi đâu lại vào đó.
Tổng kiểm tra, quyết liệt xử lý xe tự chế là việc rất nên làm. Nhưng, để giải quyết dứt điểm vấn đề, cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng khác nhằm tạo việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động; xử phạt và nghiêm cấm sản xuất xe tự chế; kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng làm giả và sử dụng giấy tờ giả thương binh hoặc lô-gô doanh nghiệp của thương binh…