Ngày 11/9/2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về tăng cường trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Ngày 29/3/2018 Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với chung cư, nhà cao tầng.
Đây là hai văn bản quan trọng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói chung và công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất chung cư, nhà cao tầng nói riêng.
Tình hình cháy nổ vẫn phức tạp
Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, 5 năm qua, thành phố xảy ra hơn 1.500 vụ cháy, làm chết 80 người, bị thương 171 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 85 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn xảy ra 2.142 vụ cháy các bãi cỏ, rác, phế liệu và khoảng gần 600 vụ chập tại các trụ điện, cháy tại các nhà ở riêng lẻ. Tính đến nay, thành phố có hơn 1,6 triệu nhà ở hộ gia đình, trong đó có hơn 79.600 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Xác định sự quan trọng của công tác tuyên truyền, sau một thời gian triển khai đồng bộ, quyết liệt, các đơn vị, địa phương đã đạt được một số chỉ tiêu cơ bản như: công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy đạt những kết quả thuận lợi; các đơn vị đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho hơn 1,9 triệu thành viên hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Tính đến tháng 10/2023, trên địa bàn thành phố đã hoàn thành đưa vào hoạt động 3.226 tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy và 3.325 điểm chữa cháy công cộng. Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ cháy nhà dân, các công trình đều có lối thoát nạn, nhưng lại được gia cố bằng khung sắt, chuồng cọp, khiến cho việc thoát nạn và chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của lực lượng chức năng gặp khó khăn. Vấn đề này dẫn tới những hậu quả lớn sau đó.
Mặc dù đã có nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra nhưng đến nay, tỷ lệ người dân sắm bình chữa cháy đối với các hộ ở riêng lẻ cũng chỉ mới đạt hơn 72%; tỷ lệ trang bị phương tiện thoát nạn như: búa, rìu, thang dây,… cũng chỉ đạt hơn 68,62%.
Trong khi đó, đối với công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, nhà cao tầng cũng được các cơ quan chức năng đẩy mạnh, song vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Qua khảo sát, kiểm tra, đánh giá ở 1.049 chung cư thì có đến 531 chung cư vẫn còn một số vi phạm như: không bảo đảm về giao thông phục vụ chữa cháy, không bảo đảm giải pháp ngăn cháy, không bảo đảm điều kiện thoát nạn, hệ thống phòng cháy, chữa cháy không hoạt động hoặc hoạt động không bảo đảm,…
Khắc phục những vấn đề cố hữu
Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, qua khảo sát thực địa, tình trạng một số hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh có mặt bằng nhỏ hẹp, thường ngăn thành ki-ốt để cho thuê hoặc nhà ống đã xây dựng từ nhiều năm trước để hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn tồn tại. Đối với các dạng nhà ở kết hợp này việc kiến nghị mở thêm lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp không thể thực hiện do hạn chế về không gian.
Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp chưa cương quyết, mức phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe; đặc biệt, trong quá trình sử dụng, người dân tự ý cơi nới, cải tạo không bảo đảm theo giấy phép xây dựng và ảnh hưởng đến các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy của công trình. Tình trạng nhiều nhà chung cư không hoặc chưa thành lập được Ban quản trị vẫn tồn tại.
Vấn đề này có nhiều nguyên nhân như: do không có cư dân tham gia đề cử, ứng cử vào Ban quản trị hoặc có nhà chung cư đã thành lập được ban quản trị nhưng do mâu thuẫn cho nên từ nhiệm gây nhiều khó khăn cho công tác tuyên truyền, thông tin về phòng cháy, chữa cháy. Tại nhiều chung cư, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc cấp giấy chủ quyền, cơ sở vật chất liên quan đến phòng cháy, chữa cháy,… cũng gây nên những hệ lụy tương tự.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Ngô Minh Châu, Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học, kỹ thuật lớn nhất cả nước; với tốc độ phát triển nhanh. Cùng với sự phát triển kinh tế cũng kèm theo nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Do đó, trong công tác phòng cháy, chữa cháy phải lấy phòng ngừa là chính, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy.
Xác định Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn là cấp có trách nhiệm chính và trực tiếp trong quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Trong đó, Công an phường, xã, thị trấn cần chú trọng công tác phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người dân là rất quan trọng.
Trong công tác xây dựng đô thị, đồng chí Ngô Minh Châu cũng yêu cầu các sở, ngành chức năng và các địa phương trước khi cấp Giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc diện thẩm duyệt phải có văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy. Đối với loại hình nhà ngăn phòng, căn hộ cho thuê, đề nghị Bộ Công an tham mưu quy định cụ thể đối tượng nhà trọ, nhà ngăn phòng, căn hộ cho thuê để ở để thành phố có các giải pháp hướng dẫn, xử lý cụ thể.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: Là đô thị lớn, đang được đô thị hóa nhanh, phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy mà các văn bản pháp luật, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy chưa được cập nhật đầy đủ. Qua đó, đề nghị Bộ Công an tham mưu Chính phủ cho phép thành phố ban hành và áp dụng các quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy đặc thù để điều chỉnh công tác phòng cháy, chữa cháy phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố.
Đối với một số giải pháp sắp tới, Công an thành phố xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân; thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với chung cư, nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm việc kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở vi phạm về trật tự xây dựng; giải pháp phát triển quy hoạch nguồn cấp nước phòng cháy, chữa cháy;…