ND - Sáu mươi năm trước đây, sau khi phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945) do chủ nghĩa phát-xít gây ra, nhân loại đã bừng tỉnh để nhận ra rằng, các cuộc chiến tranh cùng mọi sự áp đặt quyền lực một cách cưỡng bức lên xã hội chính là sự chà đạp thô bạo quyền sinh tồn của con người.
Với ý thức nghiêm túc về con người, về vai trò và các quyền tự do cơ bản nhất của con người, một thời gian sau khi ra đời, Liên hợp quốc đã quyết định thành lập Ủy ban nhân quyền (nay là Hội đồng nhân quyền), Ủy ban đã bắt tay soạn thảo Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền để văn bản này chính thức được Ðại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 10-12-1948 tại Pa-ri (Cộng hòa Pháp).
Nhìn lại 60 năm qua, phải khẳng định, sự ra đời của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền là thỏa thuận pháp lý quốc tế đầu tiên về quyền con người, đồng thời cũng là bước tiến quan trọng của cộng đồng thế giới trong khi thừa nhận "phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng bất di bất dịch của tất cả các thành viên trong gia đình loài người là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới". Sự thừa nhận ấy có được trước hết bởi cộng đồng thế giới đều thấy rằng: "sự coi thường và xâm phạm các quyền con người dẫn đến những hành vi man rợ, xúc phạm tới lương tâm nhân loại, và việc tạo lập một thế giới trong đó con người sẽ được hưởng tự do ngôn luận, tín ngưỡng và tự do thoát khỏi nỗi sợ hãi và đói nghèo đã được tuyên bố như là khát vọng cao cả nhất của những người dân bình thường"... Với 30 Ðiều khoản đề cập toàn diện tới các quyền dân sự - chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa của cá nhân, tới quyền của trẻ em, quyền của phụ nữ..., Tuyên ngôn khẳng định nhân quyền là quyền của tất cả mọi người và công nhận, thực hiện nhân quyền là mục tiêu chung của nhân loại. Tuyên ngôn về nhân quyền đã không chỉ khẳng định nhân quyền như là giá trị tất yếu hiển nhiên, mà còn yêu cầu trong khi thực thi nhân quyền "1. Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà ở đó có thể thực hiện được sự phát triển tự do và đầy đủ nhân cách của bản thân. 2. Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, và đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ" (Ðiều 29). Với cái nhìn chỉnh thể ấy, có thể nói, từ 60 năm trước, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền đã xác lập các chuẩn mực tối thiểu và chung nhất cho hệ thống giá trị có ý nghĩa nhân loại phổ biến, mang tính nguyên tắc về quyền con người. Ðây là yếu tố quan trọng để các quốc gia đặt ra mục tiêu và hoạch định các chính sách tiến bộ để phát triển, qua đó bảo đảm quyền của con người trong định hướng chiến lược phát triển. Với ý nghĩa, với tầm nhìn nhân văn ấy, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (sau đó là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được Ðại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966) đã chứng tỏ giá trị cùng sức sống của nó trong suốt 60 năm qua. Dù tồn tại với tư cách một văn bản có tính "khuyến nghị" và là các cam kết về "chính trị - đạo đức" hơn là ràng buộc "chính trị - pháp lý", Tuyên ngôn đã trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá hành động của các chính phủ, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền con người, đấu tranh với các hành động lạm dụng bạo lực và quyền lực để chà đạp lên nhân phẩm, tính mạng con người.
Tuy nhiên, cùng với những thăng trầm của tiến trình lịch sử, không phải khi nào con người cũng được tạo điều kiện thuận lợi để đạt tới khát vọng chân chính về nhân quyền. Khi cái ác vẫn có thể hoành hành, khi chủ nghĩa cá nhân cực đoan vẫn chi phối hành vi của một số cá nhân, khi tham vọng thống trị vẫn còn tồn tại trong một số nhóm và tập đoàn người thì trong một số trường hợp, con người phải tiến hành các cuộc đấu tranh gian khổ mới có thể giành lấy nhân quyền cho chính mình. Các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ mà dân tộc Việt Nam tiến hành dưới sự lãnh đạo của Ðảng ta là bằng chứng hùng hồn chứng minh khi quyền tự quyết dân tộc đã bị tước đoạt thì nhân quyền chỉ là một ước mơ không bao giờ đạt tới. Hơn ai hết, mọi người Việt Nam yêu nước đều hiểu rằng, giành lại độc lập cũng đồng thời là giành lại quyền làm người, và điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong bản Tuyên ngôn Ðộc lập do Người đã đọc tại Quảng trường Ba Ðình ngày 2-9-1945 rằng: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
Là dân tộc đã phải hy sinh xương máu để giành lại độc lập và quyền làm người, hơn ai hết, mọi người Việt Nam đều nhận thức được rằng, nhân quyền là giá trị cao cả, thiêng liêng và khi đã đấu tranh giành được nhân quyền thì phải bảo vệ và tiếp tục phát triển nó. Chính vì thế, Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức quan tâm vấn đề nhân quyền, không chỉ trong các chủ trương, chính sách mà bằng hành động thực tế để nhân quyền trở thành giá trị xã hội - con người, trở thành tài sản quý giá, một nhân tố góp phần đưa đất nước tới mục tiêu cao cả "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Hàng chục năm qua, Việt Nam luôn cố gắng thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình trong tư cách là thành viên của Liên hợp quốc, đồng thời cố gắng xây dựng Việt Nam trở thành mẫu hình của tinh thần vượt qua khó khăn để phát triển, trở thành địa chỉ tin cậy của các giá trị nhân quyền. Nhân quyền đã trở thành một nội dung mang tính pháp lý, được ghi rõ trong Ðiều 50 Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 15-4-1992: "Ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật". Với vai trò là chính đảng tiên phong, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ðảng ta khẳng định: "Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người". Nội dung này đã được cụ thể hóa trong Chỉ thị 12 của Ban Bí thư (khóa VII) về Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Ðảng ta. Trong đó cho rằng: "Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Ðó là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới chống lại mọi áp bức, bóc lột". Từ sự phân tích biện chứng theo tiến trình lịch sử của vấn đề nhân quyền, Ðảng ta nhấn mạnh: "Giải phóng con người (trong đó có việc bảo đảm các quyền con người) gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội; chỉ có dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện được bảo đảm rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất". Chỉ thị 12 khẳng định: "Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân". Ðiều này cho thấy, Ðảng ta có quan niệm hết sức đúng đắn, khoa học về nhân quyền. Bởi với tư cách là thành viên xã hội, muốn sử dụng và phát huy các quyền của mình thì trước hết, mỗi cá nhân phải xứng đáng là thành viên của xã hội, phải góp phần làm cho xã hội ngày càng phát triển, phải tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực pháp lý có vai trò duy trì sự thống nhất của xã hội cũng như bảo đảm cho mọi người được phát triển tự do, hài hòa, phát huy khả năng sáng tạo...
Sau hơn 20 năm đổi mới, các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề nhân quyền đã được thể chế hóa một cách cụ thể, biểu hiện một cách sinh động, với rất nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ðối với chúng ta, nhân quyền không phải là một khái niệm trừu tượng, mà phải là tiêu chí sống, là môi trường sống, phải được hiện thực hóa qua những thành quả vật chất - tinh thần, đồng thời tạo ra tiền đề để nhân quyền có thể vận hành trong xã hội. Những năm qua, mức sống và đời sống mọi mặt của toàn dân đã được nâng cao rõ rệt. Công cuộc đổi mới đã làm nên gương mặt mới của xã hội từ thành thị tới nông thôn. Ðó là việc Nhà nước chú trọng phát triển hệ thống giao thông, lưới điện quốc gia. Các chương trình xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả, bước đầu đưa cuộc sống và sự phát triển văn hóa - văn minh của đồng bào vùng sâu, vùng xa theo kịp mọi miền. Phúc lợi và an sinh xã hội trở thành tài sản chung của toàn dân. Hệ thống giáo dục các cấp đã phát triển trên địa bàn cả nước, việc học tập để nâng cao tri thức, phát triển trí tuệ, thể chất được khuyến khích đối với mọi lớp tuổi, mọi thành phần xã hội, một xã hội học tập đã bước đầu hình thành. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống y tế, bưu điện, thông tin đại chúng... đã làm cho xã hội Việt Nam thay đổi tích cực được thế giới công nhận. Vấn đề tín ngưỡng - tôn giáo và vấn đề dân tộc cũng có sự phát triển mới. Ðảng và Nhà nước ta đã tạo điều kiện để các công dân theo tín ngưỡng - tôn giáo sống "tốt đời đẹp đạo", niềm tin tôn giáo được tôn trọng cùng quyền lợi, trách nhiệm xã hội. Ðồng bào các dân tộc thiểu số được bảo đảm quyền công dân, được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa. Ðó là các thành tựu không thể phủ nhận.
Chúng ta đang đứng trước nhiều thuận lợi để xây dựng đất nước song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Các thế lực thù địch vẫn hàng ngày hàng giờ cản trở, phá hoại sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta với những âm mưu và thủ đoạn thâm độc. Trong đó, vấn đề nhân quyền bị lợi dụng như là một chiêu bài nhằm vu cáo, bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam mới. Thậm chí, có những thế lực còn sử dụng nhân quyền như là điều kiện trong quan hệ kinh tế - xã hội - văn hóa với Việt Nam... Bằng các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, các thế lực thù địch đã và đang cố tình bóp méo, bịa đặt thông tin về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tín ngưỡng - tôn giáo, dân tộc, báo chí... Chúng rắp tâm gieo rắc trong xã hội một số quan niệm mơ hồ và lệch lạc về vấn đề nhân quyền ("nhân quyền cao hơn chủ quyền", "nhân quyền không biên giới", "lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia"...). Thậm chí, để tiến công vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước ta, có người còn kêu gọi phải sao chép mô hình dân chủ ở một số quốc gia khác, phớt lờ định hướng phát triển riêng cũng như các đặc trưng cộng đồng, từ đó gây nên thái độ hoài nghi, hư vô về chính trị nếu thiếu tỉnh táo trong chọn lọc thông tin. Nhưng "bàn tay không che nổi mặt trời", các luận điệu ấy không thể phủ nhận được thực tế sôi động đang diễn ra hằng ngày trên đất nước Việt Nam. Cuộc sống mới, sức sống mới, thành quả mới của các thế hệ người Việt Nam đang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay là bằng chứng hùng hồn bác bỏ mọi luận điệu thù địch. Ðiều đó càng khẳng định sự lựa chọn con đường phát triển đất nước của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta là sự lựa chọn đúng đắn.
Sau hơn 30 năm đấu tranh để giành lại chủ quyền dân tộc, từ năm 1977, Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc, và cũng từ đó, Việt Nam đã tham gia nhiều hơn vào sinh hoạt của cộng đồng thế giới, trong đó có việc tham gia vào các công ước quốc tế về nhân quyền, và tích cực đóng góp vào các hoạt động bảo vệ nhân quyền trên phạm vi thế giới. Nhân 60 năm Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, chúng ta hướng tới các giá trị cao quý về quyền con người, ủng hộ các hoạt động mang lại nhân quyền ở mọi quốc gia, phê phán bất kỳ hành động nào xâm hại tới quyền con người. Ðồng thời chúng ta quyết tâm phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa để đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tới thắng lợi mới, để mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" trở thành một hiện thực trên Tổ quốc của chúng ta. Ðó chính là hành động thiết thực nhất để tôn vinh giá trị cao cả của nhân quyền.
NHÂN DÂN