Quy trình bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo Quyết định mới về quy chế bầu cử trong Đảng

NDO - Trình tự, thủ tục bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương được quy định tại Điều 26 Quyết định số 190-QĐ/TW ngày 10/10/2024 về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng (sau đây gọi tắt là Quyết định số 190-QĐ/TW).
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về "bầu Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra", Điều 22 Quyết định số 190-QĐ/TW quy định:

Ủy ban Kiểm tra các cấp được lập từ đảng ủy cơ sở trở lên, do hội nghị cấp ủy cùng cấp bầu; thành viên Ủy ban Kiểm tra gồm một số đồng chí trong cấp ủy và một số đồng chí ngoài cấp ủy. Đại hội chi bộ, đảng ủy bộ phận không bầu Ủy ban Kiểm tra.

1. Đoàn chủ tịch báo cáo với hội nghị về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng ủy viên Ủy ban Kiểm tra theo quy định, hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên trực tiếp để hội nghị xem xét, quyết định.

2. Hội nghị thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, biểu quyết số lượng ủy viên Ủy ban Kiểm tra.

3. Đoàn Chủ tịch báo cáo với hội nghị danh sách những đồng chí được cấp ủy khóa trước giới thiệu để bầu Ủy ban Kiểm tra và chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và ý kiến của Ban Thường vụ khóa mới.

4. Tiến hành ứng cử, đề cử.

5. Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử, đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

6. Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

7. Bầu ủy viên ủy ban kiểm tra trước, sau đó bầu chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trong số ủy viên ủy ban kiểm tra.

8. Kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

9. Ủy ban kiểm tra bầu phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trong số ủy viên ủy viên kiểm tra đã được bầu.

Sau khi được bầu, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra điều hành ngay công việc của ủy ban kiểm tra khóa mới, được ký các văn bản với chức danh chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

Về "Bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương", Điều 26 Quyết định số 190-QĐ/TW quy định:

1. Đoàn Chủ tịch báo cáo về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương để hội nghị xem xét, quyết định.

2. Hội nghị tiến hành biểu quyết về số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

3. Đoàn Chủ tịch đề cử danh sách do Bộ Chính trị khóa trước giới thiệu bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ý kiến của Bộ Chính trị khóa mới.

4. Tiến hành ứng cử, đề cử.

5. Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

6. Lập danh sách bầu cử; hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

7. Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử,

Về "Bầu Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương", Điều 27 Quyết định số 190-QĐ/TW quy định:

1. Đoàn Chủ tịch báo cáo về yêu cầu, tiêu chuẩn Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa trước dự kiến giới thiệu (nếu có) và ý kiến giới thiệu của Bộ Chính trị khóa mới.

2. Tiến hành ứng cử, đề cử.

3. Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách nhưng người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với các trường hợp tự ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

4. Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử,

5. Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

Về "Bầu bổ sung ủy viên Ban Thường vụ; Bí thư, Phó Bí thư, ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra", Điều 28 Quyết định số 190-QĐ/TW quy định:

1. Ban thường vụ cấp ủy báo cáo về yêu cầu bầu bổ sung Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư; ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy.

2. Ban Thường vụ cấp ủy báo cáo danh sách những đồng chí được Ban Thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy cấp trên trực tiếp giới thiệu để được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư; ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.

3. Tiến hành ứng cử, đề cử.

4. Ban Thường vụ cấp ủy tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với các trường hợp tự ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

5. Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử,

6. Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.