Quy hoạch Sơn Trà: Phải coi thiên nhiên là tài nguyên du lịch cần bảo tồn

NDO -

NDĐT – Phần lớn các nhà khoa học tham gia cuộc tọa đàm về phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà đều cho rằng, cần phải coi thiên nhiên là cốt lõi của tài nguyên du lịch, du lịch phát triển được là nhờ tài nguyên thiên nhiên.

Từ Sơn Trà nhìn xuống biển.
Từ Sơn Trà nhìn xuống biển.

* Chưa triển khai quy hoạch bán đảo Sơn Trà trong ba tháng tới

“Sơn Trà là một hòn ngọc quý”

Đây là nhận xét của Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái tại buổi tọa đàm, khi nói về khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Ông nhấn mạnh; “Đây là nhà của voọc chà vá cũng như nhiều loại động thực vật quý hiếm khác, đồng thời là điểm quan trọng về bảo đảm an ninh quốc phòng. Vấn đề ở đây là đối với các dự án đã thực hiện và những dự án chuẩn bị thực hiện, sẽ phải tìm biện pháp xử lý như thế nào cho phù hợp.

Cuộc tọa đàm này được thực hiện theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chiều 28-5, để thu thập ý kiến, kiến nghị của các nhà khoa học, các nhà quản lý, từ đó tổng hợp lại và đưa lên Thủ tướng Chính phủ xem xét. Sẽ có nhiều cuộc tọa đàm như thế này được Bộ tổ chức để các bên liên quan đưa ra ý kiến của mình”.

Để minh chứng cho giá trị của Sơn Trà, ông Phan Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học Đà Nẵng cho biết, toàn bộ Sơn Trà là khu vực của động vật quý hiếm, không chỉ là voọc chà vá mà còn cả hệ động thực vật nữa. Voọc sống rải rác rất nhiều ở phía mũi, khu vực giữa và mỏm phía bắc, cho nên phải quy hoạch khu vực sinh thái, tạo khu vực cho voọc sinh sống và cũng để có thể tham quan. Ông Chương khẳng định: “Ngay cả vùng san hô ven Sơn Trà cũng là vùng san hô vào loại đẹp nhất Việt Nam bây giờ”.

Đồng nhất với ý kiến này, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, không thể phủ định rằng Sơn Trà có cảnh quan tuyệt vời, một khu sinh thái rộng lớn với địa hình núi nằm sát ven biển, lại ngay bên cạnh một thành phố lớn và hiện đại như Đà Nẵng là điều không phải nơi nào cũng có được. Vì thế, không thể can thiệp một cách thô bạo vào Sơn Trà được.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, phát triển du lịch xanh, du lịch gần gũi với thiên nhiên hiện nay là thương hiệu mà nhiều nước trên thế giới hướng tới để phát triển du lịch. TS Võ Thanh Sơn, Viện Tài nguyên Môi trường (ĐH Quốc Gia Hà Nội) cho biết, du lịch phát triển nhờ tài nguyên du lịch, trong đó phần lớn là tài nguyên thiên nhiên, muốn phát triển bền vững phải duy trì tài nguyên đó.

Đặc biệt, thẳng thắn và gay gắt nhất là ý kiến của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, cũng là người gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về Sơn Trà. Ông Huỳnh Tấn Vinh nhấn mạnh: “Không có một nơi nào được như Sơn Trà của Đà Nẵng, có biển, núi, khoảng cách địa lý lại rất gần, một vùng thiên nhiên hoang sơ nằm liền kề với với thành phố lớn. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ mất Sơn Trà, một lá phổi xanh của Đà Nẵng, cung cấp oxy cho 4,2 triệu người dân, cũng là con mắt thần nhìn ra biển Đông. Sơn Trà là báu vật thiêng liêng của Việt Nam”.

Ông Huỳnh Tấn Vinh đề nghị đưa Sơn Trà thành điểm du lịch tham quan, khách du lịch chỉ đến rồi về chứ không nghỉ lại. “Nếu lựa chọn, chúng tôi lựa chọn một Sơn Trà hoàn toàn thiên nhiên, không có phòng khách sạn nào, chứ không phải là 1.600 phòng, 500 phòng hay 300 phòng như trong quy hoạch… Chúng tôi kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xin tạm dừng dự án này”.

Lựa chọn thái độ ứng xử phù hợp với thiên nhiên

Một mâu thuẫn thường thấy ở nhiều điểm du lịch thiên nhiên ở nước ta là lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển. Ông Phan Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học Đà Nẵng cho rằng, nếu không đầu tư mà giữ nguyên, thì Sơn Trà cũng chỉ như cái đảo hoang. KTS Nguyễn Tấn Vạn cũng cho rằng, không thể cấm được việc xây dựng, có điều là xây dựng như thế nào để không ảnh hưởng đến thiên nhiên. Ông cũng dẫn chứng ra rằng, ngay cả ở Việt Nam, có nhiều khu du lịch không chặt cây, không san ủi đất, xây dựng mà vẫn giữ được cảnh quan tuyệt đẹp, như Chile...

Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Đỗ Thu Lan, nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, không thể cấm xây dựng, nhưng vấn đề quan trọng là làm như thế nào. Số lượng buồng phòng đã giảm từ hơn 5 nghìn xuống còn 1.600 nhưng vẫn đòi hỏi phương thức thực hiện là phải bám vào thiên nhiên chứ không phá banh hết đất cát ra như những công trình khác. Bà Đỗ Thu Lan cũng kiến nghị cần làm ngay một quy chế tổng hợp cho Sơn Trà để khống chế và có cơ sở kiểm soát, để giữ gìn môi sinh ở Sơn Trà.

Quy hoạch Sơn Trà: Phải coi thiên nhiên là tài nguyên du lịch cần bảo tồn ảnh 1
Dưới chân Sơn Trà.

Cụ thể hơn, TS Võ Thanh Sơn cho rằng phải dựa vào năng lực “tải” của thiên nhiên để tính toán quy mô phát triển du lịch, bao nhiêu buồng phòng. Phải tính cả hệ động thực vật trong rừng và dưới biển, do đó cần xem xét, nghiên cứu hiện trạng, bảo đảm tổng thế, từ đó mới đưa ra con số cụ thể là xây dựng được bao nhiêu buồng phòng, 1.600, 500 hay chỉ 300…

Liên quan đến chủ thể quan trọng nhất của Sơn Trà là voọc chà vá, PGS Vũ Tuấn Cảnh, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Du lịch cho rằng phải lưu ý đến vấn đề di cư của voọc chà vá, liệu việc xây dựng như vậy có tác động và khiến chúng di cư hay không.

Một số chuyên gia cũng đã lên tiếng khá gay gắt về tình trạng dự án “xé nát thiên nhiên” ở nhiều nơi trên cả nước, không riêng gì Sơn Trà hiện nay. Ông Nguyễn Tấn Vạn đưa ra thí du: “Nhìn toàn bộ bãi biển của chúng ta hiện nay, từ Móng Cái cho dến Phú Quốc, tất cả đều bị can thiệp và làm biến đổi cảnh quan. Chúng ta có những cảnh quan thiên nhiên quý giá vô cùng nhưng đang bị xói mòn”. Ông Nguyễn Tấn Vạn mạnh mẽ chỉ ra rằng, ở nhiều địa phương, chính quyền phụ thuộc vào nhà đầu tư, gần như nhà đầu tư muốn gì đều làm theo, nhiều nơi cảnh quan bị biến đổi hình dạng là do nhà đầu tư. “Chúng ta phải xem lại thái độ của chúng ta trong phát triển kinh tế” – ông nói.

Chia sẻ ý kiến này, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, có rất nhiều chuyện “không nghiêm chỉnh” ở du lịch Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện quy hoạch như thế nào, phải có những quy định chặt chẽ, đặc biệt là về môi trường. Phải ra soát từng dự án và điều chỉnh để không ảnh hưởng đến môi trường. Ông cũng cho rằng phải cân đối giữa hai mục đích phát triển và bảo đảm môi trường, nếu cứ giữ nguyên bảo tồn mà không phát triển thì cực đoan, và ông nhấn mạnh: “không thể thực hiện được điều này ở Việt Nam”.

Ông Vũ Thế Bình còn đề cập đến việc có những quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường trong đầu tư phát triển, nhưng cơ chế giám sát còn lỏng lẻo thì cũng coi như không đạt hiệu quả.

Trong khi đó, Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, việc đánh giá một dự án có tác động đến môi trường hay không phải chờ khi dự án đó hoàn thành, họ có trả lại nguyên vẹn cảnh quan và môi trường không. Ông Phạm Trung Lương cũng đề xuất nên thành lập một tổ tư vấn gồm các chuyên gia độc lập để nghiên cứu, đánh giá cụ thể Sơn Trà, từ đó mới kiến nghị nên điều chỉnh những gì, ở đâu, quy mô như thế nào.

Vấn đề Sơn Trà hiện nay không nằm ngoài những mâu thuẫn thường thấy giữa bảo tồn và phát triển. Vấn đề là xem xét, hài hòa lợi ích giữa các bên như thế nào cho phù hợp, đó cũng là bài toán khó, nhất là trong tình trạng hiện nay đã có một số cơ sở lưu trú tại Sơn Trà đã được đưa vào sử dụng, và những dự án khác đang xây dựng dở dang hoặc đã được phê duyệt. Để Sơn Trà phát triển đúng định hướng, KTS Nguyễn Tấn Vạn chỉ ra rằng, “cần có những người quản lý tốt và nhà đầu tư thông minh”.

Trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng 2030 mà đại diện Đà Nẵng công bố tại buổi tọa đàm, có khẳng định: Nội dung quy hoạch du lịch xác định quy mô 1.600 buồng phòng khách sạn đến năm 2030 là phù hợp.

Liên quan đến kiến nghị của ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề nghị xem xét lại “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà”, báo cáo khẳng định: Để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú/năm (gần gấp ba lần) đến năm 2030 theo công suất buồng thực tế thì TP Đà Nẵng cần phải có gần 58.000 buồng phòng. Đến nay, tại khu vực bán đảo Sơn Trà đã có 253 buồng phòng của một số dự án đã đưa vào hoạt động, một số dự án đang tiến hành xây dựng, do đó việc kiến nghị giữ nguyên hiện trạng là chưa phù hợp.

Quy hoạch khu du lịch Sơn Trà với nhiều chức năng: tham quan, vui chơi, giải trí, lưu trú, ngắm cảnh, nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên… tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn mà vẫn bảo đảm yếu tố bảo tồn thiên nhiên nếu có các giải pháp tốt về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và quy chế quản lý chặt chẽ. Việc hạn chế phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm có thể hạn chế được bằng nhiều giải pháp tổ chức quản lý.

Một số kiến nghị khác như hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư, hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước, báo cáo của TP Đà Nẵng khẳng định ghi nhận và sẽ xem xét, nghiên cứu…