Quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lên tới 232 nghìn ha

NDO -

NDĐT - Ngày 3-6, Bộ Xây dựng phối hợp UBND tỉnh Hà Giang tổ chức công bố Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030.

 Phong cảnh Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Khánh Toàn
Phong cảnh Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Khánh Toàn

Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt theo Quyết định số 438 ngày 7-4-2017.

Phạm vi, quy mô lập quy hoạch gồm bốn huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích khoảng 232 nghìn ha. Dân số hiện trạng hơn 283 nghìn người, dự báo đến năm 2030 có từ 370 đến 375 nghìn người. Về du lịch, hiện nay mỗi năm có khoảng 600 nghìn lượt khách, dự báo đến năm 2030 đạt hơn một triệu lượt khách/năm.

Nội dung quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 bao gồm: Định hướng phát triển không gian; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giải pháp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó sẽ quy hoạch xây dựng bốn đô thị, cụ thể: Xây dựng thị trấn Đồng Văn thành trung tâm du lịch văn hóa lịch sử; thị trấn Mèo Vạc thành trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu; thị trấn Yên Minh thành trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh; thị trấn Tam Sơn thành trung tâm du lịch, vui chơi giải trí.

Chiến lược phát triển được chia làm ba giai đoạn, giai đoạn một đến năm 2020, thực hiện các dự án hạ tầng cải thiện đường giao thông tiếp cận đến Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời mở rộng cung cấp nước sạch địa phương bảo đảm vệ sinh và các hạ tầng thiết yếu khác. Giai đoạn hai từ năm 2020 đến 2025 tập trung mở rộng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch khoa học và du lịch mạo hiểm. Giai đoạn ba từ năm 2025 đến 2030 sẽ tăng cường tham gia tiếp xúc thị trường và quản lý. Phát triển các sản phẩm du lịch phức hợp, tăng cường thị trường các sản phẩm du lịch địa phương.

Tiếp nhận hồ sơ quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết, quy hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng cao núi đá Hà Giang. Để quy hoạch sớm thành hiện thực, ông Nguyễn Văn Sơn mong muốn và đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục chủ trì tổ chức lập quy hoạch đô thị Hà Giang. Nghiên cứu liên kết, hỗ trợ thúc đẩy vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu vực khác của tỉnh Hà Giang để phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Sau khi công bố quy hoạch, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang sẽ phổ biến quy hoạch tới nhân dân. Đối với các sở, ngành, tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các huyện khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo lĩnh vực của ngành. BQL Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn làm tốt công tác quản lý, tham mưu cho tỉnh xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, quy chế, quy định, chương trình, quy hoạch, kế hoạch và giải pháp bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Công viên địa chất cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho tái đánh giá Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn vào năm 2018.

Tại buổi công bố quy hoạch, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đề nghị, tỉnh Hà Giang cần xây dựng kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cho bốn huyện thuộc vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và tùy thuộc vào điều kiện của mỗi huyện để ưu tiên các nhiệm vụ, công việc cần triển khai thực hiện. Có quy định, chỉ đạo về bảo tồn, quản lý các di sản di tích trên vùng công viên địa chất toàn cầu, vận động cộng đồng cùng tham gia, coi đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường trên vùng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm về bảo tồn, khai thác các di tích tại các tỉnh đã làm tốt.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về du lịch Hà Giang nói chung và vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng trên các trang web, phương tiện thông tin đại chúng. Đầu tư, mở rộng thêm các hình thức, sản phẩm phục vụ du lịch. Cùng với đó tiếp tục triển khai kế hoạch khám phá thêm các di tích, di sản trên vùng công viên để ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan, từ đó góp phần vào thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.