Cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ
Theo TTXVN, tham dự lễ tưởng niệm, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Ðại sứ Ðặng Hoàng Giang đã chia buồn với Chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ðại sứ thông báo về quyết định của Chính phủ Việt Nam cử các đoàn công tác gồm 100 cán bộ quân đội và công an tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và viện trợ 100.000 USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và 100.000 USD cho Syria. Ðại sứ khẳng định, Việt Nam tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất.
Tối 16/2, thông tin từ Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết: Vào lúc 8 giờ 15 phút giờ địa phương (12 giờ 15 phút giờ Hà Nội) ngày 16/2, Ðoàn Cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp nhận sáu khu vực tìm kiếm do Ban Ðiều phối tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ bàn giao. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội đã tổ chức lực lượng thành hai hướng tìm kiếm, cứu nạn. Hướng 1 gồm Ðội Công binh, Ðội Quân y và Ðội chó nghiệp vụ, do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân nhân Việt Nam) chỉ huy. Hướng 2 gồm Tổ Công binh, Tổ chó nghiệp vụ và Ðội Quân y số 2, phối hợp Ðội Cứu hộ, cứu nạn Bahrain, do Thượng tá Nguyễn Duy Minh, Trưởng phòng Mỹ-Úc-Phi (Cục Ðối ngoại, Bộ Quốc phòng) chỉ huy. Ðến 12 giờ 20 phút giờ địa phương (16 giờ 20 phút giờ Hà Nội) ngày 16/2, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện ba vị trí có người bị nạn, lực lượng tìm kiếm cứu nạn sở tại đã đưa thi thể nạn nhân ra khỏi khu sập đổ.
Tính đến 14 giờ ngày 16/2 (18 giờ Hà Nội), Ðoàn Cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam đã kết thúc công việc tìm kiếm. Trong tổng số tám điểm được giao tìm kiếm đã tìm được năm điểm có nạn nhân, trong đó hai điểm có dấu hiệu sự sống. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội đã bàn giao các vị trí tại các điểm có nạn nhân cho lực lượng sở tại. Ðoàn Cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam đã về vị trí tập kết, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo sự điều phối của cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ.
Khó khăn chồng chất
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, Chính phủ tăng cường hỗ trợ những người sống sót, những người đang vật lộn chống chọi thời tiết mùa đông lạnh giá và điều kiện thiếu thốn. Cơ quan Quản lý thiên tai và tình trạng khẩn cấp (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ đã dựng lều và trại cho hàng nghìn gia đình, song còn rất nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm nơi trú tạm.
Trong bối cảnh cơ hội tìm thấy những người sống sót sau thảm họa động đất ngày càng trở nên mong manh, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục những nỗ lực không ngừng nghỉ. Nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra khi có thêm nạn nhân được giải cứu sau hơn 200 giờ mắc kẹt, như trường hợp bà Cemile Kekec (74 tuổi) ở tỉnh miền nam Kahramanmaras, tâm chấn của trận động đất, được cứu ngày 15/2.
Cơn địa chấn mạnh 7,8 độ cùng các dư chấn sau đó hủy hoại nghiêm trọng tại 10 tỉnh, thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ, ảnh hưởng đến giao thông vận tải, năng lượng, khả năng tiếp cận thực phẩm, nước uống và hạ tầng vệ sinh. Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo, các khu vực chịu thảm họa bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất về bệnh truyền nhiễm.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, những người còn sống sau động đất tại Syria đang đối mặt "thảm họa thứ phát" khi tình trạng thiếu lương thực và nơi trú ẩn tiếp diễn nghiêm trọng. Khủng hoảng nhiên liệu khiến các bệnh viện không đủ khả năng cung cấp điều kiện chăm sóc tốt cho bệnh nhân.
Sau trận động đất, một con đập bị vỡ ở Tây Bắc Syria, khiến nước sông Orontes dâng cao. Lũ lụt khiến hơn 1.000 ngôi nhà bị ngập lụt, khoảng 7.000 người phải sơ tán. Ðó là một thí dụ điển hình về những tác động gián tiếp và liên tục sau động đất mà các tổ chức nhân đạo phải tính đến trong các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria.