Quốc hội ủng hộ chủ trương xây dựng hồ chứa nước Ka Pet

NDO -

NDĐT – Sáng 12-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cho vùng khô hạn bậc nhất của cả nước. Nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến tán thành về sự cần thiết đầu tư dự án; tán thành việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng; đánh giá cao về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án với quy mô phù hợp và cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt để giao lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường sáng 12-11.
Quốc hội thảo luận tại Hội trường sáng 12-11.

Hiệu quả cao của dự án Hồ chứa nước Ka Pet

Thảo luận tại hội trường sáng nay, nhiều đại biểu bày tỏ ủng hộ chủ trương xây dựng hồ chứa nước Ka Pet tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và cho rằng công trình này sẽ giúp cải thiện và có tác động tốt tới môi trường và cải thiện đời sống dân sinh của địa phương. Đại biểu Đinh Duy Vượt, ĐBQH tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, tỉnh Bình Thuận cũng giống tỉnh Gia Lai đang là một tỉnh rất khó khăn về nước. Khi mùa khô kéo dài, hạn hán thường xuyên, các hộ dân địa phương thoát nghèo đến mùa hạn hán lại nghèo trở lại. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm chưa khắc phục được, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, việc tạo một hồ sinh thủy cho địa phương như hồ Pa Ket là vô cùng cần thiết.

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ninh Thuận và Bình Thuận là hai vùng khô hạn bậc nhất của cả nước. Do vậy, việc đầu tư Hồ chứa nước Ka Pet là cần thiết và quan trọng để vừa bảo đảm mục tiêu cắt lũ khi mùa lũ về, vừa trữ được nước để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Đây là hai yếu tố hết sức quan trọng đối với hai tỉnh này, cũng như các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Về một số ý kiến đang còn băn khoăn về địa điểm, Bộ trưởng cho biết, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam của Bộ Nông nghiệp đã nghiên cứu địa điểm hết sức thận trọng, kỹ lưỡng và xác định đây là giải pháp khả thi nhất. “Viện cũng đã tính đến dung tích lòng hồ và các diện tích rừng phải chuyển đổi, chi phí đầu tư, hiệu quả dự án, đánh giá tác động đã tính toán thật kỹ lưỡng. Đây là phương án tốt nhất. Tại báo cáo tiền khả thi, phương án lựa chọn dự án đã đưa ra 14 phương án, tức là 14 kịch bản về dung tích lòng hồ. Phương án chọn dung tích 51 triệu, tương ứng với tổng diện tích rừng cũng như diện tích rừng đặc dụng phải sử dụng là phù hợp”, Bộ trưởng nói.

Nhiều đại biểu băn khoăn, Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn Núi Ông. Quy mô Dự án gồm hồ chứa, đập đầu mối, tràn xả lũ, cống lấy nước đầu mối, công trình điều tiết, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ. Tổng diện tích đất của Dự án là 693,31 ha, trong đó, diện tích đất rừng là 680,41 ha, gồm: 162,55 ha rừng đặc dụng, 0,91 ha rừng phòng hộ; 471,09 ha rừng sản xuất… Các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ 162,55 ha rừng đặc dụng chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng Hồ Pa Ket là loại rừng nào, có tác động đến môi trường sinh thái ra sao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, về giá trị của rừng đặc dụng bị mất, trong tổng số rừng sử dụng để có 162,55 ha rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn Núi Ông. Đây là khu vực thuộc phân khu phục hồi sinh thái. Bộ trưởng cho biết, hiện trạng chủ yếu là rừng phục hồi, không có diện tích rừng giàu, không có loài động vật hoang dã và quý hiếm. Gỗ ở đây chủ yếu thuộc nhóm năm đến nhóm tám, với đường kính chủ yếu là nhỏ, chiếm tới 63,5%, cũng không có các loại thực vật phải quản lý chặt chẽ và hạn chế theo Công ước quốc tế, cũng như theo các Nghị định của Chính phủ. Diện tích này đã được tính toán và khi tích nước sẽ tạo một môi trường tốt cho phía hạ du và không có các công trình khác cần phải bảo tồn, không ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc trồng rừng thay thế đã đáp ứng được gần đủ với ba lần diện tích sử dụng. “Tổng diện tích trồng rừng thay thế là 1.941 ha và hiện nay đang là khu đất trống đã được quy hoạch và không có các tranh chấp. Trong đó có 1.441 ha là cây có giá trị chiếm 75%, keo lai là 500 ha. Có một số đại biểu nói là keo lai không có giá trị, nhưng phương án cụ thể cuối cùng tỉnh sẽ trồng trong quá trình triển khai. Việc trồng rừng thay thế là một việc hết sức quan trọng, phải giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt cho UBND tỉnh Bình Thuận

Trong buổi thảo luận tại Quốc hội sáng nay, nhiều đại biểu có ý kiến cần cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt để giao lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình: “Theo quy định của Luật Đầu tư công, sau khi dự án quan trọng quốc gia được quyết định chủ trương đầu tư thì giao lại cho Thủ tướng Chính phủ để lập thẩm định và quyết định đầu tư. Tuy nhiên, đây là một dự án có quy mô nhỏ thuộc nhóm B, 565 tỷ đồng và thuộc công trình cấp hai và đã có phương án trồng rừng thay thế. Tỉnh Bình Thuận đã có kinh nghiệm đầu tư và xây dựng các công trình, dự án thủy lợi kiểu như thế này. Mặt khác, pháp luật về nông, lâm nghiệp cũng không có những điều cấm hay có những quy định riêng. Do vậy, chúng tôi cho rằng việc giao lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập thẩm định và phê duyệt sẽ thuận lợi và nhanh hơn, đáp ứng được hiệu quả”.

Đánh giá là một công trình thủy lợi đa mục tiêu có hiệu quả tốt, Bộ trưởng nhấn mạnh, khi công trình đi vào hoạt động, số dân được hưởng lợi rất lớn với 12.000 hộ dân, chiếm 11/12 xã của huyện Hàm Thuận Nam, trong đó có 820 hộ dân tộc thiểu số; tổng số người dân được hưởng lợi là 120 nghìn, trong đó có 60 nghìn dân của thành phố Phan Thiết.

Trước ý kiến cho rằng, thời gian thực hiện được đề xuất năm năm là quá dài, cần phải tính toán rút ngắn lại từ 3-5 năm, Bộ trưởng cho rằng, đây là những ý kiến rất xác đáng và Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung bố trí đủ nguồn lực và tổ chức triển khai nhanh đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả của công trình này.

Theo Bộ trưởng, về một số ý kiến khác, Bộ sẽ phối hợp cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội rà soát và chỉnh sửa cho phù hợp trong Nghị quyết để phù hợp với các pháp luật liên quan.

Kết thúc phiên thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sau phiên thảo luận tại hội trường, các ý kiến phát biểu đều đồng tình với chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pet. Tuy nhiên, còn một số ý kiến về việc cần làm rõ như: diện tích 162 hecta rừng đặc dụng chất lượng như thế nào, có đáng để đánh đổi với việc xây dựng hồ chứa nước lần này hay không; việc trồng rừng thay thế cần loại nhóm gỗ tương tự như rừng đặc dụng, tránh việc sử dụng loại gỗ như gỗ keo, gỗ bạch đàn của rừng kinh tế; cần quan tâm đến vấn đề an toàn hồ đập; đề xuất có cơ chế đặc thù đối với dự án này để sớm đẩy nhanh tiến độ thi công. Do đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ cần giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội bằng văn bản.

* Trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hồ chứa nước hơn 51 triệu mét khối