Quốc hội thông qua Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi) và Luật Thỏa thuận quốc tế

NDO -

Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đã bổ sung quyền của người lao động là có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV
Đại biểu Quốc hội biểu quyết tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV

Chiều 13-11, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với 450 đại biểu tán thành/454 đại biểu tham gia biểu quyết, đạt tỷ lệ 93,36% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Có một đại biểu không tán thành, tỷ lệ 0,21%, ba đại biểu không tham gia biểu quyết.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng -0
Màn hình điện tử thể hiện kết quả biểu quyết 

Tại Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quyền của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; có ý kiến đề nghị bổ sung nghĩa vụ của người lao động sau khi về nước thực hiện khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung tại khoản 2, Điều 6 và tại khoản 4 Điều 46 của dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến của đại biểu ở nhiều nội dung, như: các quy định về điều kiện cơ sở vật chất của doanh nghiệp dịch vụ; chuẩn bị nguồn lao động; Hợp đồng cung ứng lao động; Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tiền ký quỹ của người lao động; trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật và chia sẻ cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;…

Luật sau khi chỉnh lý gồm 8 Chương và 74 điều. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 31 điểm mới. Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành.

Cũng trong chiều nay, Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế được Quốc hội thông qua với 456 đại biểu tán thành/458 đại biểu tham gia, đạt tỷ lệ 94,61% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Tại Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội các nội dung về phạm vi điều chỉnh, bên ký kết Việt Nam bên ký kết nước ngoài, Về chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế…, cũng như các  góp ý về kỹ thuật văn bản.

Luật Thỏa thuận quốc tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021 và Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế số 33/2007/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.