Quốc hội Đức thông qua một số sửa đổi luật bảo vệ chống lây nhiễm

NDO -

Để bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương, tất cả những người làm việc trong bệnh viện, viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc người cao tuổi khác đều phải tiêm chủng bắt buộc.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội Đức ở Berlin, ngày 8/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp Quốc hội Đức ở Berlin, ngày 8/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/12, Quốc hội liên bang Đức đã thông qua một số sửa đổi trong Luật Bảo vệ chống lây nhiễm Covid-19, trong đó có quy định tiêm chủng bắt buộc đối với một số đối tượng nhất định và thắt chặt các biện pháp phòng dịch.

Với 571 phiếu thuận, 80 phiếu chống, 38 phiếu trắng, Quốc hội Đức đã thông qua các quy định mới do liên minh "Đèn giao thông" - gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) đề xuất.

Theo luật mới này, để bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương, tất cả những người làm việc trong bệnh viện, viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc người cao tuổi khác đều phải tiêm chủng bắt buộc.

Quy định này cũng áp dụng đối với các cơ sở chăm sóc người khuyết tật, các phòng khám, cơ sở y tế, dịch vụ cấp cứu và các trung tâm giáo dục xã hội. Theo đó, từ sau ngày 15/3/2022, tất cả các nhân viên làm việc tại các cơ sở này phải có chứng nhận tiêm vaccine phòng Covid-19, ngoại trừ những người vì lý do sức khỏe không thể tiêm vaccine.

Các biện pháp phòng dịch - vốn đã được lược bỏ trong lần sửa đổi luật trước, sẽ được áp đặt trở lại. Theo đó, thời gian tới, tất cả các cơ sở kinh doanh ăn uống, quán bar, câu lạc bộ, vũ trường, cơ sở giải trí và văn hóa đều có thể bị đóng cửa, tùy tình hình dịch bệnh. Các hội chợ thương mại hoặc hội nghị, hội thảo cũng có thể bị cấm tổ chức. Các địa phương được phép bổ sung và mở rộng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ hơn.

Để tăng nhanh tỷ lệ tiêm chủng, luật mới quy định bác sĩ, dược sĩ, bác sĩ thú y và nha sĩ cũng được phép tiêm phòng vaccine Covid-19 cho những người từ 12 tuổi trở lên trong một khoảng thời gian nhất định, với điều kiện họ phải được đào tạo và có không gian phù hợp dành cho hoạt động tiêm chủng hoặc tham gia các đội tiêm chủng lưu động.

Theo tân Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của chính phủ liên bang mới tại Đức, trong đó ưu tiên cao nhất là bảo vệ sức khỏe người dân. Ông khẳng định, chính phủ liên bang "sẽ làm mọi cách để có thể nhanh chóng kết thúc cuộc khủng hoảng này".

Theo ông, mục tiêu của lần sửa đổi luật bảo vệ chống lây nhiễm này là phá vỡ làn sóng thứ tư của đại dịch và ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới Omicron.

Luật sửa đổi sẽ được trình lên Hội đồng Liên bang để xem xét thông qua.