Cùng cả nước, vì cả nước
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Hiệp định Genève được ký kết, dòng sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17, chảy giữa lòng Quảng Trị thân thương được xác định giới tuyến quân sự tạm thời, sau 2 năm tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Thế nhưng đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã phá vỡ Hiệp định Genève. Kể từ đây, Quảng Trị lại cùng cả nước, vì cả nước thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng miền bắc xã hội chủ nghĩa.
Vĩnh Linh, mảnh đất phía bắc vĩ tuyến 17 trở thành khu vực trực thuộc Trung ương, tiền đồn của miền bắc xã hội chủ nghĩa, hân hoan mừng quê hương giải phóng, tập trung quy hoạch ruộng vườn dồn điền đổi thửa, xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới với những kết quả bước đầu đáng khích lệ…
Khi đế quốc Mỹ và quân đội chính quyền miền nam cũ tấn công phá hoại ra miền bắc, Vĩnh Linh là nơi đụng đầu quyết liệt giữa hai thế lực ta và địch. Quân và dân Vĩnh Linh vừa tổ chức chiến đấu vừa xây dựng làng hầm chiến đấu và bảo vệ nhân dân mà tiêu biểu là địa đạo Vịnh Mốc. Cùng với đó, các chiến dịch K8, K10 sơ tán hàng chục nghìn người già, trẻ em ra miền bắc… Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, Vĩnh Linh đã được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, Bác Hồ 8 lần gửi thư khen ngợi.
Ở phía nam vĩ tuyến 17, Quảng Trị trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ cứu nước đã trở thành một chiến trường rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự, ngoại giao… đối với miền nam cũng như cả nước. Được sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ Quảng Trị tập trung xây dựng tổ chức Đảng ở chiến khu và trong lòng địch, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… củng cố niềm tin trong cán bộ nhân dân theo lời Bác Hồ dạy: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nam Bắc một nhà”.
Đảng bộ Quảng Trị đã lãnh đạo đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Genève, tiếp thu “Đề cương Cách mạng miền nam”, tiếp thu Nghị quyết 15 và Nghị quyết Đại hội III của Đảng. Đặc biệt Đảng bộ Quảng Trị lãnh đạo các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang liên tiếp giành nhiều thắng lợi quan trọng trong giai đoạn 1960-1965; 1965-1968 và 1970, góp phần buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán Paris.
Sau thắng lợi của Chiến lược Đường 9 - nam Lào 1971, Quảng Trị đã tổ chức tấn công địch trên các mặt trận, chuẩn bị lực lượng phối hợp quân chủ lực thực hiện cuộc tổng tấn công chiến lược năm 1972, mở đầu là chiến thắng và giải phóng hoàn toàn các huyện Gio Linh, huyện Cam Lộ ngày 2/4/1972, xóa sổ hàng rào điện tử, con mắt thần Mc Namara tại Dốc Miếu, Gio Linh; tiến công giải phóng Đông Hà ngày 28/4/1972; Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Hải Lăng ngày 29-30/4/1972 và giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972. Sự kiện giải phóng Quảng Trị năm 1972 góp phần làm nên thắng lợi của ta tại Hội nghị Paris dẫn đến ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Sau ngày giải phóng Quảng Trị 1/5/1972, quân và dân Quảng Trị thực hiện chính sách đối với vùng giải phóng; tiếp tục đấu tranh chống quân đội chính quyền miền nam cũ được giúp sức của Mỹ phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị và Thành Cổ Quảng Trị, nổi bật là chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6-16/9/1972).
Khi thế và lực thay đổi, thời cơ chín muồi, Quảng Trị cùng cả nước dốc sức tiến hành chiến dịch giải phóng miền nam thắng lợi bằng đại thắng Mùa xuân 1975, giang sơn thu về một mối, đất nước hòa bình, thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thời kỳ đất nước thống nhất hòa bình. Suốt 13 năm (1976-1989) cùng mái nhà chung Bình Trị Thiên, với 4 đơn vị hành chính cấp huyện Bến Hải, Triệu Hải, Đông Hà, Hướng Hóa. Quảng Trị tiến hành 5 mục tiêu lớn với 5 mũi tiến công, phát huy 4 thế mạnh và 3 cuộc vận động lớn, thực hiện chính sách người có công với cách mạng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quốc phòng-an ninh; thực hiện có hiệu quả 3 kế hoạch 5 năm 1976-1980; 1980-1985; 1985-1990 của tỉnh Bình Trị Thiên mà tiêu biểu là các công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn, quy hoạch di dân xây dựng các vùng kinh tế mới, cải tạo công thương nghiệp, xây dựng hợp tác xã, các công trình quốc phòng-an ninh, phòng thủ địa phương, nhất là phòng thủ bờ biển đi đôi động viên con em quê hương xung phong nhập ngũ bảo vệ biên giới phía bắc, Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả tại hai nước bạn Lào và Campuchia.
Tỉnh quy hoạch, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ để quy tập, an táng, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh trên địa bàn Quảng Trị.
Phát triển bền vững trên 3 trụ cột
Đến nay, Quảng Trị đã tập trung quy hoạch, định vị lại đơn vị hành chính cấp huyện với 10 đơn vị, từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại du lịch, nước sạch và môi trường, khu công nghiệp, khu kinh tế, văn hóa thể thao, đô thị và nông thôn.
Các công trình thủy lợi như Bảo Đài, Trúc Kinh, đập ngăn mặn Việt Yên, thủy lợi, thủy điện Rào Quán, đá mài Tân Kim, Sa Lung… được xây dựng và phát huy hiệu quả cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huyện Cam Lộ và trên 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng phấn đấu hoàn thành mục tiêu nông thôn mới trước năm 2025.
Khu vực “tam nông” có bước chuyển mình đáng kích lệ. Công nghiệp, dịch vụ, du lịch được xác định đột phá thông qua phát triển các Khu Kinh tế Đông Nam, Nam Đông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá, Khu công nghiệp Quảng Trị và hàng chục cụm công nghiệp, làng nghề; phát triển công nghiệp điện năng, trong đó năng lượng tái tạo gần 1.000 MW…
Tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư, bổ sung quy hoạch để phát triển điện khí hóa lỏng, nhiệt điện than, điện gió phía tây và ngoài khơi Quảng Trị… Công nghiệp chế biến gỗ, bia rượu, nước giải khát, may mặc, tinh bột sắn, săm lốp ô-tô, mủ cao su, hồ tiêu, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, dược liệu phát triển mạnh… Tỉnh hướng tới phát triển du lịch, dịch vụ thương mại trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch tưởng niệm, ước nguyện hòa bình, nâng cấp hạ tầng du lịch, tổ chức lễ hội vì hòa bình, lễ hội của các tôn giáo tại Nhà thờ La Vang, Chùa Sắc Tứ…, du lịch biển đảo, du lịch tiểu vùng khí hậu Sa Mù và các điểm du lịch sinh thái…
Thành quả được kể đến là phát triển giáo dục đào tạo, Quảng Trị vừa coi đây là mục tiêu dựa trên truyền thống hiếu học “trên lưng trâu tay cầm sách học”, vừa tạo động lực cho sự phát triển. Nhờ vậy giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn cũng như công tác hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng đội ngũ nhà giáo, học sinh giỏi trong các kỳ thi quốc gia, đường lên đỉnh Olympia, hội thi kỹ thuật trong và ngoài nước đều đạt kết quả tích cực.
Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc người có công thiết thực, ý nghĩa và hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân gắn với phát triển phong trào thể dục thể thao… luôn được chú trọng. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm lo người nghèo, người yếu thế trong xã hội, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô có những chuyển biến tích cực.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng trận địa lòng dân với sự vững chắc của khu vực phòng thủ được tăng cường. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, thực hiện đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội… Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được quan tâm đặc biệt và đạt được những kết quả quan trọng.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn thách thức, nhưng có thể khẳng định rằng sau nửa thế kỷ được giải phóng, nhất là sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Quảng Trị đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, thời cơ, vận hội và tích cực tham gia công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng lãnh đạo, Quảng Trị đã đạt được trình độ phát triển trung bình của cả nước.
Trong thời gian tới, Quảng Trị tập trung hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để phát triển bền vững trên 3 trụ cột: Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế; công nghiệp, trong đó công nghiệp năng lượng là đột phá, du lịch là mũi nhọn. Thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm hệ thống kết cấu hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế, nhất là chính sách địa phương để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ các điều kiện pháp lý, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án lớn như sân bay, cảng biển, dự án phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ… sớm được triển khai.
Tỉnh tiếp tục khơi dậy và phát huy nguồn lực con người trong quá trình phát triển gắn với thu hút các dự án đầu tư xanh, bảo vệ môi trường gắn với phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, chú trọng nâng cao sức khỏe, thể lực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, xây dựng sự đồng thuận của người dân trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Trị anh hùng, với những gì đã làm được và những gì có được sau nửa thế kỷ giải phóng quê hương, đổi mới và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền và quân dân Quảng Trị với sức mạnh niềm tin, quyết tâm, khát vọng phát triển, sẽ đưa Quảng Trị tiến kịp đà phát triển chung của bạn bè trong khu vực và cả nước.