Quảng Trị chú trọng giải quyết việc làm cho lao động

Giải quyết việc làm, trong đó có xuất khẩu lao động là nội dung quan trọng được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Phấn đấu hằng năm số lao động Quảng Trị được tạo việc làm mới bình quân hơn 12 nghìn người.
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo kỹ năng nghề cho học viên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị.
Đào tạo kỹ năng nghề cho học viên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị.

Bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng phòng Lao động-Việc làm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Trị cho biết, nổi bật trong công tác giải quyết việc làm là huyện Triệu Phong đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn thành thủ tục cho thuê đất, giải phóng, bàn giao mặt bằng để triển khai hoàn thiện dự án xây dựng Nhà máy lắp ráp điện tử Sangshin Electronics tại Cụm công nghiệp Đông Ái Tử, thị trấn Ái Tử.

Hiện tại nhà máy đang đào tạo kỹ năng cho các lao động và bắt đầu vận hành thử nghiệm, sau 2 tháng nữa sẽ chính thức đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương. Dự kiến giai đoạn 2 của nhà máy sẽ tiến hành xây dựng vào năm 2024, chính thức đi vào vận hành từ tháng 1/2025, giải quyết việc làm thêm 200 lao động nữa.

Đây là dự án đầu tiên được triển khai xây dựng nhanh nhất, sớm đi vào hoạt động nhất tại tỉnh Quảng Trị. Thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn tích cực tham gia giải quyết việc làm cho người lao động. Sáu tháng đầu năm 2023, các đơn vị giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lượt lao động, trong đó xuất khẩu hơn 600 lao động sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Bà Nguyễn Ngọc Hà, Phó Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các nước có nhu cầu tiếp nhận lao động rất lớn. Từ đầu năm 2023 đến nay, riêng trung tâm đã đào tạo được 350 học viên để cung ứng nguồn đi lao động nước ngoài. Cũng thời gian nêu trên, tại trung tâm đã có 290 người được xuất cảnh đi lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Trên địa bàn tỉnh còn hơn 1.000 lao động đã được trung tâm đào tạo, hiện đang chờ các doanh nghiệp phỏng vấn, ký hợp đồng đưa đi làm việc ở nước ngoài. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2023, trung tâm sẽ đào tạo đáp ứng 100% nguồn lực lao động đi làm việc nước ngoài mà tỉnh đề ra.

Phần lớn lao động người Quảng Trị đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có đức tính cần cù, tay nghề khéo léo, luôn chấp hành tốt nội quy của doanh nghiệp quản lý và pháp luật của nước sở tại. Do vậy, nhiều lao động khi hết hạn làm việc, về nước lại tiếp tục nhận được thư mời trở lại làm việc.

Anh Nguyễn Ngọc Tài, sinh năm 1992 ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài. Sau khi hết hợp đồng lao động 5 năm trong lĩnh vực công nghiệp ở Hàn Quốc, anh tiếp tục được doanh nghiệp mời ở lại lao động đợt thứ 2.

Hiện anh Tài đang có năm thứ 6 lao động ở Hàn Quốc với thu nhập trung bình mỗi tháng 70 triệu đồng. Quảng Trị có rất nhiều người do trung tâm đào tạo rồi đưa đi lao động nước ngoài theo hợp đồng thành công như anh Tài. Hằng ngày, tại trung tâm có nhiều người đến đăng ký học để đi xuất khẩu lao động.

Ông Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, cùng với quan tâm thị trường lao động trong nước, sở tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững; đồng thời giúp lao động tiếp thu được những tiến bộ của khoa học, công nghệ ở các nước phát triển, trở về ứng dụng hiệu quả tại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Giải bài toán tạo nguồn lao động, giải quyết việc làm, trong đó có lao động cung ứng cho thị trường ngoài nước đã và đang trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu của tỉnh Quảng Trị.

Để công tác này ngày càng tốt hơn, cơ quan chức năng liên quan cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề theo hướng tập trung đào tạo giáo viên các ngành nghề mà thị trường lao động trong và ngoài nước có nhu cầu lớn; tạo mọi điều kiện hỗ trợ các cơ sở đào tạo phát huy hiệu quả, cung ứng đủ nguồn lao động, nhằm đưa cơ hội việc làm với mức lương tốt đến với nhiều học viên hơn nữa.

Mặt khác, bản thân các học viên cũng cần nhìn nhận rõ cơ hội cọ xát nghề nghiệp khi được làm việc tại các thị trường lao động chất lượng sẽ tích lũy kiến thức, kỹ năng, ý thức và tác phong làm việc chuyên nghiệp để có thể tự tin và thành công ở bất cứ thị trường lao động nào.