Tăng tuyến vận tải hành khách quốc tế
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, giữa địa phương này và Việt Nam vừa điều chỉnh bổ sung 1 cặp cửa khẩu thông hành phương tiện vận tải đường bộ quốc tế Ái Điểm (Trung Quốc) - Chi Ma (Việt Nam) và 10 tuyến vận tải hành khách đường bộ quốc tế.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, với việc đạt được thỏa thuận về việc bổ sung các tuyến vận tải hành khách đường bộ quốc tế và cửa khẩu thông hành phương tiện vận tải đường bộ quốc tế Trung Quốc-Việt Nam giữa ngành giao thông-vận tải hai bên, tổng số tuyến vận tải đường bộ quốc tế kết nối Quảng Tây với Việt Nam đã tăng từ 20 tuyến năm 2011 lên 30 tuyến hiện nay. Số cặp cửa khẩu thông hành phương tiện vận tải đường bộ quốc tế cũng tăng lên 5 cặp.
Theo đánh giá, là 1 trong 2 địa phương giáp với Việt Nam, với tuyến biên giới tương đối dài, Quảng Tây sở hữu các cửa khẩu quan trọng như Hữu Nghị Quan (Hữu Nghị, Lạng Sơn), Đông Hưng (Móng Cái, Quảng Ninh) là các tuyến đường thuận tiện kết nối Trung Quốc với các quốc gia ASEAN.
Nhiều năm qua, nhờ lợi thế vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, Quảng Tây đã cùng với các địa phương Việt Nam tìm tòi, đổi mới mô hình phát triển, mở cửa khu vực biên giới, hình thành mối quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại rất khăng khít.
Theo thỏa thuận đạt được giữa hai bên, trong 10 tuyến vận tải hành khách đường bộ quốc tế bổ sung lần này, có 5 tuyến xuất phát từ các thành phố Nam Ninh, Sùng Tả, Phòng Thành Cảng của Quảng Tây; 5 tuyến còn lại đi qua Quảng Tây, có điểm xuất phát ở các thành phố lớn trong nội địa Trung Quốc như: Quảng Châu, Thâm Quyến, Côn Minh, Trùng Khánh, sẽ tạo thuận lợi lớn cho việc kết nối giao thông-vận tải, thúc đẩy giao lưu, trao đổi của người dân.
Kết nối cả đường bộ và đường sắt
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Quảng Tây giai đoạn 2018-2030, sẽ có tổng cộng 13 tuyến đường bộ cao tốc kết nối trực tiếp đến các cửa khẩu biên giới giáp với Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 5 tuyến đã xây dựng xong là tuyến cao tốc Nam Ninh-Bằng Tường-Hữu Nghị Quan kết nối với tỉnh Lạng Sơn (đưa vào sử dụng năm 2005), tuyến cao tốc Phòng Thành-Đông Hưng kết nối với tỉnh Quảng Ninh (năm 2013), các tuyến cao tốc Tĩnh Tây-Long Bang, Sùng Tả-Thủy Khẩu kết nối với tỉnh Cao Bằng (các năm 2018, 2019). Mới đây nhất là tuyến cao tốc Đại Tân-Long Châu-Bằng Tường kết nối với tỉnh Lạng Sơn, đưa vào sử dụng tháng 1/2023.
Địa phương này đang xây dựng 8 tuyến đường bộ cao tốc khác kết nối trực tiếp đến các cửa khẩu biên giới với Việt Nam.
Theo kế hoạch, năm 2023, Quảng Tây sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng đường bộ cao tốc để hướng tới hành lang quốc tế ASEAN, nhất là thúc đẩy tiến độ các dự án kết nối giao thông với Việt Nam ở phía Trung Quốc, tích cực xúc tiến quy hoạch và xây dựng các tuyến đường bộ phía Việt Nam để liên thông với Quảng Tây; hình thành bố cục mạng lưới đường bộ kết nối Trung Quốc-Việt Nam.
Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối đường sắt, nhất là dự án xây dựng tuyến đường sắt Sùng Tả-Bằng Tường là một trong những trọng tâm xây dựng hạ tầng giao thông của Quảng Tây trong năm 2023.
Hiện nay, mới chỉ có duy nhất 1 tuyến đường sắt kết nối Quảng Tây với ASEAN, do vậy địa phương này đang quy hoạch 3 tuyến đường sắt để hình thành trung tâm kết nối đường sắt.
Cụ thể, tuyến phía bắc sẽ kết nối Nam Ninh, Tĩnh Tây, Long Bang với tỉnh Thái Nguyên và thành phố Hà Nội; tuyến giữa sẽ kết nối Nam Ninh, Bằng Tường với Đồng Đăng và Hà Nội; tuyến phía nam kết nối Nam Ninh, Khâm Châu, Cảng Phòng Thành, Đông Hưng với các thành phố Hải Phòng, Hà Nội.
Trong 3 tuyến đường sắt trong quy hoạch này, phía Trung Quốc hiện đang xây dựng 2 tuyến là tuyến đường sắt cao tốc Nam Ninh-Bằng Tường và tuyến đường sắt Cảng Phòng Thành-Đông Hưng.
Trong đó, tuyến đường sắt cao Nam Ninh-Bằng Tường được xác định là tuyến vận tải quốc tế quan trọng giữa Trung Quốc và ASEAN, kết nối thủ phủ Quảng Tây và thành phố cửa khẩu biên giới Trung Quốc-Việt Nam, với chiều dài 201km, vốn đầu tư 3,3 tỷ nhân dân tệ, dự kiến thông xe vận hành năm 2025. Tuyến Cảng Phòng Thành-Đông Hưng có chiều dài 47,6km, vốn đầu tư 1,8 tỷ nhân dân tệ, dự kiến xây dựng xong trong năm 2023.
Khai thác lợi thế là địa phương liền kề với Việt Nam, Quảng Tây đang hướng tới mục tiêu xây dựng mạng lưới giao thông kết nối toàn diện cả về đường bộ và đường sắt, nâng cao khả năng tiếp cận và phục vụ vận tải hành khách và giao thương hàng hóa, nhằm hình thành hành lang kết nối giữa Trung Quốc và ASEAN.