Sau ba năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, năm 2023, Hội xuân Yên Tử được diễn ra với đầy đủ phần lễ và phần hội. Trong đó phần lễ khai hội với các nghi thức, như: Gióng trống, thỉnh chuông khai hội; các nghi lễ tâm linh (dâng lễ, lễ cầu Quốc thái Dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử). Trong đó phần lễ khai hội với các nghi thức, như: Gióng trống, thỉnh chuông khai hội; các nghi lễ tâm linh (dâng lễ, lễ cầu Quốc thái Dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử).
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy gióng trống khai Hội xuân Yên Tử 2023. |
Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, Yên Tử luôn ấp ủ trong mình hồn thiêng văn hóa Việt, bởi nơi đây ông cha ta đã để lại di sản là hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng nghìn di vật cổ chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt. Tinh thần Phật giáo của Thiền Phái Trúc Lâm vẫn còn sống mãi trong nền văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật nhất là tinh thần nhập thế, giao thoa sống động giữa đời và đạo. Với những giá trị văn hóa tinh thần to lớn đó, ngày nay, Yên Tử đã trở thành báu vật vô giá và là niềm tự hào không chỉ của người dân Quảng Ninh mà là của cả dân tộc.
Lễ hội xuân Yên Tử năm nay bên cạnh việc tổ chức theo lễ hội truyền thống hằng năm mang tầm vóc lễ hội quốc gia, còn có nhiều điểm mới như: các hoạt động tâm linh ban đêm, Lễ cầu an, lễ chúc phúc còn kết hợp với một số tổ chức hình thành các chương trình về nguồn nhiều ý nghĩa.
Các đại biểu dâng hương cầu quốc thái dân an. |
Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội năm nay hứa hẹn mang đến cho du khách không khí xuân mới, vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; trưng bày tranh, ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; văn hóa Ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử.
Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí Phạm Tuấn Đạt cho biết, trong ngày diễn ra Lễ khai hội, lượng khách hành hương về Yên Tử rất đông do vậy công tác bảo đảm an toàn giao thông phải được đặt lên hàng đầu. Các nghi lễ diễn ra trong Lễ khai hội cần gọn nhẹ nhưng vẫn bảo đảm trang trọng và trang nghiêm. Có thể khẳng định, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất chu đáo, các lực lượng đã được huy động bảo đảm giữ an toàn tuyệt đối suốt mùa hội.
Theo đó, thành phố yêu cầu Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm và các đơn vị liên quan cần bảo đảm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác y tế, an ninh trật tự, tuyên truyền trực quan. Đặc biệt, đồng chí Phạm Tuấn Đạt lưu ý khu vực lễ đài - nơi diễn ra Lễ khai Hội xuân Yên Tử cần trang trí khánh tiết, trang hoàng mang đậm nét văn hóa. Dọc các tuyến đường từ Dốc Đỏ đến khu trung tâm diễn ra Lễ hội cần bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho du khách đi tham dự lễ hội được thuận tiện.
Sau lễ hội đông đảo các tăng ni, phật tử và du khách hành hương lên chùa Đồng Yên Tử. |
Trong 6 ngày Tết, Khu di tích Yên Tử đã đón số lượng khách du xuân, lễ Phật với gần 80 nghìn lượt khách, tăng 49% so cùng kỳ năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19, khẳng định Uông Bí tiếp tục là Trung tâm du lịch tâm linh của tỉnh Quảng Ninh; đồng thời góp phần xây dựng Uông Bí thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước.