Quảng Ngãi: Xã nông thôn mới… đặc biệt khó khăn

NDO -

Cách nhau 3 tháng, nhưng xã nông thôn mới của huyện miền núi Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi nhận được 2 quyết định là xã nông thôn mới, vừa là xã đặc biệt khó khăn. Sự bất nhất này khiến địa phương, sở, ngành tỉnh Quảng Ngãi lúng túng, ảnh hưởng đến triển khai chính sách cho học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số ở cơ sở.

Cô giáo Trường tiểu học Thanh An hướng dẫn học sinh tại các điểm trường trong thôn.
Cô giáo Trường tiểu học Thanh An hướng dẫn học sinh tại các điểm trường trong thôn.

Một xã áp dụng hai chính sách

Là xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm trước 330 học sinh Trường tiểu học Thanh An ở xã Thanh An, huyện Minh Long được hưởng chính sách bảo hiểm y tế. Thế nhưng năm 2021, học sinh không còn hưởng chính sách này vì xã Thanh An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Không còn hưởng chính sách hỗ trợ, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của học sinh chỉ đạt 15%. Là nơi có 90% dân tộc thiểu số Hre, cuộc sống người dân dựa chính vào trồng keo, nuôi trâu, nhiều gia đình chưa có điều kiện nên việc vận động mua thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh của các trường gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2021, xã Thanh An được công nhận là xã khu vực III, đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và 330 học sinh Trường tiểu học Thanh An cùng học sinh các bậc học tại địa phương tiếp tục được hưởng bảo hiểm y tế theo diện xã đặc biệt khó khăn.

Cô Hồ Thị Hoài Thương, Hiệu phó Trường tiểu học Thanh An cho biết, không chỉ vướng về bảo hiểm y tế, nhiều chính sách hỗ trợ cho con em học sinh miền núi hiện vẫn chưa thể thực hiện được. Theo quy định, đối với học sinh các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi học xa được hỗ trợ mỗi tháng 15kg gạo; hỗ trợ tiền ăn, nhà ở 50% mức lương tối thiểu, tương ứng 745 nghìn/tháng. Đối với các xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, học sinh dừng hưởng các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện xã Thanh An vừa là xã nông thôn mới, vừa là xã đặc biệt khó khăn nên nhà trường kiến nghị áp dụng chính sách hỗ trợ để vận động các em học sinh bám trường lớp.

“Trường có 30 em học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ nhưng hiện nhà trường vẫn chờ ý kiến của ngành chức năng. Chúng tôi kiến nghị cấp chi phí hỗ trợ cho các em nhưng chưa được phê duyệt. Lo lắng nhất là ở vùng sâu vùng xa này việc vận động các em bám trường lớp rất khó. Giờ không còn hỗ trợ nữa thì trở ngại còn nhiều hơn”, cô Hồ Thị Hoài Thương, Hiệu phó Trường tiểu học Thanh An tâm tư.

Xã Thanh An đạt chuẩn nông thôn mới, gia đình anh Đinh Văn Xe ở thôn Đồng Vang, xã Thanh An không còn được hưởng chính sách bảo hiểm y tế. Sinh sống chính nhờ trồng keo và làm thuê, dịch Covid-19 khiến anh càng khó khăn hơn. Dành dụm tiền, anh Xe cố gắng mua thẻ bảo hiểm y tế cho con trai lớn đang học lớp 12, còn vợ chồng anh cùng con nhỏ không có bảo hiểm y tế. “Từ đầu năm giờ mình không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng 10 ngày trước xã cấp lại rồi, vì xã mình ở vẫn khó khăn nên dân được hưởng lại. Có bảo hiểm thì mừng chứ nhưng nếu tự mua cả nhà thì mình không đủ tiền. Con cái học hành, vở sách, quần áo mà đi làm thuê thì ít việc quá”, anh Đinh Văn Xe than thở.

Lúng túng trong triển khai chính sách, vận động người dân

Theo Quyết định 91/QĐ-UBND ngày 17/1/2020 và Quyết định 301/QĐ-UBND ngày 2/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, hai xã miền núi Long Sơn và Thanh An, huyện Minh Long được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để có được kết quả này, 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới như hạ tầng, giao thông, thu nhập của người dân, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường… đều đạt chuẩn theo quy định.  

Được công nhận xã nông thôn mới tháng 3/2021 thế nhưng 3 tháng sau, xã nông thôn mới Thanh An tiếp tục được phê duyệt là xã đặc biệt khó khăn và được hưởng các chính sách hỗ trợ diện đặc biệt khó khăn. Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy Ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn; tỉnh Quảng Ngãi có 241 thôn thuộc 239 xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, huyện Minh Long có 19 thôn của 4 xã diện đặc biệt khó khăn và 6 thôn của xã nông thôn mới Thanh An đều là xã đặc biệt khó khăn.

Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025, xã khu vực III đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên; hoặc hộ nghèo 15% đến dưới 20% và một trong các điều kiện là 60% hộ nghèo dân tộc thiểu số, 80% lao động chưa qua đào tạo, 50% đường giao thông chưa nhựa hóa, bê-tông hóa…

Cùng lúc là xã nông thôn mới và xã đặc biệt khó khăn nên việc triển khai các chính sách cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh gặp nhiều vướng mắc, lúng túng.

Toàn xã Thanh An, huyện Minh Long có 3.600 người dân, với 95% là đồng bào dân tộc H’Re. Về đích nông thôn mới đồng nghĩa với việc các chính sách về hỗ trợ hộ nghèo, bảo hiểm y tế, giáo viên, học sinh miền núi… dừng thực hiện. Tuy nhiên, dù nỗ lực vận động nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân chỉ đạt 15-20%, các biện pháp hỗ trợ cho người dân làm ăn, tăng thu nhập cũng khó khăn hơn.

Chủ tịch UBND xã Thanh An Đinh Ê Hoàng cho biết, xét tổng thể các tiêu chí thì xã vẫn còn khó khăn. “Chính sách xã nông thôn mới ngược hoàn toàn với chính sách xã đặc biệt khó khăn. Hiện người dân tự nguyện mua bảo hiểm y tế thấp nên chúng tôi xin huyện, sở ngành áp dụng chính sách xã đặc biệt khó khăn để cấp cho dân. Còn các chính sách về hỗ trợ cho học sinh miền núi, công chức, giáo viên, hộ dân làm kinh tế… vẫn chưa biết áp dụng theo diện xã nông thôn mới hay đặc biệt khó khăn. Vướng mắc tới đâu chúng tôi kiến nghị tới đó”.

Xã đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách an sinh xã hội về hỗ trợ đất nhà ở, đất sản xuất, vay vốn sản xuất, bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, đào tạo nghề, được đầu tư cơ sở hạ tầng… Trong khi đó, xã đạt chuẩn nông thôn mới phải dừng hưởng các chính sách này. Vì vậy, chính quyền địa phương nhiều khó khăn khi vận động người dân.

Cùng là xã nông thôn mới nhưng người dân xã Long Sơn, huyện Minh Long không được hưởng các chính sách hỗ trợ. Chị Đinh Thị Sen, trưởng thôn Diên Sơn, xã Long Sơn chia sẻ “Cũng nhiều bà con thắc mắc, xã Thanh An bên cạnh nông thôn mới nhưng được hưởng về y tế, con em học sinh sẽ được hưởng hỗ trợ gạo vì là xã khó khăn, trong khi ở đây lại không được. Bà con thắc mắc, tâm tư nên chúng tôi cũng cố gắng giải thích nhưng chưa thỏa được”.

Trước những bất cập, vướng mắc này, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Ủy ban Dân tộc hướng dẫn cụ thể về chính sách để tránh chồng chéo. “Chúng tôi đã có văn bản gửi Ủy ban Dân tộc để xin ý kiến tháo gỡ. Đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì có được tiếp tục hưởng các chính sách áp dụng đối với thôn đặc biệt khó khăn hay không. Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên địa phương, cơ sở đang chờ”, ông Nguyễn Thế Nhân, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho hay.

Tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Sự chồng chéo này chưa tháo gỡ ảnh hưởng đến các chính sách an sinh, đầu tư trợ lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới. “Các chương trình mục tiêu cho xã miền núi giai đoạn mới đang được triển khai. Chúng tôi mong tháo gỡ, phân định sớm để xác định thôn, xã, đối tượng trong chương trình mục tiêu. Cũng mong duy trì các chính sách an sinh cho đồng bào thiểu số như y tế, học sinh miền núi, hỗ trợ sản xuất cho bà con được hưởng phù hợp, kịp thời hơn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Nguyễn Văn Bảy kiến nghị.