Quảng Ngãi đặt mục tiêu phát triển thủy sản bền vững

NDO -

Với mục tiêu phát triển kinh tế biển đồng bộ cả nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản theo hướng bền vững, phấn đấu trở thành một tỉnh mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổ chức lại hoạt động khai thác là yêu cầu bức thiết để Quảng Ngãi hướng đến phát triển thủy sản bền vững.
Tổ chức lại hoạt động khai thác là yêu cầu bức thiết để Quảng Ngãi hướng đến phát triển thủy sản bền vững.

Theo đó, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững toàn diện các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và xây dựng hạ tầng kết cấu nghề cá theo hướng bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường, phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hóa mạnh, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phòng chống thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất thủy sản; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng ngư dân và những người lao động thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc phòng trên các vùng biển và hải đảo.

Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng thủy sản khai thác, nuôi trồng hằng năm khoảng 275 nghìn tấn. Giá trị sản xuất thủy sản đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 5-6%/năm.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra định hướng phát triển theo từng lĩnh vực, gồm: Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác và nuôi trồng thủy sản; chế biến và thương mại thủy sản; cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Quảng Ngãi đặt mục tiêu phát triển thủy sản bền vững -0
Kinh tế thủy sản có bước tăng trưởng khá nhưng chưa có sự gắn kết, thúc đẩy nhau cùng phát triển.  

Đồng thời, đề ra các giải pháp chủ yếu như: Phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực chế biến thủy sản, năng lực phòng, chống dịch và bảo vệ môi trường; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ và xây dựng một số chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Trong đó, đặc biệt chú trọng các chính sách về chuyển đổi nghề khai thác thủy sản; khuyến khích ngư dân tham gia hình thành các mô hình tổ chức tập thể, doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ, viễn dương; hỗ trợ ngư dân đào tạo nghề phục vụ hoạt động khai thác hải sản xa bờ, viễn dương; hỗ trợ, khuyến khích nuôi trồng thủy sản trên biển; khuyến khích phát triển chế biến thủy sản xuất khẩu gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, góp phần tăng nhanh giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh…

Theo tính toán của UBND tỉnh Quảng Ngãi, ước tính nhu cầu vốn để triển khai thực hiện Chương trình phát triển thủy sản bền vững tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030 là hơn 2.573 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 1.949 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 624 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn trên phần lớn dành cho lĩnh vực khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Được biết, Quảng Ngãi là một trong những địa phương có đội tàu cá hùng hậu trên cả nước. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 4.587 chiếc tàu cá với hơn 38.000 ngư dân trực tiếp sản xuất trên biển.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, trong những năm qua, kinh tế thủy sản ở Quảng Ngãi có bước tăng trưởng khá trên cả 3 lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến. Trong đó, chuyển dịch phát triển khai thác thủy sản theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác ven bờ, cho nên sản lượng khai thác tăng dần qua các năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế thủy sản của Quảng Ngãi còn có một số hạn chế. Đó là, hình thức tổ chức quản lý sản xuất thủy sản còn mang tính tự phát, quy mô sản xuất hàng hóa còn nhỏ, trình độ công nghệ sản xuất chưa cao, giá trị kinh ngạch xuất khẩu thủy sản đạt thấp. Kinh tế thủy sản phát triển chưa toàn diện, các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến chưa có sự gắn kết, thúc đẩy nhau cùng phát triển hướng tới sự ổn định và bền vững.