Quảng Nam đẩy nhanh thi công các công trình giao thông trọng điểm

Nằm ở vùng trọng điểm kinh tế miền trung, Quảng Nam có đủ 5 phương thức vận tải, khai thác tương đối hiệu quả các lĩnh vực đường bộ, hàng không và cảng biển. Vài năm trở lại đây, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Khẩn trương thi công cầu Văn Ly vượt sông Thu Bồn.
Khẩn trương thi công cầu Văn Ly vượt sông Thu Bồn.

Để thực hiện hiệu quả công tác đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 22 của Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra, trong ba năm trở lại đây, ngoài việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển nối từ Hội An đến Chu Lai (huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam đã khởi công, xây dựng hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm, với tổng nguồn vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trong đó, có nhiều công trình có quy mô lớn như dự án liên kết vùng miền trung tỉnh Quảng Nam đi qua địa bàn 5 huyện (Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước và Bắc Trà My), tổng mức đầu tư 768 tỷ đồng; dự án cầu Văn Ly vượt sông Thu Bồn và đường dẫn, vốn đầu tư 575 tỷ đồng; dự án đường nối đường tỉnh 609C đến Quốc lộ 14B, vốn đầu tư 550 tỷ đồng,...

Tại huyện Đại Lộc, vùng “rốn lũ” của Quảng Nam, giữa tháng 8, trời nắng gay gắt, nhưng không khí thi đua trên công trình dự án đường nối đường tỉnh 609C đến Quốc lộ 14B đang khẩn trương. Các đơn vị thi công huy động phương tiện, đốc thúc công nhân nỗ lực hoàn thành hạng mục đường dẫn dài hơn 2,8 km vào cầu An Bình bắc qua sông Vu Gia. Đến nay, công trình cầu An Bình đã được hợp long, nhà thầu đang rốt ráo hoàn thiện các hạng mục còn lại.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Nguyễn Thanh Tâm cho biết, dự án đường nối đường tỉnh 609C đến Quốc lộ 14B được khởi công đầu năm 2022, tổng chiều dài gần 4 km; trong đó, cầu An Bình bắc qua sông Vu Gia dài hơn 1 km là hạng mục có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại huyện Đại Lộc.

Bí thư Huyện ủy Đại Lộc Nguyễn Hảo đánh giá, khi hoàn thành, công trình sẽ kết nối giao thông thuận tiện giữa các vùng của huyện Đại Lộc; từng bước xóa bỏ các bến đò ngang, xóa nỗi lo của người dân trong mùa mưa lũ. Thời gian qua, huyện Đại Lộc tập trung ưu tiên giải tỏa, đền bù, xây dựng các khu tái định cư để bố trí đất ở cho các hộ bị thu hồi đất, nhanh chóng bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2025).

​Cùng với cầu An Bình, những ngày này, dự án thi công xây dựng cầu Văn Ly vượt sông Thu Bồn và đường dẫn cũng đang được gấp rút thi công. Được khởi công ngày 16/9/2023, chiều dài 7,78 km, tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng, dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong tháng 3/2026. Tuy nhiên, do đây là công trình được chọn chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 23 (nhiệm kỳ 2025-2030), nên Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (nhà thầu thi công) đã tăng cường phương tiện, huy động thêm vật tư và nhân công.

Đến nay, cầu Văn Ly đã hoàn thành phần hạ bộ, đang được lao lắp dầm nhịp dẫn; đổ bê-tông bản mặt cầu, gờ chắn lan-can và chuẩn bị đúc hẫng các nhịp giữa. Dự kiến, đến giữa tháng 12/2024, nhà thầu sẽ hoàn thành hạng mục đúc hẫng các nhịp nằm giữa sông và phấn đấu hoàn thành công trình trong tháng 9/2025.

Thực tế tại các dự án trọng điểm của Quảng Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số công trình giao thông trọng điểm vẫn chậm tiến độ, khiến khối lượng thực hiện 6 tháng đầu năm chưa đạt kế hoạch đề ra. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Nguyễn Thanh Tâm cho biết, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng thực hiện chỉ đạt hơn 66,8% kế hoạch năm, giải ngân đạt 35,83% kế hoạch năm.

Hiện, khối lượng còn lại và kế hoạch vốn cần giải ngân trên địa bàn rất lớn, trong khi thời gian còn lại không nhiều, điều kiện thời tiết những tháng cuối năm không thuận lợi. Nguyên nhân chủ yếu là do việc bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm trễ; công tác nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng các công trình kéo dài. Một số dự án vướng mắc mặt bằng kéo dài, buộc tỉnh phải gia hạn tiến độ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Dũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương quán triệt, coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Theo đó, các cơ quan, đơn vị và địa phương cần bám sát kế hoạch, mục tiêu giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng, từng quý để tập trung chỉ đạo; khẩn trương hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

“Các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương cần rà soát tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công kịp thời; chủ động, linh hoạt điều chuyển vốn từ các hạng mục dự án không đủ điều kiện giải ngân hoặc giải ngân chậm, bổ sung ngay cho các dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn. Đơn vị nhà thầu huy động tối đa nhân lực, phương tiện và nguồn tài chính, tăng ca kíp đẩy nhanh tiến độ, đồng thời nhanh chóng thực hiện công tác nội nghiệp (hồ sơ hoàn công, nghiệm thu, thanh toán); cải cách thủ tục, giảm bớt các khâu để kịp thời giải ngân. Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình chậm tiến độ thực hiện giải ngân vốn, tiêu cực, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Dũng quyết liệt chỉ đạo.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch vốn đầu tư công, chủ động đề xuất lãnh đạo tỉnh các giải pháp thúc đẩy giải ngân. Sở Giao thông vận tải được giao phối hợp các đơn vị và huyện Núi Thành rà soát, nghiên cứu quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, tham mưu các nội dung liên quan, phấn đấu hoàn thành sớm công tác lập quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Chu Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các cơ quan, ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm cập nhật các quy hoạch, dự án trên địa bàn bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch ngành giao thông vận tải; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng kết nối liên vùng.