Quảng Bình siết chặt quản lý khai thác vật liệu xây dựng

NDO -

Ngày 23/3, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tại địa phương có hàng trăm mỏ đất “cải tạo tận thu”, mỗi năm, các cá nhân, tổ chức khai thác hàng trăm nghìn m3 đất, thậm chí còn lợi dụng khai thác quặng sắt, vật liệu xây dựng trái phép. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo kiểm soát chặt việc quản lý khai thác tài nguyên nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản, vật liệu trái phép.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình kiểm tra một mỏ đá xây dựng ở huyện Tuyên Hóa.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình kiểm tra một mỏ đá xây dựng ở huyện Tuyên Hóa.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 103 mỏ vật liệu xây dựng (chủ yếu là đá, cát và đất san lấp) được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác còn hiệu lực. Ngoài ra, có 30 mỏ đang làm thủ tục để được cấp giấy phép khai thác. Việc quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản tiết kiệm, hợp lý, đúng quy định đã tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có hàng trăm mỏ đất được cấp phép dưới dạng “cải tạo tận thu” với trữ lượng hàng trăm nghìn m3/năm. Trong khi chỉ có một số mỏ đất vật liệu xây dựng được cấp phép theo quy trình thì phần lớn mỏ đất cải tạo tận thu này chỉ được cấp phép trong thời gian 12 tháng; thủ tục cấp phép đơn giản và cũng không phải thực hiện quy trình đấu thầu như cấp mỏ đất vật liệu xây dựng.

Mỏ cải tạo đất cần làm bản cam kết bảo vệ môi trường khá đơn giản rồi có thể đào, vận chuyển đất bán nơi khác. Lợi dụng kẽ hở này nhiều cá nhân, tổ chức xin phép “cải tạo tận thu” rồi khai thác hàng trăm nghìn m3 để thu lợi. Thậm chí, tại 2 xã Đồng Hóa và Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa đã xảy ra tình trạng khai thác quặng sắt, đá trái phép.

Để siết chặt quản lý cũng như xử lý các trường hợp vi phạm, tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh, kiểm tra kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, giám sát công tác hoàn thổ sau khi dừng hoạt động, xem xét thu hồi giấy phép đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, Sở kiểm soát chặt chẽ việc quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Cùng với việc siết chặt quản lý khai thác vật liệu xây dựng, để chuẩn bị khối lượng lớn đất san lấp cho dự án cao tốc bắc-nam phía đông qua địa bàn và tuyến đường ven biển Quảng Bình, Sở Tài Nguyên và Môi trường Quảng Bình chủ động phối hợp các ngành, địa phương hoàn thành việc lập bản đồ phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên; Quy hoạch khoáng sản đất làm vật liệu san lấp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc làm này nhằm không để xảy ra tình trạng thiếu mỏ đất vật liệu san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm tại địa phương.