Vì thế, tỉnh Quảng Bình cần sớm thành lập Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn La để phục hồi và khai thác một cách bền vững nguồn lợi thủy sản ở đây.
Vùng biển giàu tiềm năng về thủy sản
Quảng Bình là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, có bờ biển dài 116 km. Ở vùng biển phía bắc của tỉnh có nhiều đảo nhỏ và hệ thống các bãi cạn, rạn ngầm, rạn san hô ven bờ thành môi trường sống cho các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá mú, hải sâm... Nhờ vậy, trên vùng biển vịnh Hòn La, người dân xã Quảng Ðông thường làm nghề lặn bắt tôm hùm trong các rạn san hô, trong các hang đá ven các đảo nhỏ gần bờ. Cùng với hải sản, các loại rong biển và thủy sinh khác nhờ rạn san hô mà sinh sôi. Từ đó, người dân vùng quê bên mái đèo Ngang có thêm nghề mới và duy nhất ở Quảng Bình, là nghề hái rong biển.
Với ngư dân trong khu vực, vịnh Hòn La không chỉ là “chiếc tổ” để tàu thuyền neo đậu an toàn trong mùa mưa bão, mà còn là vùng biển phù hợp để nuôi các loại thủy sản quý như tôm hùm, ốc hương, cá bớp..., góp phần thay đổi và nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống cho người dân. Anh Tưởng Văn Diện là người tiên phong nuôi cá bớp tại xã Quảng Ðông cho biết, sau một thời gian nuôi thử nghiệm, anh nhận thấy cá sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng biển Quảng Ðông, tỷ lệ sống đạt 90% cho nên anh quyết định đầu tư nuôi cá trên vịnh Hòn La.
Sau 7 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng từ 4-6kg/con, với giá bán 250.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu được gần 150 triệu đồng tiền lãi. Nhận thấy mô hình nuôi cá bớp của anh Diện hiệu quả, nhiều hộ dân tại địa phương cũng mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình. Hiện nay, toàn xã có khoảng 10 hộ liên kết nuôi cá bớp trên biển với 15 lồng nuôi, mỗi lồng khoảng 500 con. Bên cạnh cá bớp, mô hình nuôi nhuyễn thể mà chủ yếu là ốc hương và sò lụa trên biển cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Trong đó, mô hình nuôi sò lụa đang được người dân địa phương áp dụng với diện tích nuôi khoảng 10 ha. Năm 2022, Chi cục Thủy sản Quảng Bình triển khai hỗ trợ sau đầu tư mô hình nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE, qua đó tăng khả năng chống chịu với gió bão cao hơn lồng nuôi truyền thống, vấn đề mà người nuôi trồng thủy sản trên biển thường gặp phải.
Bảo vệ nguồn lợi để khai thác bền vững
Sự cố ô nhiễm môi trường biển năm 2016 tại bốn tỉnh miền trung đã ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu hải sản, các rạn san hô, thảm cỏ biển bị suy thoái với mức độ cao, hệ sinh thái thủy sinh biển ven bờ bị suy giảm trầm trọng, các bãi giống, bãi đẻ bị phá hủy, trữ lượng nguồn lợi thủy sản cũng như một số loài thủy sinh như san hô, rong biển, tôm hùm và các loài cá đáy có giá trị kinh tế phục hồi chậm, sinh kế người dân bị ảnh hưởng lớn.
Nhằm khắc phục sự cố môi trường biển, kịp thời khôi phục các hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ bốn tỉnh miền trung, duy trì phát triển sản xuất thủy sản bền vững, đầu tháng 5/2019 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định đầu tư dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá” và dự án “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản” tại bốn tỉnh miền trung. UBND tỉnh Quảng Bình cũng giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự án “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”, trong đó thiết lập cơ chế quản lý khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh Hòn La-Vũng Chùa.
Mục tiêu của dự án là tăng cường công tác bảo vệ nơi cư trú, tập trung sinh sản, bãi giống, bãi đẻ thủy sản; tổ chức khai thác, sử dụng chung bền vững nguồn lợi thủy sản; kết hợp hoạt động du lịch sinh thái gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ðối tượng bảo vệ là hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tại khu vực Hòn La-Vũng Chùa, trong đó tập trung bảo vệ 3 đối tượng chính là san hô, cỏ biển và tôm hùm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đã hợp đồng với đơn vị tư vấn tổ chức điều tra, thu thập các thông tin về nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái biển, nơi sinh sống của các loài để xác định các đối tượng được bảo vệ trong khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thu thập bản đồ địa giới hành chính, bản đồ phân chia vùng biển giữa UBND tỉnh Quảng Bình và UBND tỉnh Hà Tĩnh... để xác định ranh giới cụ thể khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các đơn vị tổ chức gặp gỡ, phỏng vấn cán bộ quản lý thủy sản và người dân sinh sống tại vùng biển ven bờ các xã Quảng Ðông, Quảng Phú, Cảnh Dương, Quảng Xuân về nhu cầu, nguyện vọng trong việc thành lập khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn La-Vũng Chùa. Ngày 8/5/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản bổ sung danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn La-Vũng Chùa vào danh mục Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cả nước.
Tuy nhiên, các bước tiếp theo về mặt thủ tục pháp lý để thành lập Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn La-Vũng Chùa từ phía UBND tỉnh Quảng Bình còn khá chậm. Mãi cho tới giữa tháng 6/2023, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Bình mới có ý kiến thống nhất chủ trương đồng ý thành lập Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn La-Vũng Chùa theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình.
Thực tế cho thấy, việc thành lập các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu cấm khai thác thủy sản có thời hạn không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hòa môi trường mà còn duy trì nguồn giống và nguồn lợi hải sản, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển bền vững kinh tế biển. Vì thế, tỉnh Quảng Bình cần xúc tiến sớm các bước tiếp theo để sớm thành lập Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn La-Vũng Chùa trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác trong khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời, cộng đồng ngư dân ven biển là chủ thể thực hiện việc bảo vệ, giám sát và cùng khai thác nguồn lợi có sự lựa chọn, tuân thủ các quy định để phát triển bền vững.