Quân và dân Hải Phòng góp sức làm nên chiến thắng

Những ngày cuối tháng 12 này, tại thành phố Hải Phòng nhộn nhịp các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng hào hùng của quân và dân Hải Phòng cùng Thủ đô Hà Nội và các địa phương miền bắc đã ngoan cường chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không".
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xem trưng bày chuyên đề "Điện Biên Phủ trên không - Bản hùng ca chiến thắng" tại Bảo tàng Hải Phòng.
Người dân xem trưng bày chuyên đề "Điện Biên Phủ trên không - Bản hùng ca chiến thắng" tại Bảo tàng Hải Phòng.

Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Nguyễn Văn Phương cho biết, với mong muốn khắc họa lại cuộc chiến đấu ác liệt, nhưng đầy quả cảm, ngoan cường của quân và dân miền bắc nói chung, của quân và dân Hà Nội, Hải Phòng nói riêng trong cuộc chiến đấu, Bảo tàng Hải Phòng đã dành những vị trí trang trọng để trưng bày hơn 150 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu cho chuyên đề "Điện Biên Phủ trên không-Bản hùng ca chiến thắng". Chuyên đề được sắp xếp thành ba phần: "Âm mưu của Mỹ trong chiến dịch tập kích đường không"; "Quân và dân ta chiến đấu, chiến thắng" và "Âm vang Điện Biên Phủ trên không".

Anh Nguyễn Thế Hà, ở phố Lý Thường Kiệt, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) chia sẻ, những người sinh ra sau năm 1972 như anh chỉ biết đến chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại Hải Phòng qua lời kể của bố mẹ và sách, báo. Những hình ảnh, tư liệu được trưng bày tại triển lãm đã giúp anh có cái nhìn vừa toàn cảnh, vừa cụ thể hơn về sự ác liệt, sự tàn phá, thương đau của cuộc chiến tranh phá hoại, cũng như tinh thần dũng cảm, bất khuất của các thế hệ cha anh. Anh đưa cả vợ và con đi xem để mọi người trong gia đình cùng hiểu thêm về một thời "đạn bom" năm xưa, để yêu quý hơn cuộc sống hòa bình hôm nay.

Những người thuộc thế hệ 6x trở về trước không bao giờ quên những tháng năm khốc liệt của cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền bắc bằng đường không của đế quốc Mỹ lần thứ hai được khởi sự vào rạng sáng 16/4/1972. Khi đó, Mỹ huy động 24 lần "pháo đài bay" B-52, 170 lần máy bay cường kích chiến thuật, bốn tàu tuần dương và khu trục mở ba đợt ném bom, bắn phá vào thành phố Cảng.

Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc, Mỹ dùng máy bay chiến lược B-52 ném bom tàn phá Hải Phòng-một thành phố lớn đông dân, tập trung các cơ sở công nghiệp quan trọng. Chúng đã trút xuống thành phố hàng trăm tấn bom, bắn hàng nghìn quả tên lửa và đạn pháo cỡ lớn. Nhiều dãy phố ở khu vực Thượng Lý, Hạ Lý, Nhà máy Xi-măng, Sở Dầu, Cầu Tre, Vạn Mỹ... không còn một ngôi nhà nguyên vẹn. Hơn 1.100 đồng bào, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em bị thương vong.

Vượt lên sự tàn phá khốc liệt của mưa bom, bão đạn, quân và dân thành phố Hải Phòng vẫn bám trụ vững vàng, vừa chiến đấu ngoan cường đánh trả các cuộc tập kích đường không bằng máy bay của đế quốc Mỹ, vừa mưu trí, sáng tạo đập tan âm mưu dùng thủy lôi, mìn từ trường, hòng phong tỏa cảng biển Hải Phòng, ngăn đường chi viện cho tiền tuyến lớn miền nam và giao thương với bạn bè quốc tế bằng đường biển.

Hơn 200 ngày đêm trong khói lửa đạn bom, cuộc sống người dân Hải Phòng luôn bị xáo trộn bởi tiếng còi báo động, tiếng gầm rú của máy bay, những tiếng nổ kinh động của các loại bom lớn, nhỏ kéo theo sự hoang tàn, đổ nát, chết chóc, đau thương...

Quân và dân Hải Phòng vừa chiến đấu, vừa sản xuất, cuộc sống thường nhật vẫn được duy trì. Nhiều nhà máy công nghiệp vẫn giữ vững sản xuất. Các trận địa pháo cao xạ của tự vệ được lập ngay trong các nhà máy và sẵn sàng bắn trả khi máy bay địch đến. Nhiều cơ sở dịch vụ, trường học vẫn hoạt động ở nơi sơ tán; trẻ em vẫn cắp sách đến trường với mũ rơm trên đầu, lùm rơm trên lưng (rơm được bện thành những khối tròn và quấn buộc lại thành miếng tròn lớn để khoác trên lưng nhằm che chắn mảnh bom đạn- PV) và quen với việc xuống ngay hầm, hố trú ẩn được đào sẵn ven đường mỗi khi có còi báo động. Khi đó, lùm rơm sẽ thành nắp đậy phía trên hố trú ẩn ngăn mảnh đạn bom...

Mặc cho địch liên tục đánh phá, thay đổi thủ đoạn rải bom, mìn, thủy lôi, nhưng lực lượng chống phong tỏa của ba thứ quân ở Hải Phòng vẫn kiên cường dũng cảm chiến đấu. Các trận bom đạn cày xéo vừa dứt, các lực lượng chống phong tỏa lại lao vào các bãi bom, mìn, thủy lôi của địch vừa rải để rà phá, kích nổ... nhằm mở luồng, thông tuyến. Địch vừa thả buổi sáng, đến tối ta đã phá ngay. Luồng tắc rồi lại thông ngay...

Hàng hóa từ khắp nơi và bạn bè quốc tế vẫn đến Hải Phòng và từ Hải Phòng, những chuyến hàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền nam vẫn liên tục, không ngừng. Tổng khối lượng hàng hóa ta tiếp nhận từ các nước anh em bằng đường bộ và đường biển, cũng như hàng chi viện cho miền nam năm 1972 vẫn tăng 1,7 lần so với năm 1971.

Riêng ở Hải Phòng, tổng số hàng nhập quý II/1972 (ba tháng khó khăn ác liệt nhất) lớn hơn tổng số hàng nhập tại cảng Hải Phòng cả năm 1964... Kết quả nêu trên đã khẳng định tầm vóc thắng lợi của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa ở Hải Phòng và miền bắc trong năm 1972 lịch sử.

Với vị trí là cửa ngõ của khu vực phía bắc, thành phố Hải Phòng đã trở thành lá chắn cho Thủ đô Hà Nội trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Hải Phòng đã sát cánh cùng Thủ đô Hà Nội và các địa phương dũng cảm chiến đấu, tổ chức phòng tránh tốt, đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ. Ngày 27/11/1972, quân và dân Hải Phòng đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 trên bầu trời thành phố.

Với vị trí là cửa ngõ của khu vực phía bắc, thành phố Hải Phòng đã trở thành lá chắn cho Thủ đô Hà Nội trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Hải Phòng đã sát cánh cùng Thủ đô Hà Nội và các địa phương dũng cảm chiến đấu, tổ chức phòng tránh tốt, đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ. Ngày 27/11/1972, quân và dân Hải Phòng đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 trên bầu trời thành phố.

Sau thất bại trong âm mưu phong tỏa cảng Hải Phòng và vùng biển miền bắc, từ ngày 18 đến rạng sáng 30/12/1972, đế quốc Mỹ đã huy động 729 lần chiếc máy bay B-52 cùng 3.920 lần chiếc máy bay cường kích chiến thuật mở cuộc tập kích chiến lược vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương trên miền bắc. Ngay đêm 18 và ngày 19/12/1972, các đội trực chiến tại các huyện Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã bắn rơi hai máy bay phản lực Mỹ.

Trước sự điên cuồng với chiến tranh hủy diệt của đế quốc Mỹ muốn đưa nước ta trở về thời kỳ đồ đá, Ủy ban hành chính Hải Phòng khi đó đã quyết định sơ tán 21 vạn dân khỏi nội thành ngay trong ngày 18/12/1972; nội thành chỉ còn 10.000 người có trách nhiệm thường trực chiến đấu, sản xuất điện, nước, cảng, y tế, cầu phà bảo đảm giao thông... Đồng thời, các lực lượng được bố trí "giăng lưới lửa" phòng không, quyết bảo vệ bầu trời đất Cảng. Chỉ từ ngày 18/12 đến 24/12/1972, quân và dân Hải Phòng đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ, trong đó có hai chiếc B-52...

Sau ngày Noel tạm ngừng, ngày 26/12/1972, chiến dịch tập kích Hải Phòng, Hà Nội của Mỹ lại tiếp tục. Ban ngày thì máy bay cường kích đánh phá, ban đêm huy động 129 lần B-52 và hàng trăm máy bay chiến thuật tiến công ồ ạt bắn phá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên... Phối hợp Thủ đô Hà Nội, lực lượng phòng không Hải Phòng đã bắn rơi tiếp hai chiếc B-52. Tiểu đoàn 72 tên lửa Hải Phòng được lệnh cơ động cấp tốc về chi viện bảo vệ Thủ đô.

Vừa đứng chân trên vị trí chiến đấu mới, Tiểu đoàn đã bắn tan xác chiếc B-52 trên bầu trời Hà Nội... Cùng với đó, lực lượng tại chỗ của quân và dân Hải Phòng vẫn liên tiếp bẻ gãy các cuộc tấn công khốc liệt của không lực Mỹ và các tàu chiến Mỹ từ phía biển...

Tinh thần chiến đấu bất khuất, quả cảm của quân và dân Hải Phòng đã góp phần khiến chiến dịch Linebacker II nhằm đưa miền bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá của đế quốc Mỹ chuốc lấy thất bại nặng nề. Quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không", đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội-Hải Phòng; trong đó, riêng quân và dân Hải Phòng đã bắn rơi 17 máy bay Mỹ, với bốn "pháo đài bay" B-52.