Quận Thanh Xuân hoàn thành giải phóng mặt bằng đường vành đai III

Với tinh thần quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo thành phố, sau tám năm, dự án đường vành đai III qua quận Thanh Xuân đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng mở ra triển vọng đường vành đai III sẽ thông xe trước ngày Ðại lễ Kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội.

Khối lượng lớn - nhiều phức tạp

Dự án đường  vành đai III đi qua địa bàn quận Thanh Xuân, có chiều dài 2,34 km với số chủ sử dụng đất nằm trong diện phải GPMB lên đến 1.507 (gồm 1.494 hộ dân và 7 cơ quan), đi qua địa bàn sáu phường gồm: Phường Nhân Chính gồm 350 hộ dân và 7 cơ quan, phường Thanh Xuân Trung gồm 432 hộ dân và 2 cơ quan, phường Thanh Xuân Bắc gồm 157 hộ dân và 4 cơ quan, phường Thanh Xuân Nam gồm 170 hộ, phường Hạ Ðình gồm 363 hộ dân, phường Kim Giang 22 hộ dân. Công tác giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai III được thực hiện theo Quyết định đầu tư số 597/QÐ-TTg ngày 16-5-2001 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định thu hồi đất và tạm giao cho Ban QLDA Thăng Long thực hiện GPMB của UBND TP Hà Nội số 4664/QÐ-UB ngày 17-8-2001; Quyết định giao đất chính thức số 2425/QÐ-UB ngày 26-6-2008 của UBND TP Hà Nội cho Ban QLDA Thăng Long để thực hiện dự án xây dựng đường vành đai III trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Ðược sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự lãnh đạo sâu sát của Quận ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND quận, công tác GPMB được tổ chức triển khai trên quận Thanh Xuân ngay từ cuối năm 2001.

Quá trình thực hiện dự án kéo dài từ năm 2001 đến nay trải qua tám năm, có thời điểm chủ đầu tư không bố trí đủ vốn để GPMB, đồng thời công tác khảo sát đánh giá của chủ đầu tư về dự toán chưa phù hợp với chính sách của thành phố tại thời điểm, nên thiếu tính thuyết phục, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại... Trong quá trình thực hiện GPMB, UBND thành phố đã có nhiều văn bản tháo gỡ...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về tiến độ GPMB đường vành đai III, UBND quận đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-GPMB ngày 2-6-2006 triển khai công tác GPMB dự án đường vành đai III đoạn từ nút giao Trung Hòa (giáp phường Nhân Chính) đến đường Nguyễn Trãi. Trên cơ sở tuyên truyền, động viên thuyết phục các hộ dân đồng thuận thực hiện, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ GPMB theo kế hoạch. Ðến hết tháng 3-2007, đã có 141 hộ nằm trên đoạn từ số nhà 126 đến 256 đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung đã nhận tiền, nhận nhà tái định cư và bàn giao mặt bằng.  Ngày 3-4-2007 UBND quận đã ban hành Kế hoạch 25/KHCC-UBND tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với 15 hộ dân trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung vào ngày 12-4-2007. Ðến ngày cưỡng chế có một trường hợp nhận nhà, bàn giao mặt bằng. Hai hộ không phải đọc quyết định cưỡng chế...

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, từ quý III năm 2008, quận Thanh Xuân đã tập trung cao độ cho công tác GPMB dự án đường vành đai III. Trước hết là nâng cao vai trò tổ chức Ðảng từ quận đến cơ sở huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Xác định nút thắt của vấn đề là nút giao Thanh Xuân, quận đã tổ chức các hội nghị: Mời Bộ GTVT giới thiệu về thiết kế nút giao và công bố Quyết định giao đất chính thức của UBND thành phố; Hội nghị mời lãnh đạo thành phố các sở, ban, ngành thành phố: Tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai GPMB nút giao; Tổ chức họp báo công bố các nội dung, kế hoạch, tiến độ triển khai GPMB nút giao Thanh Xuân.

Tổ chức in 600 bộ tài liệu về các văn bản pháp lý, chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư phát cho các tổ chức đoàn thể và từng hộ dân bị GPMB của dự án; Ban Tuyên giáo Quận ủy in 500 cuốn tài liệu hỏi đáp chính sách GPMB nút giao Thanh Xuân thuộc dự án đường vành đai III. Ðảng ủy ba phường liên quan đến nút giao Thanh Xuân đều có Nghị quyết lãnh đạo và tổ chức triển khai đến các chi bộ và tổ chức chính trị về công tác GPMB nút giao; UBND phường có kế hoạch, tiến độ chi tiết về triển khai GPMB trên địa bàn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ quận đến phường đều được triển khai đồng bộ, chi tiết, cụ thể bảo đảm tính công khai, dân chủ, đúng luật định.

Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, cho biết: "Ðể tháo gỡ khó khăn, UBND thành phố ban hành Quyết định về chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi GPMB, xây dựng đường vành đai III trên địa bàn quận như: Quyết định số 2607/QÐ-UBND ngày 16-12-2008 và Quyết định số 811/QÐ-UBND ngày 17-2-2009.

Ðây là những quyết định kịp thời, đáp ứng được nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân trong diện di dời phục vụ công tác GPMB nút Thanh Xuân".

Bên cạnh đó, quận cũng đã công khai quyết định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình - dự án trọng điểm về thiết kế, quy hoạch nút giao Thanh Xuân, động viên, thuyết phục các hộ hợp tác, để hoàn thành việc GPMB nút giao và toàn bộ đường vành đai III qua quận Thanh Xuân.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, sự lãnh đạo của Quận ủy, Ban chỉ đạo GPMB quận Thanh Xuân về việc hoàn thành dứt điểm công tác GPMB dự án đường vành đai III trên địa bàn quận Thanh Xuân; Văn bản 347/BCÐ-NV1 ngày 4-6-2009 của Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội; UBND quận Thanh Xuân đã xây dựng Kế hoạch 65/KH-UBND ngày 2-7-2007 về Thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai III trên địa bàn quận Thanh Xuân, với số lượng phải GPMB là 200 chủ sử dụng đất (198 hộ dân và hai cơ quan), trong đó GPMB phường Thanh Xuân Trung là 121 hộ; phường Thanh Xuân Nam 60 hộ; phường Thanh Xuân Bắc chín hộ và hai cơ quan, phường Hạ Ðình tám hộ.

Ðến ngày 19-11 đã hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) để triển khai thực hiện dự án.

Bài học kinh nghiệm

Những bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác GPMB dự án đường vành đai III trên địa bàn quận: Trước hết là sự chỉ đạo sâu sát quyết liệt từ thành phố, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Thành ủy, HÐND, UBND thành phố đều dành sự quan tâm đặc biệt, bố trí thời gian nghe, xuống tận hiện trường để đối thoại với đại biểu nhân dân và chỉ đạo từng công việc, từng trường hợp cụ thể. Trong suốt quá trình triển khai đợt cao điểm GPMB, quận Thanh Xuân đã nhận được sự giúp đỡ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về chính sách từ Ban chỉ đạo GPMB, các sở, ban, ngành thành phố.

Ðược sự chỉ đạo, sâu sát của Quận ủy, sự vào cuộc tích cực của các Ban đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND quận, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các phòng, ban, cơ quan đơn vị trong quận.

Ðược sự vào cuộc tích cực có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội tạo ra sự đồng thuận cao trong nhân dân. Ðặc biệt là sự  chủ động của các phường, tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long. Công tác giải quyết đơn thư được thực hiện tốt, kịp thời có chất lượng luôn được Quận ủy chỉ đạo, UBND quận Thanh Xuân tổ chức thực hiện theo đúng nội dung, trình tự thủ tục được quy định của Chính phủ, Quyết định của UBND thành phố và công khai các văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể của UBND thành phố trong lĩnh vực thu hồi đất GPMB hiện hành.

Công tác quản lý hồ sơ về nhà, đất, nhân hộ khẩu còn nhiều bất cập; sự phối hợp khai thác hồ sơ quản lý ở địa phương (về nhà, đất, nhân hộ khẩu) của UBND phường chưa chặt chẽ, do đó UBND các phường xác định chủ sử dụng đất, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất còn chậm, không bảo đảm tiến độ GPMB; Tổ GPMB triển khai thu thập số liệu chưa đồng bộ, cùng với việc khảo sát điều tra chất lượng không cao...

Công tác vận động tuyên truyền nắm bắt tư tưởng của nhân dân còn chưa kịp thời, thiếu chiều sâu, nhiều cán bộ đảng viên chưa gương mẫu...; Phối hợp với cơ quan ngôn luận có những giai đoạn cụ thể chưa chủ động, chưa kịp thời.

Công tác tổ chức điều hành thực hiện các nội dung thủ tục theo quy định trong GPMB của Tổ GPMB phường mặc dù đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn lúng túng.

Những bài học kinh nghiệm trên sẽ được quận Thanh Xuân quán triệt đến cấp ủy, chính quyền, các phường đã và đang thực hiện các dự án GPMB như: Dự án thoát nước giai đoạn II, đường Lê Văn Lương kéo dài... Phấn đấu hoàn thành nhanh gọn công tác GPMB, bàn giao cho các chủ đầu tư thi công phục vụ cho yêu cầu phát triển Thủ đô, trong đó có việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn quận.

THÀNH ÐẠT