Quan tâm hơn nữa đến đội ngũ y, bác sĩ chống dịch

Qua kiểm tra tình hình thực tế, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo đưa vào Nghị quyết phiên họp về việc giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI

Ngày 8-9, qua nắm bắt thông tin dư luận, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng Y tế khẩn trương có giải pháp kịp thời, cụ thể về vấn đề này.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 234/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp mặt với các nhà khoa học ngành y tế đã diễn ra chiều ngày 1/9. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sinh phẩm, thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Đặc biệt quan tâm công tác nghiên cứu, phát triển, đẩy nhanh thử nghiệm và cấp phép sử dụng vaccine phòng Covid-19. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã xác định quan điểm “sống chung”, thích ứng với dịch bệnh; do đó, vaccine và thuốc điều trị là chiến lược, là công cụ quyết định.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất cụ thể về cơ chế đặc thù trong nghiên cứu y-dược để tăng cường hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực y tế. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù trong đầu tư và phát triển dược liệu và y học cổ truyền, phát triển y học cổ truyền song song, gắn liền với y học hiện đại. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan, thống nhất đề xuất chủ trương thành lập: Trung tâm an toàn sinh học cấp III, cấp IV và 2 trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo lĩnh vực y-dược của Trường đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh phục vụ các nghiên cứu cơ bản về công nghệ sinh học, công nghệ cao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc nghiên cứu, phát triển vaccine phòng bệnh, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng Quỹ Vaccine phòng Covid-19 cho nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine để nhanh chóng có vaccine phòng Covid-19 do Việt Nam sản xuất, chủ động nguồn cung vaccine trong phòng, chống dịch bệnh. Bộ Y tế xây dựng Đề án về Viện vaccine và sinh phẩm y tế quốc gia đạt chuẩn quốc tế trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức các viện nghiên cứu vaccine và sinh phẩm hiện nay theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành xây dựng giá vaccine, sinh phẩm y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành, tạo động lực cho thu hút đầu tư phát triển.

Để kịp thời triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội theo Công điện số 1099/CĐ-TTg và Công điện số 1102/CĐ-TTg, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6263/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện xét nghiệm đối với lái xe đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về việc trang bị phương tiện học tập, sách giáo khoa phục vụ việc học tập theo hình thức trực tuyến.

Liên quan việc cấp giấy đi đường, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Theo Báo cáo của Bộ Y tế, ngày 8/9, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.680 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 12.663 ca ghi nhận trong nước tại 39 tỉnh, thành phố. Trong ngày, có 13.937 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, 424 người chết do Covid-19 tại 11 tỉnh, thành phố, trong đó tỉnh Tây Ninh bổ sung 89 trường hợp của tháng 8/2021.

Ngày 8/9, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đến thăm Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh đóng tại TP Thủ Đức. Trao đổi về tình hình phòng, chống dịch của thành phố hiện nay, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, những nỗ lực của các lực lượng đã đem lại những kết quả ngày càng rõ nét hơn và cần tiếp tục chiến đấu để đạt được mục tiêu đề ra. Lực lượng tuyến đầu tại các bệnh viện không chỉ chăm lo sức khỏe, tính mạng cho bệnh nhân mà còn xem đây là cơ hội để được cống hiến, thử thách bản thân, trau dồi kinh nghiệm nghề nghiệp. Trong bất cứ điều kiện nào hệ thống y tế cũng phải được củng cố, tăng cường, bảo đảm đủ sức chiến đấu…

Cùng ngày, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp tục chỉ đạo, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch và tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Bộ Y tế có công điện gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Yên và 20 tỉnh, thành phố khu vực phía nam, đề nghị các địa phương thần tốc xét nghiệm cho toàn bộ người dân để phát hiện sớm nguồn lây nhằm cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời; hạn chế phong tỏa trên phạm vi rộng và thực hiện tốt việc chăm sóc điều trị người nhiễm Covid-19...

UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành kế hoạch xét nghiệm diện rộng, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Kế hoạch nêu rõ có 11 tỉnh, thành phố sẽ tham gia hỗ trợ Hà Nội trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng tại quận, huyện, thị xã. Cụ thể: Vùng 1 (gồm 15 quận, huyện), việc lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng do các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện. Vùng 2 (gồm năm quận, huyện), đơn vị hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng là các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Vùng 3 (gồm 10 huyện, thị xã), đơn vị hỗ trợ thực hiện là các tỉnh, thành phố Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. Thời gian thực hiện, từ nay đến ngày 15/9.

TP Hải Phòng đã đồng loạt triển khai tiêm vaccine Vero Cell trên diện rộng tại 54 điểm tiêm chủng trên địa bàn. Dự kiến tiêm mũi một vaccine này cho 500 nghìn người dân trong đợt này và phấn đấu hoàn thành trước ngày 24/9. Sở Y tế Hải Phòng phối hợp các địa phương, ngành và các đơn vị, doanh nghiệp đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất, cùng 1.500 cán bộ y tế để bảo đảm tiêm chủng an toàn tại 260 bàn tiêm. Với 32.340 liều vaccine được Bộ Y tế phân bổ, tỉnh Thái Bình tổ chức tiêm vaccine đồng loạt tại các cơ sở y tế. Ngoài lực lượng tuyến đầu chống dịch, lần này còn tập trung tiêm cho các lái xe đường dài, xe liên tỉnh, xe vận tải hàng hóa và xe taxi.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn vừa có buổi làm việc trực tuyến với Công ty Xenothera (Pháp) về hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba và chuyển giao cho Việt Nam công nghệ sản xuất kháng thể đa dòng XAV-19 điều trị Covid-19. Kháng thể đa dòng XAV-19 chuyên điều trị cho người bệnh Covid-19 thể trung bình. Kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn một và hai cho thấy: Thuốc bảo đảm tính an toàn và có hiệu quả tốt trong việc ngăn bệnh tiến triển xấu hơn, có tác dụng trung hòa vi-rút và giảm viêm ở bệnh nhân. Đặc tính đa dòng của XAV-19 được ghi nhận có hiệu quả chống lại các biến chủng vi-rút SARS-CoV-2 đã được phát hiện. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của XAV-19 hiện đang được thực hiện tại Pháp và một số quốc gia châu Âu… Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác thử nghiệm giai đoạn ba và tiếp nhận chuyển giao công nghệ với mong muốn sớm bổ sung được nguồn thuốc điều trị cho những người bệnh Covid-19 nếu thử nghiệm cho kết quả khả quan.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hồ Chí Minh bảo đảm thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho nhân viên y tế, không để làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ. Các đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn bảo đảm dinh dưỡng; nhân viên y tế không may mắc Covid-19 phải được bảo đảm chế độ ăn như thường ngày… Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cần hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, tổ chức tập huấn để tình nguyện viên ở các bệnh viện dã chiến làm việc hiệu quả, hạn chế các vấn đề phát sinh trong quá trình chăm sóc người bệnh...

Đại diện UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong hôm nay 9/9 sẽ đón thêm 288 công dân lưu trú tại các vùng dịch TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An trở về địa phương. Đây là những trường hợp đặc biệt khó khăn có nguyện vọng trở về quê. Theo kế hoạch, Cà Mau sẽ bố trí 14 xe ô-tô để đón công dân. Các công dân trước khi lên xe được xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Khi về đến Cà Mau sẽ được bố trí cách ly tập trung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ ngành giáo dục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó đại dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng, mở rộng băng thông internet bảo đảm tổ chức tốt các hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục; xem xét miễn, giảm cước truy cập internet cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo (nhất là cước internet 3G, 4G); giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ internet phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học; nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, xây dựng học liệu số...

Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, để phục vụ công dân rút ngắn thời gian khai báo y tế trong quá trình tham gia giao thông, Bộ Công an đã xây dựng ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID. Hiện tại, ứng dụng đã có thể cài đặt và sử dụng hoàn toàn miễn phí trên hai hệ điều hành của điện thoại thông minh là Android (tải từ CH play) và iOS (tải từ app store). Ứng dụng VNEID có khả năng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ truy vết F0, F1, F2 phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, có khả năng mở rộng triển khai ở các địa điểm khác như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thuốc...

Sáng 8/9, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine họp rà soát kết quả hoạt động, trao đổi những biện pháp để đẩy mạnh công tác vận động vaccine, thuốc và trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo báo cáo của Tổ công tác, trong tháng 8, Việt Nam nhận được 16 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, nâng tổng số vaccine đã nhận được lên khoảng 33 triệu liều. Việt Nam cũng đã tiếp cận và nhập khẩu một số loại thuốc điều trị hiệu quả từ Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sĩ…; tiếp nhận nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, máy tạo ô-xy, ô-xy lỏng, máy xét nghiệm PCR, bộ kit xét nghiệm, khẩu trang y tế,… trị giá hàng chục triệu USD từ sự hỗ trợ của hơn 20 đối tác, các tổ chức quốc tế và kiều bào. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, trong tháng 9, Việt Nam dự kiến nhận thêm khoảng 16 triệu đến 17 triệu liều vaccine.

Ngày 8/9, Hội đồng Tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: Trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine phòng Covid-19 đã tiêm mũi một không đủ để tiêm mũi hai thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi hai. Cụ thể, nếu tiêm mũi một vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi hai bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; nếu tiêm mũi một vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi hai bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại…