Ý kiến của cử tri đánh giá cao kết quả thành công của kỳ họp thứ tư vừa qua với nhiều nội dung quan trọng; nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quyết tâm phòng, chống tham nhũng. Nhiều vấn đề vĩ mô liên quan quốc kế dân sinh cũng như những vấn đề liên quan đời sống hằng ngày của người dân địa phương được phản ánh thẳng thắn, nêu rõ căn nguyên đồng thời đóng góp các giải pháp tháo gỡ.
Đó là chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo đảm an ninh năng lượng, tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hiểm y tế cho người dân…
Bày tỏ vui mừng từ ngày 1/7/2023 tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng là nguồn động viên đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên cử tri Ngô Thị Thạnh, phường 5 còn băn khoăn về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc trên cả nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời kiến nghị cần có chính sách đãi ngộ hợp lý, tăng phụ cấp, nâng lương và cơ chế thu hút nhân tài đặc thù phù hợp một siêu đô thị để tránh tình trạng “chảy máu chất xám”.
Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Quốc Hưng, phường 15 phản ánh đời sống cán bộ, công chức trên địa bàn phường còn nhiều khó khăn, trong khi công việc bận rộn, vất vả và đề nghị sớm tăng lương và đãi ngộ tương xứng.
Đề cập công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua được tiến hành bài bản, quyết liệt, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cử tri Đinh Thị Ngọc, phường 8 và cử tri Đinh Văn Huệ, phường 15 trăn trở vẫn còn một bộ phận cán bộ suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, tham nhũng tiêu cực, trong đó có cả cán bộ cấp cao; tham nhũng trong lĩnh vực y tế trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch Covid-19.
Cử tri kiến nghị cần chỉ rõ nguyên nhân và có biện pháp quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực hiệu quả hơn, khắc phục bất cập, hoàn thiện thể chế để mọi người không cần, không muốn và không dám và không thể tham nhũng, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cho rằng lãng phí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng, tiêu cực và từ dẫn chứng cụ thể, cử tri Nguyễn Thị Thu, phường 1 đề nghị sớm có biện pháp chấn chỉnh hữu hiệu, kịp thời.
Nhiều cử tri cũng mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh nhận được thêm nhiều sự quan tâm, hỗ trợ để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, nhiều cử tri kiến nghị sớm triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng, chăm lo hơn nữa đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường, đẩy nhanh sửa đổi Luật Đất đai 2013, tháo gỡ chồng chéo giữa các luật liên quan đến đất đai, đầu tư trang thiết bị và tăng cường tập huấn cho người dân để ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra thảm họa, thiên tai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận 10. |
Phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu phong phú của cử tri đại diện các cấp, các ngành, các giới, các dân tộc rất thẳng thắn, xác đáng về nhiều vấn đề thiết thực từ thực tiễn và kiến nghị đóng góp cho Đảng, Nhà nước vì sự phát triển của quận 10 nói riêng, Thành phố Hồ Chí Minh, đất nước nói chung. Đặc biệt, Chủ tịch nước ấn tượng với nhiều ý kiến tâm huyết với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Nhấn mạnh về kết quả thành công của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch nước cũng thông tin tới cử tri về thành tựu phát triển kinh tế xã hội đất nước, mặc dù chịu tác động của tình hình thế giới với nhiều diễn biến phức tạp, nhưng năm 2022, ước 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Kết quả tích cực của đất nước có đóng góp của Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có quận 10.
Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất.
Chia sẻ với những đóng góp thiết thực của cử tri, nêu rõ khó khăn, thách thức và hiến kế nhiều giải pháp, Chủ tịch nước đánh giá cao niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mong muốn đất nước phát triển bền vững.
Chủ tịch nước cũng đồng tình với kiến nghị của các cử tri là cần đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sớm sửa đổi Luật Đất đai 2013 bảo đảm phù hợp thực tiễn, khắc phục bất cập, tránh kẽ hở phát sinh tiêu cực để đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng đất nước, quyền lợi chính đáng của người dân được bảo vệ.
Quan tâm chế độ đãi ngộ và nâng cao đời sống cho cán bộ cơ sở là vấn đề không chỉ cử tri quận 10 mà cử tri ở nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh, kiến nghị. Đội ngũ cán bộ cơ sở gần dân, sâu sát dân, là “cầu nối” chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với người dân, Chủ tịch nước cho rằng, cùng với tinh giản biên chế hiệu quả cần đãi ngộ hợp lý, cải cách chế độ tiền lương để họ yên tâm cống hiến, tâm huyết vì sự phát triển của địa phương và thành phố.
Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước cần huy động xã hội hóa, góp sức của nhân dân; an ninh năng lượng là vấn đề toàn cầu, cần các biện pháp căn cơ, tính toán lâu dài phục vụ phát triển đất nước và bảo đảm đời sống người dân; cùng với đó, quan tâm chăm lo tốt hơn, bảo đảm an sinh xã hội để đời sống người dân ngày càng nâng cao, không có ai bỏ lại phía sau.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Ghi nhận những kiến nghị của cử tri về phòng ngừa và ứng phó thảm họa, thiên tai, Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước cần huy động xã hội hóa, góp sức của nhân dân; an ninh năng lượng là vấn đề toàn cầu, cần các biện pháp căn cơ, tính toán lâu dài phục vụ phát triển đất nước và bảo đảm đời sống người dân; cùng với đó, quan tâm chăm lo tốt hơn, bảo đảm an sinh xã hội để đời sống người dân ngày càng nâng cao, không có ai bỏ lại phía sau.
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước biểu dương những nỗ lực và kết quả tích cực Đảng bộ, chính quyền quận 10 đạt được thời gian qua, nhất là về cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân, nhân dân tích cực tham gia gìn giữ môi trường và an ninh trật tự. Hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tăng hơn 17%.
Chủ tịch nước cũng bày tỏ vui mừng trước kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều điểm sáng, khắc phục được cơ bản những hệ quả do đại dịch Covid-19 gây ra nhờ tích cực triển khai các giải pháp quyết liệt, toàn diện, sự đồng lòng của các cấp ủy đảng, chính quyền và ủng hộ, chung tay của người dân.
Hầu hết các lĩnh vực và các ngành kinh tế đều phục hồi ấn tượng, thu ngân sách nhà nước trong 11 tháng đã vượt dự toán cả năm, an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, thành phố còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Do đó, Chủ tịch nước lưu ý một số giải pháp chủ yếu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng, ổn định việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm hạ tầng đô thị, giải quyết yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; chủ động phối hợp cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc về thị trường bất động sản, giữ ổn định tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đưa thị trường xăng dầu hoạt động theo đúng quỹ đạo; khắc phục tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc, bảo đảm bệnh viện có đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…
Chủ tịch nước mong muốn các cử tri tiếp tục có thêm nhiều đóng góp thiết thực để thúc đẩy sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.