Quân nổi loạn Mali bắn rơi 1 máy bay Pháp

NDO - NDĐT- Ngày 13-1, dưới sự yểm trợ của các máy bay của Pháp, quân chính phủ Mali đã chiếm lại được thành phố chiến lược Konna từ tay phiến quân. Tuy nhiên, quân nổi loạn cũng đã có sự kháng cự mãnh liệt và đã bắn rơi một máy bay lên thẳng của Pháp và làm một phi công thiệt mạng.
Quân nổi loạn Mali bắn rơi 1 máy bay Pháp

Cũng trong thời gian này, các quốc gia Tây Phi cũng đã nhanh chóng đưa quân tới Mali, đẩy nhanh một cuộc can thiệp quân sự mà dự định đến tháng 9 này mới bắt đầu. Quyết định can thiệp quân sự của Pháp và các nước Tây Phi được đưa ra sau khi các lực lượng nổi loạn, đã kiểm soát được một nửa lãnh thổ Mali từ 9 tháng trước đây, đầu tuần qua đã quyết định mở rộng vùng kiểm soát của họ về phía nam và đe doạ sẽ đánh chiếm thành phố Mopti, gây nguy cơ nghiêm trọng cho thủ đô Bamako.

Mopti là nơi có một căn cứ quân sự lớn của quân đội chính phủ. Rất nhiều người tin rằng nếu Mopti thất thủ, các chiến binh Hồi giáo sẽ chiếm được toàn bộ đất nước. Và nguy cơ của việc này là sẽ xuất hiện “một nhà nước khủng bố ở cửa ngõ nước Pháp và châu Âu”, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Le Drian nói hôm 12-1.

Pháp đã điều các máy bay Mirage từ một căn cứ không quân ở quốc gia lân cận Chad, cũng như các máy bay lên thẳng chiến đấu để bắt đầu cuộc không kích vào ngày 11-1. Họ cũng đã đưa hàng trăm binh lính tới mặt trận, cũng như giúp bảo đảm an ninh cho thủ đô Mali. Ông Le Drian cho biết, chỉ trong vòng 24 giờ, quân Pháp đã đánh bật được quân nổi dậy ra khỏi TP Konna, nơi mà các chiến binh này đã chiếm được hồi tuần trước.

Một quan chức quân đội cao cấp ở thủ đô Bamako của Mali cho biết đã có khoảng 100 quân nổi loạn bị tiêu diệt. Còn về thiệt hại của quân chính phủ, một quan chức cấp cao của Phủ Tổng thống Mali công bố trên truyền hình cho biết đã có 11 lính Mali bị thiệt mạng và 60 người khác bị thương trong cuộc chiến ở TP Konna.

Sau một cuộc họp với các quan chức quốc phòng, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố: “Chúng tôi đã gây ra thiệt hại nặng nề cho kẻ thù nhưng chiến dịch của chúng tôi chưa kết thúc. Ông cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu chiến dịch của Pháp ở Mali là hỗ trợ việc triển khai một lực lượng can thiệp quân sự của các nước Tây Phi theo sự chấp thuận của Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, việc lực lượng nổi dậy bắn rơi một chiếc máy bay lên thẳng của Pháp đã cho thấy sự khó khăn của cuộc chiến sắp tới. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã xác nhận rằng viên phi công đã bị thương nặng và thiệt mạng trong khi đang được đưa tới nơi an toàn. Quân nổi loạn đã sử dụng các vũ khí mà họ lấy được từ các kho đạn của nhà cựu lãnh đạo Lybia Moammar Gadhafi, cũng như các vũ khí mà quân đội Mali bỏ lại khi chạy trốn.

Quân nổi loạn đã lắp súng máy trên những chiếc xe ô-tô và cũng đã công bố các đoạn video khoe các loại vũ khí phòng không của họ. Quân nổi loạn thề sẽ trả đũa sự can thiệp của Pháp, và họ khẳng định có quân nằm vùng ở thủ đô của tất cả các quốc gia Tây Phi đã gửi quân đến Mali.

Tổng thống Hollande cho biết ông đã phải nâng cao mức cảnh báo khủng bố trong nước Pháp. Pháp cũng khuyến cáo các công dân của mình ở Mali, ước tính có khoảng 6.000 người, rời khỏi quốc gia này. Hiện có hàng nghìn người Pháp khác ở khắp các quốc gia Tây Phi, đặc biệt là ở Senegal và Bờ Biển Ngà.

Trong ngày hôm qua 12-1, Đại diện chính sách an ninh đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton cho biết khối này sẽ đẩy nhanh kế hoạch triển khai 200 quân để giúp đào tạo các lực lượng quân đội Mali. Một quan chức của Mỹ thì tuyên bố Lầu Năm góc đang cân nhắc việc chia sẻ thông tin tình báo với Pháp cũng như sẽ hỗ trợ về hậu cần. Còn Thủ tướng Anh David Cameron đã nói chuyện với ông Hollande và bày tỏ sự ủng hộ đối với sự can thiệp của Pháp vào Mali và sẽ điều hai chiếc máy bay vận tải C-17 để hỗ trợ cho chiến dịch của Pháp.